Trào lưu phim mì ăn liền lần thứ 3 bắt đầu lộ diện

08/06/2016 07:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 5-7 năm gần đây phim Việt chiếu rạp tăng trưởng nhanh về số lượng, dù chất lượng chưa tương xứng với đầu tư và mong chờ, nhưng ít xuất hiện phim “mì ăn liền”, đó là tín hiệu tốt.

Thế nhưng năm 2015 lại xuất hiện nhiều phim “mì ăn liền” mới như Tây du ký hậu truyện, Tình + Tình, Hy sinh đời trai, Hay không bằng hên, Tiên nữ không kiêng cữ, Hợp đồng bắt ma,... Đáng chú ý, hai phim Cao thủ ẩn danh mới công chiếu ngày 27/5 và Ma nữ báo thù công chiếu ngày 3/6 đều thuộc loại “mì ăn liền”, thì thật đáng lo.

Chúng tôi tránh gọi những phim được làm cẩu thả, tư duy ngớ ngẩn này là “thảm họa”, mà muốn gọi “mì ăn liền” vì hai lý do. Thứ nhất, trong quá khứ phim Việt (đầu thập niên 1990 tại TP. HCM) đã từng rơi vào tình trạng “mì ăn liền” dẫn đến phá sản hoàn toàn, gọi theo cách cũ để nhắc nhớ.

Thứ hai, gọi “mì ăn liền” (một kiểu thức ăn nhanh phổ biến, cũng có ích lợi trước mắt) là để chỉ một chọn lựa, một cách làm phim vội vàng, không bao giờ có phim hay, chứ không phải phim dở do thiếu năng lực.


Hình ảnh trong phim "Cao thủ ẩn danh"

Rõ ràng nhà sản xuất có quyền làm phim dở, phim “mì ăn liền” và khán giả có quyền xem nó, nhưng điều này sẽ dẫn đến những hệ quả nhãn tiền. Đầu tiên nó làm lung lay ý chí, chọn lựa của những người làm phim nghiêm túc, làm biến chất nghề nghiệp.

Đạo diễn Lưu Huỳnh từ các phim Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử… đến Hy sinh đời trai, Ngô Quang Hải từ Chuyện của Pao đến Mùa Hè lạnh, Hit: Hoàng tử & Lọ Lem… là những ví dụ cho sự “xuống tay”, xuống thẩm mỹ, thật khó bào chữa.

Kế đến, dù người Việt (chủ yếu sống ở TP.HCM, nơi bán đến 60-80% số vé) gần như vẫn dành một niềm tin, một tình yêu vô điều kiện với phim Việt, nhưng sức người có giới hạn, họ chẳng thể tin yêu lâu dài.

Đầu thập niên 1990 là một ví dụ, đã có mấy chục phim mì ăn liền thắng lợi lớn về bán vé ở rạp và sân bãi, nhưng khi việc nhập phim nước ngoài (chủ yếu từ Hong Kong, Trung Quốc) đủ chọn lựa giải trí, khán giả đã đồng loạt quay lưng lại với phim Việt. Hiện nay số phim Việt tương đương 1/3 phim nhập ngoại, nếu ngày càng có nhiều phim Việt chất lượng phập phù, cẩu thả xuất hiện, việc quay lưng, tẩy chay, thậm chí khai tử là điều rất dễ dàng.

Nói đơn cử, về thời gian xem phim và số tiền bỏ ra mua vé, phim Việt hoặc phim ngoại chẳng có chênh lệch bao nhiêu, nên khi người Việt còn chọn xem phim Việt (dù họ biết trước chất lượng còn khá thấp) thì chứng tỏ họ còn tin yêu. Có đi xem chung với khán giả các suất chiếu Cao thủ ẩn danh, Ma nữ báo thù, nghe họ ngao ngán, tiếc rẻ hoặc ca thán, mới thấy rằng niềm tin yêu đang dần bị phản bội.

Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Lo cho tương lai nền điện ảnh

Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Lo cho tương lai nền điện ảnh

Thanh niên chiếm 70% lượng khán giả tới rạp là đối tượng các nhà sản xuất phim nhắm đến, là 'thượng đế' của thị trường, nhưng chắc gì họ đã được phục vụ như 'Thượng đế'.


Hơn nữa, năm 2016 được tiên đoán trung bình mỗi tuần sẽ có gần một phim Việt ra rạp, nghĩa là sức cạnh tranh sẽ khốc liệt. Chính sự xuất hiện của nhiều phim “mì ăn liền” trở thành động cơ để nhiều nhà sản xuất làm phim cẩu thả, đầu tư thấp, với tâm lý thiên hạ làm được thì mình cũng làm được.

Trong khi đó các nền điện ảnh trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Philippines… đang thay đổi từng ngày, phim “mì ăn liền” sẽ làm cho phim Việt thêm lạc hậu.

Nếu các năm 2012, 2013 phim Việt đã chạm vạch mì ăn liền lần thứ 2 với các phim Em hiền như ma-sơ, Lệnh xóa sổ, Hello cô Ba, Cảm hứng hoàn hảo, Ranh giới trắng đen, Hoàn đổi thân xác, Gia sư nữ quái, Nàng men chàng bóng, Mùa Hè lạnh, Lọ Lem Sài Gòn, Hit: Hoàng tử & Lọ Lem, Săn đàn ông, Đại náo học đường… nay trào lưu mì ăn liền lần thứ 3 đang bắt đầu lộ diện rõ ràng hơn. Không đáng lo sao được!

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm