Trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần 8 – 2017: Tiền rất nhiều, lo không có người nhận

24/08/2017 19:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/8 tại TP.HCM, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Trần n Giàu đã có buổi trao giải lần thứ 8 – 2017 cho công trình Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển với số tiền thưởng 200 triệu đồng.

Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển do GS Phan Huy Lê chủ biên. Công trình này là báo cáo tổng quan rút gọn từ 11 đề tài nhánh tham gia đề án khoa học xã hội cấp nhà nước do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì và được hơn 100 nhà khoa học thực hiện từ năm 2008 đến 2010. Toàn bộ đề án đã được nghiệm thu, xếp loại xuất sắc vào cuối năm 2011.

Đề án tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung và được NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật biên tập rất công phu để hình thành bộ sách mang tên Vùng đất Nam Bộ gồm bộ tổng quan (2 tập) và bộ chuyên khảo sâu (10 tập).

Chú thích ảnh
Công trình Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển nhận giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 8

Trong đó, bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển chính là công trình được Giải thưởng Trần Văn Giàu 2017 vinh danh. Công trình được in thành 2 tập với hơn 1.500 trang, gồm 12 chương nghiên cứu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo, thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế.

Chú thích ảnh
Các tác giả nhận giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 8

GS Phan Huy Lê cho biết vùng đất Nam Bộ đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu dưới góc độ của nhiều chuyên ngành từ địa chất, địa lý đến khảo cổ học, dân tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học, văn hóa học và sử học.

Công trình một mặt tổng hợp các kết quả nghiên cứu đó, mặt khác nghiên cứu thêm một số nội dung cần thiết nhằm tạo ra một nhận thức tổng hợp về toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của vùng đất phương Nam. Điển hình như các nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam hay quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.

Từ kết quả nghiên cứu này cũng xác lập một nhận thức mới là coi lịch sử vùng đất Nam Bộ không phải chỉ bắt đầu từ khi người Việt vào khai phá từ thế kỷ XVII mà phải ngược về quá khứ xa xưa từ khi con người xuất hiện trên vùng đất phương Nam.

Chú thích ảnh
GS Phan Huy Lê đại diện nhóm tác giả phát biểu tại buổi nhận giải Trần Văn Giàu lần thứ 8

Giải thưởng Trần Văn Giàu được thành lập ngày 15/1/2002, thể theo nguyện vọng của GS Trần Văn Giàu, dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng ở vùng đất Nam bộ và Cực Nam Trung bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).

Kinh phí vận hành giải thưởng này lấy từ lãi suất ngân hàng mỗi năm của 1.000 lượng vàng để trao giải. 1.000 lượng vàng này có được từ việc GS Trần Văn Giàu bán đi ngôi nhà của ông.

Thế nhưng, từ năm 2002 đến nay, giải thưởng bị gián đoạn nhiều lần do tác phẩm dự giải ít và không đạt chất lượng. Cụ thể các năm 2007, 2008, 2012, 2013, 2014, 2016 không có công trình nào đủ chất lượng để nhận giải. Trong đó, Lịch sử tư tưởng vẫn chưa có người nhận sau 15 năm giải thưởng Trần Văn Giàu hình thành.

Chú thích ảnh
GS Trần Văn Giàu (1911-2011) luôn mong muốn giải thưởng mang tên mình được trao cho 2 lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử và Lịch sử tư tưởng của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, sau 15 năm, giải Lịch sử tư tưởng vẫn chưa có người nhận

Ủy ban Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu từng đưa ra gợi ý gồm nhiều “gạch đầu dòng” để những ai quan tâm tìm tòi nghiên cứu Lịch sử tư tưởng. Chẳng hạn như Lịch sử tư tưởng không chỉ có trong triết học mà còn có ở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cũng như tư tưởng của các danh nhân Nam bộ, như: Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thông, Ngô Nhân Tịnh… cùng các tác phẩm văn học nổi tiếng về đất và người Nam bộ. Nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn chưa có công trình nghiên cứu xứng đáng để nhận giải.

Ấn hành cuốn sách

Ấn hành cuốn sách "Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm"

XB Trẻ vừa ấn hành cuốn sách Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm dày hơn 400 trang, với các bài viết của hơn 30 học giả, nhà nghiên cứu về nhà cách mạng, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, GS Trần Văn Giàu (1911 - 2010).

Lâu nay, nhiều giải thưởng ở ta luôn than phiền về kinh phí để duy trì và giá trị giải thưởng bằng hiện kim không cao. Trong khi giải thưởng mang tên Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động, GS Trần Văn Giàu (1911 - 2011) luôn có sẵn kinh phí, giải thưởng rất cao và luôn mong có người nhận, thì lại rất ít người và rất khó đủ khả năng để nhận được.

Trạc Tuyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm