Trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em': Sự đầu tư 'có lãi nhất' cho tiến bộ xã hội

31/05/2022 13:44 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức đã cán đích với Top 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết - chấm điểm.

Trực tiếp Lễ trao giải Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'

Trực tiếp Lễ trao giải Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'

Tối nay, 31/5 Lễ trao giải Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 - 2022 sẽ được tổ chức tại Tòa nhà Thông Tấn Quốc Gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Chương trình sẽ được phát trực tiếp trên các kênh của báo Thể thao & Văn hoá, Yan News..

Từ 8 tác phẩm này sẽ có 5 tác phẩm xuất sắc nhất được vinh danh tại Lễ trao giải Dế Mèn lần 3 - 2022 được tổ chức vào tối nay (31/5) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Mở rộng biên độ

Khởi động từ đầu tháng 4, giải thưởng đã thu hút 89 tác phẩm/ chùm tác phẩm dự thi (tính đến hạn chót nhận tác phẩm là ngày 5/5), với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II năm 2021 đến tháng 5/2022. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...

Chú thích ảnh

So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại và điều đặc biệt là so với 2 mùa giải trước, biên độ cuộc thi năm nay đã mở rộng. Nếu như ở 2 mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước, thì mùa giải lần 3 này đã thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.

Đáng chú ý hơn, giải Dế Mèn năm nay đã nhận được một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9 - 12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua.

Chú thích ảnh
Hội đồng giám khảo chấm Giải Dế Mèn lần 3 - 2022

Qua giải Dế Mèn lần này, Ban tổ chức cũng đã phát hiện ra những dự án làm sách rất hay. “Dự án có người cầm trịch, nêu ý tưởng và các em - người thì viết lời, người thì vẽ tranh, người thì dịch sang tiếng Anh. Ngõ hầu từ nay trở đi, đời sống văn học cho thiếu nhi sẽ có nhiều hơn nữa những dự án sách như vậy để trẻ em được tham gia với tất cả niềm yêu thích, phát huy được sở trường của mình, rèn luyện được tinh thần hợp tác cùng tập thể trong sáng tạo” - PGS-TS Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo, cho biết - “Tôi nghĩ rằng đây là một phát hiện của Dế Mèn và tin tưởng rằng nó sẽ được lan tỏa”.

Nói về việc mùa giải lần 3 bội thu về văn học hơn so với những thể loại khác như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc... vị giám khảo này cho rằng, đây cũng là điều không khó lý giải, bởi năm vừa qua đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó những sản phẩm nghệ thuật tổng hợp như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu đòi hỏi sự tham gia của cả một tập thể, một ê-kíp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Khác với các loại hình khác, công cụ của văn học là ngôn ngữ, có thể ngồi một chỗ cứ thế đào sâu vào nội tâm để tuôn ra chứ không như những loại hình nghệ thuật tổng hợp khác như điện ảnh, sân khấu... Vì thế, mùa giải lần 3 này, thể loại văn học chiếm ưu thế cũng là một thành công đối với Ban tổ chức!” - ông nhận định.

Hội đồng giám khảo gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên gồm: PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.

Công lao của Dế Mèn

Sau 2 vòng sơ khảo, 11 tác phẩm đã được chọn vào vòng chung khảo, để từ đó Hội đồng giám khảo tiếp tục chọn ra Top 8 tác phẩm vào Vòng Chung kết - chấm điểm.

Nhiều yếu tố của cuộc sống đã vọng vào trong các tác phẩm. Đó chính là những câu chuyện buồn, thậm chí là tang tóc về dịch bệnh Covid-19. Nó cho thấy các tác giả đã nghĩ rất sâu về đời sống, về chính những mất mát, đau thương, để rồi từ đó thấy trân trọng cuộc sống hơn.

Chú thích ảnh
Chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên

Thêm nữa là những tác phẩm lọt vào chung khảo đều rất chững chạc vì cho thấy những cây viết đã gắn bó mật thiết với thân phận con người, với cuộc sống ngày hôm nay. “Họ viết văn không phải để xả stress, không phải viết văn để chơi hoặc viết văn vì cái danh hão, mà viết như là một ký thác tâm trạng, cảm nhận, quan niệm của họ về đời sống. Tôi cho đó là một trách nhiệm của người viết cần phải có khi gắn bó với cuộc đời, với con người vậy” - PGS-TS Ngô Văn Giá khẳng định thêm.

Qua cặp “mắt xanh” của Dế Mèn, mùa giải năm nay cũng đã phát hiện ra những nhân tố mới, còn rất trẻ, hoặc không còn trẻ nữa nhưng vẫn đang ở độ sung sức. Đó đều là những cây viết vừa có tài, vừa có tấm lòng với thiếu nhi. Bởi viết cho trẻ em là vô cùng khó khăn. Và để vượt qua những khó khăn ấy, ngoài yếu tố “trời cho”, người viết cần phải có lòng yêu trẻ, phải có con người trẻ trung, con người tuổi thơ được nuôi dưỡng trong tâm hồn mình và có sự tha thiết đối với văn học thiếu nhi.

Những người dự thi Dế Mèn nói chung và qua mùa giải năm nay nói riêng đã giữ được tấm lòng ấy. Họ đã viết bằng chính con người và tuổi thơ của mình, chứ không mang tâm thế “người lớn viết cho trẻ con”. Và, ai đánh thức được con người trẻ thơ trong mình để viết thì đó là điều rất đáng quý, đáng trân trọng.

Bên cạnh những giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở trung ương và địa phương, theo PGS-TS Ngô Văn Giá, việc “Thể thao và Văn hóa tổ chức Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là sự đầu tư có lãi nhất cho đời sống và sự tiến bộ của xã hội. Và, 1 trong những công lao lớn nhất của Dế Mèn, theo suy nghĩ của tôi, đó chính là phát hiện ra những tác giả mới, khích lệ chính các tác giả ấy, những người quan tâm đến văn học thiếu nhi thủy chung, bền vững đi trên con đường văn học thiếu nhi, cho thiếu nhi và vì thiếu nhi”.

7 vật phẩm được đấu giá trực tiếp tại Lễ trao giải Dế Mèn

1. Chiếc áo có đủ chữ ký của Đội tuyển Việt Nam 2018, vô địch AFF Cup năm 2018, do 2 nhà sưu tập Cao Minh Tuấn và Nguyễn Văn Sỹ tặng. Giá khởi điểm: 50 triệu đồng. Giá mua ngay: 100 triệu đồng.

2. Chiếc áo của cầu thủ Duy Mạnh do chính Duy Mạnh - đại sứ của chương trình “Vì mái trường cho em” - gửi tặng. Giá khởi điểm: 20 triệu đồng. Giá mua ngay: 40 triệu đồng.

3. Tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, khổ 130cm x 50cm, mực acrylic trên lụa, 2022. Giá khởi điểm: 50 triệu đồng. Giá mua ngay: 90 triệu đồng.

4. Tranh sơn dầu trên toan, 50 x 40cm, 2021 của họa sĩ Phạm An Hải. Giá khởi điểm: 30 triệu đồng. Giá mua ngay: 50 triệu đồng.

5. Tranh sơn dầu 160cm x 110cm, 2021, của Phạm Duy Quỳnh. Giá khởi điểm: 30 triệu đồng. Giá mua ngay: 50 triệu đồng.

6. Đồng hồ nam Ernest Borel GS8380C-221 do hệ thống bán lẻ đồng hồ chính hãng Galle Watch tặng. Giá khởi điểm: 20 triệu đồng. Giá mua ngay: 40 triệu đồng.

7. Chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên. Giá khởi điểm: 200 triệu đồng. Giá mua ngay: 500 triệu đồng.

Top 8 tác phẩm vào Vòng Chung kết - chấm điểm

(Xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm):

- Biệt đội thám tử Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye)

- Cá Linh đi học (bản thảo, Lê Quang Trạng)

- Cơ Bản là Cơ Bản (Phạm Huy Thông)

- Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)

- Trường học chẳng có gì vui? (Hải Nam)

- Bản thảo chùm truyện ngắn của An Băng (9 tuổi)

- Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch

- Covid trong mắt trẻ thơ (7 tập, Thanh Tâm viết lời, các cháu thiếu nhi vẽ tranh).

Đón xem livestream Lễ trao giải Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em"

Tối 31/5/2022, Lễ trao giải Thiếu nhi Dế mèn lần 3 - 2022 sẽ được phát trực tiếp lên các kênh của báo Thể thao và Văn hóa, Yan News, cụ thể là các fanpage: Báo Thể thao và Văn hóa; YAN Talents; YAN News; YAN TV... và kênh Youtube của báo Thể thao và Văn hóa tại địa chỉ https://www.youtube.com/thethaovanhoahub

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm