Trần Đức Anh Sơn: Di sản - không phải cái gì cũng phục dựng được!

10/12/2012 13:22 GMT+7 | Văn hoá


Sinh ra và lớn lên ở Huế, từ lúc lập thân tại đây và cả sau này khi đã rời đi, Trần Đức Anh Sơn cũng gắn với những thăng trầm của di sản văn hóa Huế vốn liên quan mật thiết đến du lịch…

Luận án tiến sĩ viết về đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của Trần Đức Anh Sơn năm 2002 đã giành được Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật. Rồi vị giám đốc của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế này cũng rời Huế để vào Đà Nẵng tìm đường phát triển sự nghiệp. Nhưng tại miền đất mới, Trần Đức Anh Sơn vẫn không nguôi nhớ Huế, vẫn dõi theo những bước thăng trầm của di sản Huế. Trong đó, có những tâm tư về du lịch di sản - một thế mạnh của Huế, cũng là hướng đi mà du lịch nhiều vùng trong nước đang mải mốt đi tới. Một lòng, một dạ giữ các yếu tố gốc làm nên bản sắc di sản là điểm chung của những phát ngôn, những nghiên cứu của nhà khoa học này.

* Tại tiểu ban Văn hóa và phát triển tại Hội nghị quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 vừa diễn ra ở Hà Nội, đã có nhiều cảnh báo về hiện tượng cải biên văn hóa dân tộc, trong đó có sân khấu hóa lễ hội. Ông là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng này. Trong khi đó, năm 2012 này lại là năm của du lịch di sản. Sự cải biên này sẽ gây tác hại ra sao với du lịch di sản, thưa ông?



TS Trần Đức Anh Sơn - Ảnh: Ngữ Thiên

Rõ ràng nhất sự cải biên khiến cho người ta hiểu sai về di sản. Chẳng hạn, sau khi xem lễ tế Nam Giao phục dựng ở Huế, du khách sẽ tưởng rằng trình tự, diễn tiến, khung cảnh và trang phục trong lễ tế phục dựng này đã được tái hiện giống như xưa. Nhưng điều này lại không hoàn toàn đúng với lịch sử, truyền thống. Lễ tế phục dựng mấy năm qua đã không đúng với truyền thống cả về thời gian, khung cảnh, trình tự. Chẳng hạn, lễ Tế Giao thực hiện năm 2010 chỉ có phần Sơ hiến lễ và Á hiến lễ mà bỏ phần Chung hiến lễ vì lý do truyền hình trực tiếp. Hay lễ tế Xã Tắc được tổ chức vào lúc 20 giờ trong khi trong lịch sử chưa bao giờ triều Nguyễn tế Xã Tắc vào giờ này. Ngày tế Xã Tắc được quy định rõ ràng trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là ngày mậu, tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Còn bây giờ, lễ này thường được phục dựng để mở màn cho mùa festival ở Huế. Một lễ tế thiêng liêng nay tự dưng trở thành một lễ hội du lịch.

Nếu giữ được yếu tố văn hóa gốc, giữ được di sản như nó vốn có và biết cách khai thác một cách bền vững thì vẫn có thể thu được rất nhiều tiền

Nhưng cũng phải nói rõ là Huế tuy làm sai nhưng là nơi làm sai ít nhất. Các vùng khác, đặc biệt ở miền Bắc, việc tổ chức lễ hội truyền thống có rất nhiều điều là trái với lịch sử và truyền thống. Không gian văn hóa không phải là thứ có thể tùy tiện thêm bớt hay làm theo ý mình.

* Ông có thể nêu một vài ví dụ về việc làm sai không gian văn hóa?

- Chẳng hạn như người ta áp đặt một thứ rất mới là trình diễn “body art” trong lễ hội Lảnh Giang cách đây mấy năm, mà bất chấp không gian văn hóa vốn có của lễ hội này. Hay chỉ dựa vào một bài thơ không rõ gốc tích mà người ta đã làm nên cả một lễ khai ấn lôi kéo hàng vạn người tham gia làm náo loạn cả đền Trần trong mấy dịp Tết vừa qua… Còn nhiều ví dụ khác nữa. Chính vì thế mà trong hội thảo này, đã có một nhà nghiên cứu trình bày một tham luận có tựa đề là văn hóa đất sét, hàm ý là từ một cục đất sét người ta nặn lên thành một bức tượng, rồi cứ thế xì xụp khấn vái, biến từ cái không thành có. Những dạng như thế có rất nhiều trong phục dựng lễ hội và trong hoạt động du lịch di sản ở nước ta.

* Như vậy chúng ta đã làm du lịch di sản từ lâu nhưng vẫn sai từ gốc nhận thức.

- Chúng ta phải phân biệt rõ du lịch di sản và du lịch văn hóa. Du lịch di sản dựa trên di sản là cái đã thành hình. Còn văn hóa thì vẫn còn tiếp tục phát triển. Như thế, nếu du lịch di sản phải dựa trên các đặc trưng văn hóa, nguyên tắc văn hóa đã có thì du lịch văn hóa lại có phạm vi hoạt động đa dạng hơn. Chính vì thế, muốn làm du lịch di sản, cần phải xác định di sản gồm có những gì. Trên cơ sở đó, lại cần xác định tiếp cái gì cần được bảo tồn, cái gì có thể phục dựng, tái hiện để phục vụ du lịch chứ không phải cái gì cũng phục dựng được.

Sau khi phục dựng, tái hiện sẽ lại tiếp tục phân chia khai thác như thế nào. Có cái làm để thu tiền, có cái lại làm để giới thiệu văn hóa cho cộng đồng. Có di sản du khách chỉ là người quan sát, và không thể trực tiếp tham gia. Có di sản du khách được tham gia với tư cách chủ thể, vừa tham gia, vừa sáng tạo. Chẳng hạn, nghi lễ Tế miếu vốn là của vua chúa ngày xưa. Với nghi lễ này, du khách không thể tùy tiện bước lên thắp hương được.

* Nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng nếu không thay đổi di sản cho phù hợp đời sống hiện đại, việc khai thác sẽ không thể thu được hiệu quả kinh tế.

Lý thuyết về kinh tế và phát triển văn hóa này đã làm hại nhiều di sản. Tôi nghĩ dù văn hóa có phát triển và biến đổi nhưng các yếu tố gốc của văn hóa thì cần phải gìn giữ. Nếu giữ được yếu tố văn hóa gốc, giữ được di sản như nó vốn có và biết cách khai thác một cách bền vững thì vẫn có thể thu được rất nhiều tiền. Người Nhật đã “huy động” các lễ hội truyền thống của họ vào phục vụ du lịch một cách rất bài bản và đã thu hút được nhiều du khách, tạo nguồn thu rất bền vững. Hay như ở Hội An, người ta đã biết tạo lập các không gian văn hóa mới dựa trên “vốn liếng” của không gian văn hóa cổ xưa để thu lợi từ du lịch, và người Hội An đã rất sòng phẳng khi nói rõ đó là không gian tái hiện.

Theo Thanh niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm