11/09/2020 16:50 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Ngày 11/9, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm, trưng bày chuyên đề về Trương Vĩnh Ký – nhà báo đầu tiên của Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam qua các thời kỳ, cùng với đó là việc tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.
Tọa đàm, trưng bày chuyên đề về Trương Vĩnh Ký là một hoạt động mang tính mở đầu quan trọng, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam chú trọng đầu tư và sẽ còn tiếp tục được theo đuổi lâu dài. Với sự tham gia của các nhà nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học... tọa đàm đã giúp cho các đại biểu, sinh viên theo học ngành báo chí tham dự hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Trương Vĩnh Ký.
Tại buổi tọa đàm, diễn giả, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến đã giới thiệu tham luận “Petrus Trương Vĩnh Ký và sự nghiệp Văn – Giáo – Báo – Sử” bằng việc cung cấp rõ hơn, cụ thể hơn những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của nhà báo Trương Vĩnh Ký đối với nền báo chí Việt Nam.
Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837-1898) còn có tên là Petrus Ký, ông thông thạo tới 27 ngoại ngữ. Ông là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học...
Ông để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật, trong đó có nhiều tác phẩm bằng Pháp văn, ghi những dấu ấn đặc biệt trong giai đoạn giao thời giữa văn hóa Đông Tây ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trương Vĩnh Ký cũng là người có đóng góp rất lớn về mặt phát triển chữ quốc ngữ. Sự ủng hộ này thậm chí còn được chính ông viết trên tờ Gia Định Báo ngày 15-4-1867: “Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”.
Tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4-1865 đến ngày 1-1-1910, tờ Gia Định báo đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà báo Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước.
Dù hiện nay, việc tìm lại những hiện vật, bản thảo mang dấu ấn của nhà báo Trương Vĩnh Ký là khá khó khăn, nhưng Bảo tàng Báo chí Việt Nam vẫn cố gắng sưu tầm và trưng bày một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc về ông giúp độc giả tiếp cận một cách đầy đủ hơn một phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt mà nhà báo Trương Vĩnh Ký là người đã đặt cột mốc đầu tiên.
Quỳnh Trang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất