Tạ Chí Đại Trường: Người viết sử Việt từ đất Mỹ

24/08/2009 08:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - 15 năm sống xa quê hương, vậy nhưng những bài khảo cứu về lịch sử Việt Nam của ông (*), đều đặn ra mắt và luôn gây sự ngạc nhiên với những ai quan tâm tới lịch sử Việt Nam, kể cả các sử gia chính thống. Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm sử học Việt Nam của ông nhưng phải thừa nhận mỗi bài viết của tác giả này đều ít nhiều chứa đựng những kiến giải bất ngờ về những sự kiện hoặc vấn đề lịch sử quen thuộc, mở ra những tranh luận mới.

Ông là nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường.

Không nhắc lại những gì đã cũ

* Xin được chúc mừng ông với cuốn Những bài dã sử Việt vừa xuất bản tại Việt Nam (Nxb Tri thức) và ngay lập tức đã gây được chú ý. Cảm giác của ông thế nào ?

- Tất nhiên là vui rồi. Cái thú viết sách cho riêng mình là của cao nhân, người thường không ai nghĩ như vậy. Huống chi viết sách khảo cứu lại mong có nhiều người đọc để điều chỉnh sai sót chi tiết, luận điểm đưa ra, tiến tới việc đánh giá lại khả năng của mình để mong làm tốt hơn.

Phần lớn sách của tôi, tuy có những bài viết hồi còn ở Việt Nam nhưng in ở ngoại quốc nên đến khi xuất hiện lại trong nước thì đã qua một thời gian cách biệt. Ví như quyển Thần, người đất Việt xuất bản ở Mỹ năm 1989 đến 2005 mới về Việt Nam, quyển Những bài dã sử Việt gom góp những bài viết trong nước các năm 1984-1986, in thành sách cuối năm 1996.

Sách khảo cứu dù là được viết kỹ cũng có thời gian tính của nó (ý tưởng tác giả đổi thay vì những xuất hiện tài liệu mới, vì chính chuyển biến của bản thân) cho nên sách xuất hiện lại cũng đành phải chịu một chừng mực lạc hậu nào đó khi tác giả không có dịp sửa đổi. Dù sao thì “có còn hơn không”, tôi cũng không thấy cần phải tránh né tỏ bày sự vui mừng của mình trong lần xuất bản, tái bản này, như đối với những quyển trước...

* Bạn đọc đã quen với một nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường qua các công trình nghiên cứu về phong trào Tây Sơn, về hệ thống thần linh, thần tích của người Việt và sự phát triển của tín ngưỡng dân gian Việt Nam... nay lại thích thú phát hiện ra một nhà cổ tiền học Tạ Chí Đại Trường qua Những bài dã sử Việt. Cơ duyên nào đưa ông tới việc nghiên cứu tiền cổ?

- Học sử xưa mà không thể tiếp xúc với tài liệu thư tịch trong thư viện chỉ vì tôi phải nhập ngũ trong gần 11 năm thời chiến. Chút đam mê nghiên cứu phải chuyển qua việc nhìn xét các sự kiện đương thời, qua những lần hiếm hoi đi vào làng mạc, tỉnh thành xa. Các thu thập này lại cũng không có điều kiện nối tiếp với sách vở cũ để kết tập thành những suy nghĩ có hệ thống nên đành đem những suy nghĩ lẻ tẻ vào các bài báo. Chút thu lượm đắc ý là các đồng tiền cổ tình cờ thấy được ở Bình Thuận dẫn đến một cuộc tìm kiếm lâu dài qua những vùng có khi còn bốc khói chiến trận như ở Phú Yên.

Với thời gian chiến tranh thì các thu lượm rải rác chỉ mang tính sưu tập, chứng cớ là bản thảo đầu tiên tôi viết về những thu lượm này rất là sơ sài, thô thiển. Tôi lại không có điều kiện sưu tập được nhiều. Đi thì không rảnh rang mà tiền mua thì không đủ cạnh tranh với người khác. Nhưng căn bản sử học từ nhà trường đã giúp tôi lựa chọn đúng chỗ để viết, những bài dạng Tiền đúc ở Đàng Trong: phương diện loại hình và tương quan lịch sử. Nó mang tính nghiên cứu khá chặt chẽ về một khu vực vì nhỏ nên không được các cổ tiền gia lớn quan tâm, do đó mà lấp được một khoảng trống của kiến thức chuyên ngành. Và đó mới là điểm cần thiết cho một nghiên cứu, vì không nhai lại những điều đã cũ, không phải chồng chất một mớ trích văn của người khác mà mình có trong tay theo tính toán càng nhiều, càng dày càng tốt ! Ông F. Thierry, Quản thủ về Tiền cổ Á Đông thuộc Phòng Huy chương của Pháp đã chú trọng đến các bài về tiền cổ này trong lúc chúng có khi lạc loài trên các tờ báo chợ, báo quảng cáo của người Việt trên đất Mỹ. Ông đã nhắc đến tôi trong báo cáo Survey of Numismatic Research 1985-1990 ở Hội nghị Quốc tế về Cổ tiền học, Bruxelles 1991.

* Sống xa đất nước đã lâu, làm thế nào ông có thể cho ra đều đặn các bài viết về lịch sử của mình?

Những khảo luận được viết nghiêm túc với bút pháp khoa học nhưng đọc nó người ta vẫn cảm nhận được cảm hứng của tác giả, lấy việc khảo cứu công phu như một thú vui tiêu khiển thời gian hơn là sự hành nghề của một sử gia chuyên nghiệp. (Nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc về cuốn Những bài dã sử Việt của Tạ Chí Đại Trường)

- Tôi qua Mỹ từ tháng 8/1994, lăn lộn kiếm ăn, bệnh tật bỏ việc, mười năm sau mới trở về thăm anh em, nghĩa là gần như đoạn tuyệt với sinh hoạt nghiên cứu trong nước, trừ một vài lần hiếm hoi gặp sách vở xuất hiện ở Mỹ hay được bạn quen cho mượn. Tôi không thể đi vào những đề tài chuyên biệt nữa, ví dụ coi như từ bỏ chuyện tiền cổ - ngoài những lúc đọc cho vui trên các bản tin bạn bè gửi đến. Nhưng từ trên các đề tài xưa cũ, tôi nhận thấy có thể khai thác tìm hiểu lịch sử cổ, trung đại Việt Nam trên hai tập sử cũ: Đại Việt sử lược Đại Việt sử kí toàn thư theo một cách khác với nhiều người đã diễn giảng. Như vậy tôi có thể bó gọn công việc theo với thực tế sống của mình mà không phải đoạn tuyệt với nó. Tôi đặt tên cho cả công việc (không biết đi tới đâu) ngay từ bài viết đầu dưới tiêu đề: Sử Việt, đọc một quyển - “một quyển” là Đại Việt sử kí toàn thư.

Tất nhiên không thể nào giải thích một quyển sách chỉ từ chính bản thân nó. Huống chi Việt Nam có chợ trời thì Mỹ cũng không chịu thua nên tôi đã ghép sách chợ trời Mỹ vào các bài nghiên cứu của mình. Cơ sở đối chiếu trong bài Sex và triều đại là quyển Sex in History nhăn nheo, ẩm mốc nằm chung với ổ khóa, giày dép của một anh Mễ trên chợ trời GoldenWest Community College thường nhóm họp vào thứ bảy, chủ nhật. Giá 1 đô-la, tận cùng số kiếp của một loại sách như thế. Đề tài hơi lệch ra ngoài khuôn khổ thông thường, có thể gây hiểu lầm để nhà đạo đức dễ dàng buộc tội tác giả đầu óc trụy lạc, nói xấu anh hùng liệt nữ... Sau đó, tôi gỡ được mặc cảm khi Giáo sư F. Guillemot cho biết sẽ có Hội thảo quốc tế trong tháng 5/2007 ở Lyon với chủ đề: Bản sắc thân xác tại Việt Nam. Theo Giáo sư, đó là “một ngành nghiên cứu ít khi được đề cập đến trong giới nghiên cứu, nhất là tại Pháp,” thế mà, cũng theo lời ông, “Giáo sư [?!] Tạ Chí Đại Trường (tại California, Hoa Kì) đã bắt đầu mở rộng lãnh vực nghiên cứu về chủ đề này qua bài Sex và triều đại...” (Dòng sử Việt, Xuân Đinh Hợi, năm thứ hai, tháng 1-3/2007, California 2007, trang 108-110.)

Ước mong thì không bao giờ đủ thỏa mãn nhưng nếu chịu bằng lòng với “số phận” thì sẽ nhận ra được thích thú trong công việc. Vì nhận ra công tích của sách chợ trời Mỹ như thế nên cuối cùng khi góp bài in thành sách, tôi phải đổi là Sử Việt.

* Có ý kiến cho rằng, ông thiên về việc khai thác, đối chiếu các tài liệu sử học đầu tay mà ít chú trọng đến việc đi điền dã.

- Theo tôi, việc nghiên cứu không phải lúc nào, và ở đâu, trong khuôn khổ đề tài nào cũng cần đến việc đi điền dã. Ông Tư Mã Thiên tuy cũng đi đây đi đó nhưng đâu có phải lục lọi cùng khắp những vùng ông viết trong quyển Sử ký của ông? Người ta có thể đi điền dã gián tiếp bằng cách đọc các tài liệu của người khác đã đến tận nơi, hay có tiếp xúc với vấn đề. Hoặc đi điền dã trên bản đồ. Lại cũng là chuyện biết khai thác chứng cứ từ người khác hơn là đến tận nơi thấy đồng ruộng mênh mông, núi đồi trùng điệp, dạo chơi ăn uống với địa phương rồi về !

Xét kỹ về câu hỏi của bạn, có thể nghĩ xa rằng người đặt vấn đề đã thấy một vài sai lạc trong các bài tôi viết, không đúng với thực tế địa phương. Nhưng sai lạc ở một quyển sách thì bao giờ cũng có, nhất là như đã nói, tôi viết sách trong tình trạng ngược đời là đi vào chuyên môn mà không có dịp cho chuyên viên đọc trước, hay đem ra dạy học để ít ra, được học trò nói lại. Thế mà in sách cũng không thường thấy hồi âm khiến có thể nghĩ đến một chính sách, một sự cố tình lãng quên tập thể. Hình như người mình có tính cả nể, không chịu chỉ ra khuyết điểm của kẻ khác trên sách vở, nghĩa là chỉ trên phương diện kiến thức cần thiết mà cũng không nói, lại chỉ xầm xì với nhau.

Phải đề phòng sự ưa thích bất chợt

* Các sách của ông luôn có một giọng điệu rất riêng, cung cách lập luận độc đáo. Ông có chịu ảnh hưởng về phương pháp nghiên cứu lịch sử của ai không?

- Xin cảm ơn lời khen. Điều đó có lẽ một phần do hoàn cảnh riêng biệt của tôi. Tôi là nhà nghiên cứu (có lần ông Trần Bạch Đằng đã gọi như thế) mà không từng ở cơ quan nghiên cứu nào hết. Cả đến việc dạy học là vị trí gần với nghiên cứu nhất, tôi cũng không phải là “dân” ở đó. Tổng cộng trong đời, tôi chỉ dạy học khoảng hai năm rưỡi mà lại cách nhau hơn 10 năm, rồi tuyệt tích.

Trong Những bài dã sử Việt, lần đầu tiên người đọc phát hiện nhà cổ tiền học Tạ Chí Đại Trường qua bốn bài khảo cứu chuyên biệt, trong đó bài viết ngắn nhất lại ấn tượng nhất. Trong bài Về khuôn tiền đá ở Núi Voi (Bắc Thái), chỉ từ một tấm ảnh ố vàng, ông đã chứng minh đầy thuyết phục, khuôn đúc tiền bằng đá tìm thấy ở Núi Voi không thể là của đời Đường như một số sách/giáo trình lịch sử nhận định. Nhờ đọc bài viết của ông, ông F. Thierry, một chuyên viên về tiền cổ, đã kịp thời đính chính trên chuyên san Bulletin de la Société Francaise numismatique (Tập san của Hội Tiền cổ Pháp) số tháng 3/1997, rằng khuôn tiền đó chỉ có một lỗ khắc đồng Khai nguyên, tiền hiệu đầu Đường, thế kỷ VII; còn bảy lỗ khác là tiền hiệu Tống, thế kỷ X, XI.

Tất nhiên là tôi cũng bắt đầu từ trường đại học như đã nói. Lớp người như tôi, trưởng thành trong phần nửa đầu của cuộc chiến, không biết tiếng Pháp như các bậc đàn anh, không chuyển kịp qua thời tiếng Anh về sau nhưng vẫn giữ tiếng Pháp là sinh ngữ chính và học tập trong môi trường trung, đại học theo truyền thống Pháp. Vì thế phương pháp nghiên cứu sử là bắt nguồn trực tiếp từ các sách giáo khoa hay chuyên ngành của Pháp, hoặc qua cách vận dụng từ giáo sư Pháp.

Chữ nghĩa hấp tấp thu thập từ trong chiến tranh vốn cũng không nhiều nhưng đành phải cứ từ căn bản đó mà “bơi” tự do. Nhưng có vẻ cũng từ căn bản đó mà tôi đã “khác” đi. Căn bản khoa học dễ thấm vào những người bị chiến tranh bốc ra khỏi môi trường làng xóm, khỏi gia đình truyền thống như chúng tôi.

Sách sử gọi là của truyền thống “xa xưa” nhưng vốn từ các nho sĩ lại cũng học của mấy ông “Tử viết...” luôn luôn vọng tưởng về một thời hoàng kim Tam Hoàng Ngũ Đế, đem ứng dụng vào trong nước là mơ màng về một thời Hùng Vương đầy đủ thể chế văn minh (tuy có lúc cũng xê xích cho phải phép.) Chuyển qua thời đại “khoa học”, đó là một nền văn minh Đông Sơn rực rỡ của các đào bới khảo cổ học, như một minh chứng vật chất vững chãi cho thời Hùng Vương chỉ còn vài dòng sách vở.

Rồi với thời có sử thì những thiết chế chính trị từ Trung Quốc chuyển qua phủ Đô hộ An Nam độc lập cũng tiếp tục được coi là không nhường ai về mặt văn minh.

Tôi nghĩ mình đã được thoát ra khỏi những lối nhìn “truyền thống” cũ và mới như thế là nhờ ở vị thế “mới” về tư tưởng chấp nhận để thấy ra sự khác lạ trên các sự kiện cũ. Khoa học bắt đầu bằng sự ngạc nhiên và do đó bắt buộc người ta phải đi tìm những kiến giải khác.

Rồi thêm với vị thế bên lề xã hội của mình, tôi tự do viết không cần lo chuyện có được phổ biến hay không, hay như ở Mỹ, là viết cho những tạp chí không đủ tiền trả, viết cho nó sống để mình còn có “sân chơi”!

* Nhiều người nói ông rất dở trong việc đặt tên sách, thường nghe không “kêu”, ông nghĩ gì về điều này?

- “Bá nhơn bá bao tử”, tôi phải trọng ý kiến của người khác nhưng vẫn giữ ý kiến của mình.

* Ông đã đến với việc nghiên cứu lịch sử như thế nào, có cần một năng khiếu đặc biệt gì không?

- Khoa học là nghiêm túc, là khổ nhọc. Tự bản thân, tôi không thấy mình có thiên hướng gì đặc biệt. Đi học, chọn một ngành riêng biệt rồi cứ theo đó mà làm thôi. Đã có nhiều người định nghĩa thiên tài là kiên nhẫn, là cố gắng, cho nên người muốn nghiên cứu sử thành đạt cũng không có con đường nào khác. Phải đề phòng sự ưa thích bất chợt nhảy vào sử vì vướng víu với ý tưởng chung xưa cũ “Ai biết được chữ thì cũng có thể viết được sử.” Hiện giờ vẫn còn rất nhiều “danh tác sử học” thuộc loại đó. Viết sử theo truyền thống Trung Hoa thì không có trường trại nào hết nhưng từ khi người Pháp qua, và nhất là từ thời độc lập 1945 đã có nhiều lớp chuyên viên được tạo thành theo đường lối sử học Tây phương.

* Xin cám ơn và hy vọng tiếp tục được đón đọc những bài viết mới, những phát hiện mới của ông.

Bàn về nhân vật Lê Hoàn (Việt Nam ở thế kỷ X), từ những tài liệu mang giọng điệu miệt thị của sứ thần phương bắc và những ghi chép bóng bẩy thường để che đậy hoặc tô vẽ thêm của sử quan trong nước, cùng những dấu vết khảo cổ, Trần Chí Đại Trường đã vẽ nên chân dung một ông vua có cá tính của một triều đình tột đỉnh quyền hành mà sinh hoạt không xa dân chúng là bao, và mặc dù còn vụng về quê kệch nhưng cũng có vẻ hào nhoáng và niềm hãnh diện riêng.
Trần Chí Đại Trường phân tích về Lý Nhân Tông, vị Hoàng đế suốt ngày loay hoay với việc đồng áng và có đầy đủ phẩm chất tham công tiếc việc, hà tiện chi li của anh nông dân một nắng hai sương (Những Hoàng đế - điền chủ Đại Việt thế kỷ X-XIV). Tác giả coi ông vua này là nhân vật điển hình minh chứng cho dấu vết điền chủ lãnh chúa rõ rệt ở các vị Hoàng đế của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV.

(*) Đa số sau đó được tập hợp trong các cuốn: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Thần, người và đất Việt; Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài; Những bài văn sử, Những bài dã sử Việt (đã xuất bản tại Việt Nam).
 
Hoài Thanh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm