10/04/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, mỗi lần nhà văn Nguyễn Mộng Giác và sử gia Tạ Chí Đại Trường từ Hoa Kỳ về thăm quê, đều có ghé thăm nhà thơ Lê Văn Ngăn và tôi.
Một buổi sáng nọ tôi cùng nhà văn Nguyễn Mộng Giác và sử gia Tạ Chí Đại Trường ngồi uống cà phê với nhau, chuyện trò nhiều hơn bởi hôm đó 2 ông đang có chút nỗi niềm về việc các cuốn sách tâm đắc mới được tái bản trong nước: bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ; bộ sử Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802) và cuốn Thần, người và đất Việt.
1. Hôm đó, tôi có nói với 2 ông niềm ao ước được cùng đi xe ngựa với nhau dưới vòm trời Đồ Bàn thành- Hoàng Đế thành giữa mùa Xuân, như ngày xưa, tôi từng tháp tùng các nhà thơ Quách Tấn, Yến Lan…trên cỗ xe cũ kỹ, còn ghi chép bao hồi ức của những phong thái dí dỏm: “Em ơi đừng chê anh già- Xưa nay gừng quế ai mà dùng non” (Quách Tấn).
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác từng là Hiệu trưởng trường Cường Để Quy Nhơn, ngôi trường trung học sang trọng bậc nhất của Bình Định trước 1975. Sau đó họ bổ dụng ông làm Chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định, chức vụ tương đương Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo bây giờ.
Ông kể với tôi rằng, lúc đó ông mới hơn 30, mà theo chức vụ đó, khi về thăm trường trung học An Nhơn hay các trường trung học khác trong tỉnh, có những giáo sư già ra sắp hàng chào đón, ông tự thấy e ngại sao sao đó. Lại còn chuyện các quan chức liên quan mời ông lên trực thăng, đảo qua các vùng đã mất kiểm soát của chính quyền Sài Gòn như Hoài Ân, An Lão, chỉ cần ông chỉ vào một điểm ngói đỏ mơ hồ nào đó, bảo tôi đã cho xây trường rồi, là họ lập biên bản, ký vào, họ thanh toán cả, tất nhiên sau đó thế nào ông cũng sẽ được “phần chia”. Ông không dối trá được, nên kiên quyết không làm.
Chưa hết, mỗi lần họp tỉnh, các ngành khác họ phát biểu rất hăng, ông và bác sĩ Nguyễn Minh, Trưởng ty Y tế thuộc type trí thức ngại ngùng, thường không phát biểu gì. Bởi các vị khác, chiều họ đi đánh tennis với quan chức hàng tỉnh, tối còn đến nhà đánh mạt chược ăn tiền với quý phu nhân, tất nhiên cuối cùng họ giả vờ thua, như kiểu hối lộ hợp pháp. Tết nhất họ chở cả xe Jeep quà cáp đến nhà các ổng, còn như ông quá lắm chỉ tặng chậu hoa bình thường, tự thấy hổng giống ai.
Bởi vậy, khi được rủ vào Sài Gòn tiện viết văn làm báo, ông thấy hợp, bèn viết đơn từ chức ngay và được chấp thuận.
Tôi hiểu rằng, những người lập thân bằng chữ nghĩa một cách trong sáng, con đường khoa danh hiển hoạn không thể nào không lẻ loi như tâm thế tiền nhân trong bối cảnh tôn vinh lẽ xuất xử hành tàng của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến… qua những bài giảng cổ văn thời bấy giờ.
Đến đó, tôi chợt nhớ chuyện nhà thơ Quách Tấn hồi làm tòa tỉnh, khả năng học thuật và tiếng tăm văn chương ông nổi quá, những kẻ ganh tỵ căm lắm. Một lần rỗi việc, ông dạo biển với mỹ nhân, bị những kẻ này rình rập lu loa. Ông chỉ quay lại hỏi: “Đánh ghen là việc của vợ tôi hay việc của chính quyền” làm cho họ tẽn tò, dù họ không buông tha ông. Sau đó, ông đổi ra Huế, chủ yếu là tập trung viết lách.
Một chuyện khác, sau 1975, khi người ta chuẩn bị hội thảo Đào Tấn, một số vị ở Quy Nhơn cũng vào tận Nha Trang hỏi mượn các văn bản tuồng về nghiên cứu, họ nói sẽ bồi dưỡng Quách Tấn15 đồng và yêu cầu ông viết giấy tay đã nhận 3 chục! Hỏi sao lạ vậy, họ bảo để họ kiếm chút tiền tiêu. Ông cười nhẹ nhàng viết giấy đã nhận 15 đồng. Họ hơi sững nói sao hồi nãy cụ đã đồng ý không nói gì, giờ sao viết vầy? Ông tiếp tục nụ cười “thàng hậu” (hiền hậu, nhân văn) và khuyên các anh đừng cáu, tôi viết giấy để đưa các anh về thanh toán, còn tôi cho 15 đồng ấy cho các anh luôn chứ tôi không nhận đồng nào!
Nhân vật Quy Nhơn đầu tiên mà chúng tôi sôi nổi bàn luận, không phải một anh hùng cái thế, một thi sĩ lẫy lừng hay một giai nhân nghiêng thành đổ nước…mà là ông Tám Khùng! Không phải chỉ chúng tôi, mà những người đã ở Quy Nhơn các thập niên giữa của thế kỷ 20, nhất là những ai giờ đã đi xa, khi nhắc về cảnh cũ người xưa thường không thiếu bóng dáng nhân vật này. Suốt đời ông Tám Khùng 4 mùa mưa nắng, ôm một bó hoa huệ tận tình đến từng nhà có cưới xin để mừng, có tang chế để chia buồn, ai trêu chọc gì thì ông tự lấy đá đập vào ngực mình kèm theo những lời tự sỉ vả chính bản thân!
Thuở nghe tin Tám Khùng qua đời, Nguyễn Mộng Giác bảo tim ông đau thắt và ông đã viết: “Không hiểu trong trí não một người mắc bệnh tâm thần từ nhỏ như Tám Khùng, có một khoảng nào minh mẫn linh diệu để Tám Khùng cất giữ cuốn sổ ghi tỉ mỉ những kỷ niệm vui buồn của mọi gia đình trong thành phố Quy Nhơn? Hồi còn sức khỏe tráng kiện, ông đem thân ra làm vui cho bọn trẻ chúng tôi. Nay tuổi đã già, ông đem trí ra nhớ từng ngày từng tháng, theo dõi chia sẻ vui buồn của mọi người. Ông là công dân số một của Quy Nhơn, xứng đáng hơn ai hết để người Quy Nhơn trao cho vinh dự ấy”.
2. Tôi nhớ sử gia Tạ Chí Đại Trường có kể chuyện với 1 đô la, ông đã lôi được Sex In History từ chợ trời Golden West Community College mang về, và nó là cơ sở đối chiếu cho Sex và triều đại. Giáo sư F. Guillemot đánh giá cao Sex và triều đại, cho rằng Tạ Chí Đại Trường đã bắt đầu mở rộng lãnh vực nghiên cứu về chủ đề này trong khi đó là một chuyên ngành ít khi được đề cập đến trong giới nghiên cứu, nhất là tại Pháp, khi vị GS này cho biết sẽ có hội thảo quốc tế trong tháng 5/2007 ở Lyon với chủ đề: Bản sắc thân xác tại Việt Nam. Đây là một trong những tác phẩm hấp dẫn của ông mà tôi đọc không biết chán.
Ông kể về duyên chữ nghĩa, F.Thierry, quản thủ về Tiền cổ Á Đông thuộc Phòng Huy chương của Pháp (chắc có lẽ) đọc đâu đó trên các tờ báo chợ, báo quảng cáo của người Việt trên đất Mỹ, và ở Hội nghị Quốc tế về Cổ tiền học, Bruxelles 1991 đã đã nhắc đến ông trong báo cáo Survey of Numismatic Research 1985-1990, tạo cho ông nhiều cảm xúc khích lệ khi biết thành quả nghiên cứu về tiền cổ.
Sách Tạ Chí Đại Trường rất hấp dẫn. Ông viết sử theo quan niệm: “Nổi bật trong văn chương là tính chất nghệ thuật, còn ở sử học là tính chất hệ thống hóa của nó. Tuy nhiên có một điểm khó tách rời văn chương và sử học: Cả 2 đều phải xuất hiện qua hình thức chữ nghĩa, và nói lên điều thiết thân của con người, 1 nói về quá khứ và 1 cứ tưởng của muôn đời mà thật ra cũng chỉ là giai đoạn […]. Như vậy văn chương không chỉ nối dài lịch sử bằng hình thức của mình mà còn có tác động đẩy đưa lịch sử theo hướng mình mở ra nữa. Có vẻ như sử học bị bó trong khuôn khổ đã không làm hết nhiệm vụ”.
3. Buổi sáng ngắn ngủi ấy cũng như một số lần gặp nhau khi 2 ông về thăm quê nhà, không ngờ đã động vào nhiều việc lớn của tâm thức lịch sử, từ một số phận ngoài rìa xã hội đến vị hoàng đế trên ngai vàng. Cái duyên trào lộng sâu sắc của những đại danh làng văn Bình Định mà tôi may mắn được hân hạnh tiếp xúc, từ Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan… cho đến Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, qua cách họ trò chuyện, mỗi người một vẻ nhưng đều cho tôi một cảm giác chung rằng sự to tát nằm trong điều giản dị, sức mạnh của thiên cổ lắng đọng trong nụ cười “thàng hậu”đặc trưng của vùng đất mà tiếng ngựa hí voi gào trong nhiều thế kỷ bể dâu đã lặng chìm dưới những hồ sen quanh các lũy thành trùng điệp, ngát một mùi hương bình thản.
Tôi rất cảm kích vì các ông không ngại tôi thế hệ sau, mà trò chuyện thật thân tình cởi mở và đều hưởng ứng việc cùng chụp chung mấy tấm ảnh kỷ niệm. Trong cảm xúc mạnh, tôi có nghĩ ra một tứ thơ và nói sẽ viết một bài thơ về sự kiện này. Và bài thơ Uống cà phê với Nguyễn Mộng Giác và Tạ Chí Đại Trường trên Tạp chí Sông Hương hãy còn như một kỷ niệm không thể nào quên.
Năm nay, bao nhiêu mùa Xuân đi qua, tác giả Sông Côn mùa lũ và Thần, người và đất Việt đã về nơi thiên cổ. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại những tác phẩm Nguyễn Mộng Giác (1940-2012), Tạ Chí Đại Trường (1938-2016), những tư liệu càng cũ bao nhiêu qua bút mực độc đáo diệu kỳ của các ông lại mới lên bấy nhiêu, đặc biệt các vấn đề lịch sử văn hóa Bình Định, số phận một vùng đất và số phận những con người. Dù câu hẹn hò bâng quơ về cuộc hành hương xe ngựa dấy lên, nếu một ngày nào đó ông có điều kiện về thăm lại Vân Hội, An Thái, Hòa Bình, sông Côn... không còn cơ hội nào thực hiện nữa…
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất