Sân khấu thể nghiệm của Kịch 5B (Kỳ 2): 'Tuyết đỏ' xốc lại phong độ thể nghiệm

11/08/2013 17:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh leo lắt như đã đề cập ở kỳ 1, việc 5B liên kết với CLB kịch Buffalo để cho ra mắt vở kịch đậm chất thể nghiệm Tuyết đỏ (KB-ĐD: Nguyễn Khắc Duy), đang sáng đèn, là việc làm “cập thời vũ”. Vở này có nhiều trường đoạn “kịch trong kịch”, lấy bối cảnh chính là lớp học diễn xuất ở nhà hát. Qua đây, tâm tư tình cảm của nhân vật được bộc lộ không chỉ ở mâu thuẫn đời thường, mà cả ở các nhân vật xuyên thời gian.

“Sở dĩ có nhiều nhân vật xuyên thời gian (trong vở Bóng ma nhà hát, Cleopatra, Hạc chiều, Thằng Gù nhà thờ Đức Bà, Võ Tắc Thiên, Hamlet... và cả chuyện cổ tích Bạch Tuyết), bởi tôi muốn khán giả cảm nhận điều kỳ diệu mà sân khấu đem lại cho diễn viên. Họ có thể sống những cuộc đời khác nhau, ở các thời đại và các nền văn hóa khác nhau”, Nguyễn Khắc Duy cho biết.

Tinh thần hậu hiện đại

Tuy Tuyết đỏ có sự tham dự của NSƯT Việt Anh, NSƯT Công Ninh, Cát Tường, nhưng họ “diễn nhu”, để làm nền cho CLB kịch Buffalo chỉ toàn người trẻ, mới ra trường hoặc đang học. 

Cảnh trong vở Tuyết đỏ của ĐD Nguyễn Khắc Duy. Ảnh: VB

Vở Tuyết đỏ có cấu trúc khá phức tạp, xoay quanh tính cách khác biệt của ba nữ chính: Tu Yết (được bạn bè gọi là Tuyết) chân chất, ngây thơ; Băng, sắc sảo và kiêu kỳ; Trúc an phận, hài hước. Vì giành vai chính trong buổi diễn tổng kết mà họ ngấm ngầm cạnh tranh nhau, dẫn đến những biến cố khó ngờ và sự xuất hiện xảy thêm một nhân vật bí ẩn, như một bóng ma. Từ đó tình thế vở diễn và tính cách nhân vật thay đổi hoàn toàn.

Đây là vở kịch nói đầu tiên của Buffalo, thể nghiệm pha trộn kịch với âm nhạc và múa, sau vở ca kịch Chicago theo phong cách Broadway rất thành công về dư luận. Kỹ thuật pha trộn này vốn phổ biến khoảng 30 năm gần đây trên khắp thế giới do bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng lan rộng và cả tư tưởng xóa nhòa ranh giới từ chủ nghĩa hậu hiện đại. Thế nhưng đây lại là điều mà sân khấu hiện tại của Việt Nam dường như hơi xa cách, khi mà chúng ta cứ quanh đi quẩn lại với những kịch sinh hoạt, kịch hài hước và kịch tuyên truyền.

Cũng đã từ rất lâu, khán giả Việt ít được thưởng thức những tác phẩm kinh điển, dù chỉ là trích đoạn ngắn, nên nhìn một cách nào đó, Tuyết đỏ đã đem lại chút ít cảm hứng cho khán giả từ sự kết hợp này.

Nhìn về tổng thể, nhờ kỹ thuật pha trộn và xuyên thời gian tính, Tuyết đỏ đã khá trọn vẹn trong việc đưa ra cách kể chuyện giàu tính thể nghiệm. Hơn nữa, có thể vì vô tình, mà vở diễn đã chạm đến tinh thần hậu hiện đại trong dàn dựng, nên mang chở được hơi thở của thời đại hôm nay.

Buffalo - niềm hy vọng của kịch TP.HCM?

“Nói thật thà thì lâu nay Kịch 5B đã hoạt động cầm chừng, chẳng dám bung ra khỏi quỹ đạo và lối mòn của mình, bởi quá lệ thuộc vào đồng tiền. Chúng tôi không có tiền để dựng vở, nên việc mời đối tác liên kết bên ngoài là đương nhiên. Thế nhưng, họ cũng phải bỏ tiền túi ra làm, nên đâu thể quá phiêu lưu với thể nghiệm, buộc phải chọn giải pháp nào an toàn. Hơn nữa cuộc sống bây chừ vừa căng thẳng vừa hời hợt, nên đa phần khán giả cũng chỉ muốn xem cái gì đó nhẹ nhàng, vui vẻ. Điều này làm cho 5B xa dần tính thể nghiệm, vốn là bản sắc. Tuyết đỏ góp phần gợi hứng cho chúng tôi xốc lại tinh thần thể nghiệm của mình”, NSƯT Việt Anh, Phó Giám đốc Kịch 5B nhìn nhận.

NSƯT Mỹ Uyên, Phó Giám đốc Kịch 5B cũng thẳng thắn: “Muốn làm được kịch thể nghiệm thì đầu tiên phải không ngại thua lỗ, vì mới mẻ thường kén chọn khán giả, giờ tìm nhà đầu tư kiểu này hơi khó. Tiếp theo phải có được mấy yếu tố bắt buộc: kịch bản thể nghiệm; ê-kíp máu me, thích đổi mới; và phải có không gian, khán giả của mình. Chính vì vậy mà thấy CLB kịch Buffalo làm được Tuyết đỏ trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Với tư cách người quản lý, chúng tôi phải giơ hai tay đón chào các em vào ngôi nhà 5B, vì mình làm chưa được thì phải khích lệ cho người khác làm chứ”.

Do chưa có lượng khán giả đủ và liên tục, sân khấu thể nghiệm nói chung khó sống bằng tiền bán vé, nên cần được đầu tư hay liên kết từ bên ngoài. Ngay với Tuyết đỏ, cũng do máu nghề mà trong nhóm bỏ tiền túi ra làm. Được biết, Nguyễn Khắc Duy và nhóm của mình vẫn đang ấp ủ những vở mới, hy vọng tinh thần và kỹ thuật thể nghiệm sẽ được duy trì dài lâu. Vì thể nghiệm là tự mình dám phá bỏ những thói quen và nếp nghĩ cũ từ chính trong bản thân để đi tìm cái mới.

Những người trẻ đầy tham vọng

Nguyễn Khắc Duy là đạo diễn và được xem như linh hồn của nhóm kịch Buffalo, anh sinh ra và lớn lên ở An Giang (năm 1990), tham gia nhiều lĩnh vực. Từng đóng phim Long Ruồi, Bẫy cấp ba, Vườn đời… Tham gia với vai trò nhạc sĩ - ca sĩ dự thi chương trình Bài hát Việt, Bài hát yêu thích... Tại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (22/4 - 3/5/2013), Nguyễn Khắc Duy đã đoạt giải với vở kịch Broadway Chicago.

Để Chicago đến với khán giả Việt Nam, Nguyễn Khắc Duy và nhóm của mình đã chấp nhận trả bản quyền khá cao: 3.500 USD cho 4 suất diễn nghiệp dư. Bên cạnh đó là chi phí dàn dựng, gần 100 triệu đồng, tổng cộng đầu tư khoảng 180 triệu đồng. Dự định trong những tháng cuối năm này, Buffalo Theatre Club (CLB kịch Buffalo) sẽ mua bản quyền để diễn tiếp Chicago. Vở Tuyết đỏ cũng vậy, diễn viên Hoàng Quân bỏ tiền túi ra đầu tư, với hy vọng là nhóm sẽ làm nên chuyện qua từng suất diễn, rất may cả hai vở họ đều lấy được vốn.


VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm