Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Báo chí có vai trò quan trọng trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa

16/03/2019 16:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Báo chí Hà Nội quyết tâm làm tròn sứ mệnh xung kích trên mặt trận tư tưởng

Báo chí Hà Nội quyết tâm làm tròn sứ mệnh xung kích trên mặt trận tư tưởng

Sáng 15/12, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (16/12/1988 - 16/12/2018). Trong 30 năm qua, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và các cơ quan báo chí của Hà Nội đã có sự phát triển không ngừng, trưởng thành cùng đất nước và Thủ đô.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao hội thảo; cho rằng đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chú thích ảnh
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo Phó Thủ tướng, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế xã hội. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến, lưu truyền văn hóa. Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Đặt câu hỏi phải làm sao cho văn hóa thấm sâu vào quần chúng?, Phó Thủ tướng cho rằng muốn được như vậy, ngoài kết hợp những lý thuyết về truyền thông hiện đại, báo chí còn phải tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa để thể hiện tốt những thông tin tuyên truyền về văn hóa ứng xử. Các nhà báo, nhà văn hóa phải kết hợp với nhau để có những tác phẩm báo chí, sản phẩm tuyên truyền chất lượng, cổ động giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực.

Phó Thủ tướng mong sau hội thảo có nhiều hoạt động tiếp theo trong chủ đề này được thực hiện, trong đó việc tuyên truyền phải kiên trì, liên tục. Hình thành chuẩn mực đã quan trọng, để thay đổi hành vi văn hóa ứng xử càng quan trọng, các bộ, ban ngành nên bắt tay tạo một sự chuyển biến trong văn hóa, bắt đầu từ việc khắc phục thói quen văn hóa ứng xử chưa tốt.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Chú thích ảnh
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Phó Thủ tướng kêu gọi các báo, đài, các địa phương hình thành các chuyên mục; tăng lượng bài viết về hành vi ứng xử văn hóa, hướng vào những việc làm cụ thể để tăng sức lan tỏa trong xã hội. Các cơ quan báo chí truyền thông kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng liên quan có những động viên tác giả, chuyên mục đề cao chuẩn mực văn hóa. “Nếu làm được như vậy, công cuộc xây dựng nền văn hóa phát triển con người Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt, sự phát triển của đất nước mới ổn định”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại sự kiện, các đại biểu tập trung thảo luận, xác định rõ những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của con người Việt Nam; phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; nêu những bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền những tấm gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; những kinh nghiệm phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa tới công chúng trong xã hội hiện nay; đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử trong giai đoạn sắp tới.

Chú thích ảnh
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội. Văn hóa ứng xử nói chung được thể hiện ở các lĩnh vực cuộc sống: Lối sống, lý tưởng, niềm tin, tình yêu nghề nghiệp, văn hóa chấp hành luật pháp, nội quy, quy định trong nhà trường; văn hóa thực hiện công vụ; văn hóa giao tiếp; văn hóa ăn mặc, sức khỏe, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, trình độ xã hội; việc ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Bản chất của văn hóa là ứng xử đạo đức, tình cảm, là lý trí và sự nhẫn nhịn, nhường nhịn.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: Trước hết, chúng ta nên đặt câu hỏi, bản thân các nhà báo có được trang bị chuẩn mực văn hóa không? Chúng ta đang ở trong giai đoạn mới nhưng những chuẩn mục cũ tưởng chừng đã quá lạc hậu vẫn tồn tại trong khi những chuẩn mực mới chưa có nên để áp dụng chuẩn văn hóa rất khó. Nếu chỉ phản ánh lệch chuẩn thôi thì không đủ vai trò của báo chí. Báo chí trước tiên phải thể hiện chuẩn văn hóa của chính mình, nghề báo phải làm thế nào, bản thân phóng viên phải làm thế nào để được coi là có chuẩn mực văn hóa.

Cùng chung quan điểm đó, nhiều đại biểu cho rằng hình thành, xây dựng, định hướng các chuẩn mực về văn hóa ứng xử là một công việc lâu dài, phức tạp, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, các cấp, địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí. Nhiều đại biểu đề nghị, báo chí cần tiếp tục duy trì, phát huy chuyên mục “Người tử tế”; các ngành chức năng khuyến khích những tác giả, nhà báo, tờ báo phát hiện, thể hiện tốt những tấm gương tốt.

Mỹ Bình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm