09/07/2022 11:55 GMT+7 | Văn hoá
Không chỉ là cầu nối giữa nghệ thuật hàn lâm với quần chúng, các công trình văn hoá, đặc biệt là nhà hát còn là biểu tượng của một điểm đến, là "công cụ" bảo tồn di sản và là linh hồn của nhiều quốc gia.
Những “thánh đường nghệ thuật” lừng danh thế giới
Nếu hỏi bất kỳ ai về niềm tự hào của nước Úc, câu trả lời nhiều nhất có lẽ chính là nhà hát Con Sò Opera Sydney. Cùng câu hỏi nếu đặt ở trung tâm văn hóa châu Âu - Thành phố Milan của Italy, câu trả lời sẽ là Nhà hát Opera La Scala. Còn tại London, Nhà hát opera Hoàng Gia sẽ là công trình sánh đôi với tháp Big Ben, Cầu Tháp. Hàng năm, có tới vài triệu du khách đến với những nhà hát nổi tiếng thế giới này và không phải ai trong số họ cũng đến nhà hát vì lịch sử, ý nghĩa hay những tác phẩm kinh điển bên trong chúng. Chính lối kiến trúc độc đáo cùng danh xưng "biểu tượng mọi thời đại" là điều khiến các nhà hát lừng danh trở thành “điểm đến đời người”.
UNESCO mô tả nhà hát Con Sò - Opera Sydney là "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20" hay "biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới". Với danh xưng này, có tới 8 triệu du khách tới thăm nhà hát Con Sò mỗi năm. Ra đời trước đó khoảng 200 năm, nhà hát La Scala là niềm tự hào của "kinh đô nghệ thuật" Milan (Italy) được mệnh danh là thánh đường opera bởi những màn trình diễn kinh điển.
Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng nhà hát, chọn lọc thiết kế độc đáo nhất để nhà hát trở thành nơi tổ chức các sự kiện trang trọng và trở thành biểu tượng của thành phố, của quốc gia. Tiêu biểu phải kể đến công trình biểu tượng của thế kỷ 21 - Nhà hát The Elbphilharmonie ở Hamburg (Đức) hay Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh với thiết kế giống một nửa hình elip độc đáo.
Nơi tinh hoa văn hóa hội tụ
Không chỉ mang kiến trúc biểu tượng, những nhà hát nổi tiếng thế giới đều là "trái tim" của đời sống văn hóa một đất nước. Được đứng trên sân khấu nhà hát nổi tiếng cũng chính là "giấc mộng" của những người nghệ sĩ vĩ đại. "Thánh đường" opera và ballet của nước Anh - Nhà hát opera Hoàng gia được xây dựng tại Covent Garden, quảng trường trung tâm và là địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của London. Ngay những năm đầu mở cửa, nhà hát gắn liền với tên tuổi của George Frideric Handel, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại thời Baroque.
Còn giọng ca nữ cao Maria Callas, một trong những ca sĩ opera có sức ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 đã từng coi La Scala là "ngôi nhà" nghệ thuật mà cô gắn bó suốt những năm 1950. Dù từng sa sút trong thế kỷ 19 do khủng hoảng opera ở Italy, nhà hát vẫn khẳng định vị thế trung tâm nghệ thuật và niềm tự hào của "đất nước hình chiếc ủng", khi Giuseppe Verdi, Giacomo Puccini và các nhà soạn nhạc vĩ đại khác lần đầu tiên trình diễn tác phẩm của họ tại đây.
Ngay tại Trung Quốc, Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ, cũng trở thành công trình biểu tượng mới của đất nước tỷ dân. Ban đầu nhà hát hút khách chỉ vì tò mò, chụp ảnh, song giờ đây mỗi năm nhà hát tổ chức thành công đến 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách. Các nghệ sĩ lừng danh thế giới như Maurizio Pollini, Claudio Abbado, Simon Rattle, José Carreras, Lang Lang..., hay những dàn nhạc tên tuổi như Berlin Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra… đều từng đến đây biểu diễn. Ông Vương Tranh Minh - thư ký ủy ban xây dựng nhà hát - từng nói với tờ Quảng Châu Nhật Báo sau 3 năm nhà hát “hái quả ngọt” rằng: "Trước đây, tranh cãi quanh việc xây nhà hát là điều thường tình. Lúc đó quan niệm còn chưa cởi mở. Bây giờ nhìn lại, 3 tỷ nhân dân tệ để xây một trung tâm nghệ thuật quốc gia, quá xứng đáng".
Quả vậy, điều mà nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh làm được không chỉ là một nguồn doanh thu khổng lồ, mà quan trọng hơn, một hình ảnh về Trung Quốc - nơi hội tụ tinh hoa văn hoá nghệ thuật đã được khẳng định với toàn thế giới.
Loại hình opera ở các nước có nền âm nhạc hàn lâm phát triển như Italy, Đức, Pháp, Nga... đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 60-80 của thế kỷ XX. Những nhà hát đầu tiên của Việt Nam cũng được xây dựng từ đầu những năm 1900, lớn nhất phải kể đến là Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Là nơi diễn ra những chương trình văn hoá nghệ thuật và các buổi diễn opera lớn, nhưng các nhà hát tại Việt Nam vẫn đang ở mức phục vụ các chương trình nghệ thuật ở quy mô trong nước, chưa thể trở thành lý do phải đến của những tên tuổi lừng danh toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Hơn bao giờ hết, trên con đường hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có một nhà hát tầm vóc, không chỉ để tổ chức các chương trình nghệ thuật tầm cỡ, là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của đất nước, mà còn trở thành điểm đến của những các nghệ sĩ lừng danh toàn cầu và nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch và nghệ thuật thế giới.
PTTT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất