Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 7): Khánh Hoàng - 'Ẩn mình đi nhưng lòng hạnh phúc'

22/04/2020 19:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong giới sân khấu có 3 nam nghệ sĩ tên Hoàng đều nổi tiếng: Khánh Hoàng, Minh Hoàng, Thanh Hoàng. Tuy nhiên, chỉ có một “ông Hoàng” đa năng với nhiều nghề: dạy học, diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản và thuyết minh, lồng tiếng, đó là nghệ sĩ Khánh Hoàng.

Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 6): Uyên Trinh – hạnh phúc với những vai phụ

Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 6): Uyên Trinh – hạnh phúc với những vai phụ

Gần 70 tuổi, bà vẫn gắn bó với công việc. Luôn hết lòng mỗi khi nhận vai, dù cả đời bà chỉ đóng vai phụ, lồng tiếng cũng chỉ dừng lại ở các vai phụ.

Là lớp diễn viên đầu tiên được đào tạo sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Khánh Hoàng cũng đã có một thời nổi danh với nhiều vai diễn, trong đó được nhớ tới nhiều nhất là vai Đồng Đen trong vở Điểm hẹn vùng ven do ĐD-NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho HTV. Đó là vai diễn thành công và sau này nhắc đến anh, khán giả vẫn quen gọi anh với cái tên Đồng Đen.

Gian khó đẻ ra nghề “lồng tiếng”

Tâm sự về quá trình phấn đấu với nghề, nghệ sĩ Khánh Hoàng cho biết: “Tôi học Cao đẳng Sân khấu TP.HCM khóa đầu tiên năm 1976 cùng với NSƯT Thành Hội và khoảng hơn 20 bạn khác. Sau đó ra trường chúng tôi về Đoàn kịch Cửu Long Giang. Lúc bấy giờ nghệ sĩ Thương Tín đang là ngôi sao. Tôi trụ ở sân khấu này với các vai phụ trong suốt 4 năm liên tục. Một lần nghệ sĩ Thương Tín vì lý do bất khả kháng đã không diễn trong vở Kẻ lạc mất đồng đội, Đoàn kịch đã chọn tôi thay thế vai nam chính. Kể từ đó, tôi diễn luôn vai đó, và suất diễn nào khán giả cũng đầy rạp. Người ta kháo nhau rằng “Thương Tín” diễn hay lắm, vì họ không biết tôi là ai. Cho đến nhiều suất sau này, khán giả mới nhớ đến tên tôi là Khánh Hoàng”.

Khánh Hoàng trở thành nghệ danh bán vé nhưng tiền lương thời bao cấp chỉ tương đương với một tô phở/suất. Để cải thiện cuộc sống anh phải làm thêm nhiều nghề như: sửa máy ảnh, giảng dạy kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng kịch - văn nghệ cho các xí nghiệp, trường học và… nghề lồng tiếng.

Anh kể thêm: “Thời điểm đó nghệ sĩ đa phần đi xe đạp mà tôi đã chạy vespa thì xem như bảnh lắm rồi. Tôi đứng trên đỉnh cao hào quang danh vọng của một diễn viên từ năm 1984-1995 thì chuyển sang công việc giảng dạy. Sau này tôi được chọn vào vai trò quản lý và từ đó cuộc đời tôi bắt đầu nhiều thăng trầm. Nhưng phải nói nhờ gian nan mới đẻ ra nghề lồng tiếng. Khi làm nghề này tôi học được nhiều bài học lắm, phát hiện được ưu khuyết điểm của bản thân trong cách thoại, cũng như cách diễn xuất của nhiều thể loại phim khác nhau”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Khánh Hoàng

Năm 1993, nghệ sĩ Khánh Hoàng đã theo học lớp đại học đạo diễn - khóa chính quy đầu tiên của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Anh tốt nghiệp với vở Hồn thơ ngọc của tác giả Lê Duy Hạnh.

Trong nghề nghiệp, kinh qua nhiều công việc, vai trò nào anh cũng tạo được dấu ấn đẹp. Với bộ môn lồng tiếng, anh chuyên lồng cho các nhân vật chính. Một thời phim chiếu rạp với các ngôi sao như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Quyền Linh… đều do anh lồng tiếng. Anh đã nâng cảm xúc cho diễn viên, để các nhân vật chính diện tạo nhiều cảm xúc đối với người xem.

Sau nhiều năm vừa tham gia sân khấu với vai trò đạo diễn, diễn viên, sáng tác, anh được mời về làm giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM một thời gian, đào tạo nhiều diễn viên trẻ, sau đó anh làm công tác quản lý: Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM.

Truyền đến học trò niềm đam mê

Được bổ nhiệm chính thức vào vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM sau 6 năm giữ chức Quyền giám đốc, nghệ sĩ Khánh Hoàng đã nỗ lực làm hết trách nhiệm của mình. Anh đã dành nhiều thời gian để làm công tác đào tạo, ngoài dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật, anh còn dạy về lồng tiếng.

Khác với hầu hết các ngôi sao cùng thời, xuất hiện nhiều trên màn ảnh rộng và càng khác với những diễn viên trẻ một bước thành ngôi sao, nghệ sĩ Khánh Hoàng được khán giả sân khấu kịch yêu mến bởi anh toàn đóng vai chính và vai nào cũng hiền lành.

Anh có nhiều điểm nhấn trong nghề, ngoài vai chính là Đồng Đen trong vở Điểm hẹn vùng ven, còn có vở diễn đánh dấu phong cách dàn dựng của anh đó chính là Người thi hành án tử.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Khánh Hoàng (trái) và nghệ sĩ Tú Trinh trong vở “Người thi hành án tử” (Nhà hát kịch TPHCM)

Vở diễn này nói về những chiến sĩ công an thi hành án tử hình. Kịch không có nhiều màn ồn ào, nhưng anh đã dàn dựng rất nóng, đi vào mâu thuẫn nội tâm dữ dội của nhân vật. "Ban đầu tôi chọn nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đóng vai này. Nhưng đến khi chuẩn bị duyệt vở thì Lê Vũ Cầu bị bệnh, thế là giờ cuối tôi buộc phải nhảy vào thế vai” - nghệ sĩ Khánh Hoàng kể.

Và vở diễn thứ ba, Cánh đồng bất tận của đạo diễn Minh Nguyệt, Khánh Hoàng cũng là người thế vai Út Võ phút cuối, sau khi một vài diễn viên gạo cội nhận vai rồi bỏ. Đạo diễn Minh Nguyệt kể lại: “NS Khánh Hoàng nhận vai Út Võ khi vở còn 4 ngày để chạy đường dây và tổng duyệt. Út Võ không phải là một người đàn ông Nam Bộ đơn sơ, khăn rằn nón lá, mà là một nhân vật dữ dội, có một chút phiêu bạt. Xem Khánh Hoàng diễn rất nhẹ nhàng. Giọng thoại của anh rất đẹp, tạo cho vai diễn nhiều cảm xúc”.

Nói về nghề lồng tiếng, nghệ sĩ Khánh Hoàng có thể kể cả ngày về những nguyên tắc, phương pháp để rèn luyện. Anh cho rằng diễn viên trẻ ngày nay không chịu đầu tư thật kỹ môn tiếng nói sân khấu, học một cách dễ dãi nên khi lên sân khấu, lên phim, nhất là dòng phim sitcom đã lòi ra nhiều khuyết điểm.

Anh rất giỏi về thủ pháp dàn dựng, kỹ thuật diễn xuất và cả về những tích tắc có thể tạo được cảm xúc cho người xem. Nhưng anh lại ngần ngại nói về mình, về cuộc sống riêng tư khi về hưu. Đối với anh, thời gian dù có trôi qua, vẫn mang trong lòng hoài bão truyền lại niềm đam mê cho thế hệ trẻ, vì phải có đam mê mới đi tới cùng trên con đường nghệ thuật.

Nghệ sĩ Khánh Hoàng đã phụng sự sân khấu mà không đòi được đáp trả, anh đi từ vai diễn nhỏ đến vai chính, ở nhân vật nào cũng hết lòng. NSND Kim Cương nhận xét: “Tôi còn nhớ lần tổ chức chương trình Những cánh chim không mỏi, Khánh Hoàng đã diễn vai Cường, chiến sĩ cảnh sát điều tra vụ án của nhân vật Hoàng Tú trong vở Nhân danh công lý. Tôi xúc động lắm, vì có sự tham gia của em và chính chất giọng trầm ấm, khẳng khái của em đã góp phần mang lại thành công cho 3 suất diễn của tôi tại Nhà hát Thành phố”.

Một thời, khi sân khấu xuống dốc, Khánh Hoàng sống bằng nghề sửa máy ảnh mà anh học lỏm từ ba mình, một thợ sửa máy ảnh nổi tiếng của Sài Gòn. Anh nói: “Sau này bị cạnh tranh bởi các loại máy kỹ thuật số, máy ảnh cơ dần ít đi, thì tôi chuyển việc. Lúc đó có nghề lồng tiếng trám vô nên cũng đỡ, có tiền chợ cho cả nhà.

Tôi còn nhớ có ngày bước vào phòng lồng tiếng lúc 7h, đến 23h khuya mới bước ra khỏi phòng, tôi đã lồng tiếng cho 6 nhân vật chính lúc đó. Chỉ trong một ngày lao động có thể mua được 1 chỉ vàng thời đó. Sau này thì giá lồng tiếng bị phá, vì nhiều diễn viên trẻ nhận bừa, làm cho nghề lồng tiếng bị coi rẻ. Tôi kịch liệt phản đối, vì giá cát sê của diễn viên chính cao chót vót còn chúng tôi lồng tiếng nhiều khi ho ra máu mà chỉ lãnh vài trăm ngàn đồng. Đó là điều bất hợp lý” - Khánh Hoàng chia sẻ.

(Hỏi đáp về Hiện tại - Quá khứ - Tương lai)

Nghề lồng tiếng thì phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”

* Anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại?

- Tôi sống độc thân nên phải tự chăm sóc cho mình. Thuộc dạng sống giản dị nên nhìn lại quãng đời đã qua tôi hài lòng vì mình đi lên bằng đôi chân mình. Hiện nay tôi ăn uống đơn giản lắm, tuân theo khuynh hướng là ăn nhiều rau. Ngược lại tôi bị bệnh nên phải cân nhắc đến chi tiêu cho thuốc men. Tôi rất thấu hiểu triết lý “chết là hết” và ai cũng sẽ đi qua giai đoạn này nên không lo nghĩ gì nhiều. Chỉ mong mình còn đủ sức để khuyên các học trò phải nỗ lực nhiều hơn trên con đường đã chọn.

* Nếu quay lại thời kỳ đầu, anh có chọn thêm nghề lồng tiếng?

- Hoàn cảnh đưa đẩy nên tôi có cơ hội học được nhiều nghề mà nghề nào cũng học tới nơi, tới chốn. Với nghề lồng tiếng, tôi quý trọng lắm, hiện nay tôi vẫn hướng dẫn các bạn trẻ mỗi khi có dịp đi thu âm chung. Một cách nào đó chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Còn muốn đi lâu dài với nghề lồng tiếng thì phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được thành tựu.

Tôi sẽ rất vui nếu có dịp được quay lại giai đoạn trẻ, để được học nghề lồng tiếng và sống với nghề này cùng với niềm đam mê được diễn trên sân khấu kịch.

* Anh mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng hiện nay?

- Như đã nói, tôi mong các bạn trẻ phải chú tâm nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn môn tiếng nói sân khấu, đó là một kỹ năng đòi hỏi phải có cảm xúc để thể hiện nội tâm, tính cách nhân vật. Còn khi lồng tiếng cho diễn viên khác, thì phải đòi hỏi sự tinh tế, để vừa đủ cảm xúc, khiến người xem không nhận ra là... đang có người lồng tiếng cho diễn viên sau màn hình. Nghĩa là mình ẩn mình đi trong âm thầm, lặng lẽ, nhưng niềm hạnh phúc sẽ rất lớn khi bộ phim đó thành công vì có sự đóng góp của mình.

* Xin cảm ơn anh!

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm