26/04/2021 14:48 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện nghệ thuật đường phố Jam - Vietnam Urban Arts 2021 vừa diễn ra vào sáng 24 và 25/4, từ 9h30 đến 12h30 mỗi ngày, tại dinh thự Pháp (6 Lê Duẩn, TP.HCM).
Vòng chung kết của cuộc thi tài năng trẻ này đã thu hút được 8 nghệ sĩ graffiti, trình diễn kỹ năng của mình qua việc sáng tác các tác phẩm trên các khung tranh cỡ lớn, với sự chứng kiến của công chúng đến từ nhiều quốc gia. Hoạt động này do Viện Pháp phối hợp với Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM tổ chức.
1. Ban giám khảo và công chúng (qua bầu chọn trực tuyến) sẽ cùng chọn ra những nghệ sĩ xuất sắc nhất để tiếp tục tham dự lễ hội về nghệ thuật đường phố sẽ diễn ra vào tháng 11/2021. Từ đây, 2/6 nghệ sĩ xuất sắc nhất tại cuộc thi lần này sẽ được đài thọ chi phí cho 15 ngày lưu trú, sáng tác tại Lyon (Pháp).
Cách thức tuyển chọn dựa trên 60% số phiếu của giám khảo chuyên môn, 40% số phiếu bình chọn trực tuyến của khán giả.
Có 6 nghệ sĩ tham gia vòng tuyển chọn là Cresk (tên đầy đủ là Nguyễn Tấn Lực), Kleur (Lê Nhật Huy), Zkhoa (Trang Nhơn Khoa), Vuiqá (Đinh Nhật Khang), Daes (Lưu Đoàn Duy Linh), KinGi (Vương Nhất Thuận). Ngoài ra, 2 nghệ sĩ khách mời nổi tiếng là Daos501 và Suby One, họ chỉ tham gia trình diễn, chứ không không dự thi lấy suất đi lưu trú sáng tác tại Pháp.
Daos501 bắt đầu sự nghiệp graffiti tại Việt Nam từ năm 2005, đã tổ chức 3 triển lãm cá nhân là Animal, The Humanimal, The Reality, cũng như đã thực hiện nhiều tác phẩm cho các thương hiệu lớn. Suby One là nghệ sĩ Pháp gốc Việt, những tác phẩm graffiti của anh xuất hiện lần đầu tại Pháp vào năm 1992. Anh khá nổi tiếng tại các ga tàu điện ngầm ở Paris, đã làm nhiều triển lãm cá nhân. Từ năm 2013, anh chuyển về sống tại Việt Nam, lập phòng trưng bày nghệ thuật đường phố đầu tiên tại đây, đặt tên là Giant Step.
Các nghệ sĩ này đều đã có hành trình trải nghiệm khá dài với nghệ thuật graffiti, mỗi người có một phong cách, một nhãn quan sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân. Nói về cuộc chơi lần này, Cresk chia sẻ: “Nhiều người thường nghĩ vẽ graffiti là phá phách, làm mất mỹ quan đô thị, tuy nhiên, nếu đúng chất thì nghệ thuật graffiti cao quý và thâm thúy hơn thế rất nhiều. Việc Viện Pháp và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM tổ chức một cuộc tuyển chọn các sáng tác graffiti phần nào cho thấy cái nhìn nghiêm túc, trân trọng của xã hội đối với loại hình nghệ thuật này. Tôi rất vui và tự hào được tham gia một cuộc thi lớn, trang trọng như thế”.
2. Ngài Vincent FLoreani (Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM) cho biết: “Nói về nghệ thuật đường phố, chúng ta biết đến nhiều loại hình, trong đó có graffiti. Thông qua Jam - Vietnam Urban Arts 2021, chúng tôi mong muốn nâng tầm nghệ thuật graffiti Việt Nam lên một nấc thang mới, nhằm giới thiệu được các nghệ sĩ Việt ra khu vực Đông Nam Á và cả thế giới, để chứng minh graffiti cũng chuyển tải được các thông điệp giá trị, chứ không chỉ có sự nổi loạn, phá phách. Chúng tôi đặt ra tiêu chí cho các tác phẩm lần này là phải mang chủ đề liên quan đến phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, thể hiện góc nhìn riêng của các nghệ sĩ về ngày mai của thế giới”.
Nghệ sĩ Daos501 nói: “Loại hình nghệ thuật nào cũng có lằn ranh mong manh giữa đúng và sai, giữa xây dựng và phá phách, nghệ thuật đường phố hoặc graffiti cũng vậy thôi, làm sai là phải chịu trách nhiệm với cái sai của mình. Với những loại hình còn tương đối mới hoặc lạ như graffiti, nếu không có sự mâu thuẫn giữa đúng và sai, sẽ không còn là graffiti nữa. Tự bên trong của graffiti đã là sự tranh cãi rồi, tranh cãi để phát triển và bộc lộ bản sắc, đây là vấn đề của cuộc sống đô thị hiện đại, tạo nên sự riêng biệt của loại hình này”.
Được biết, sau khi 8 tác phẩm của 8 nghệ sĩ này hoàn thành, sẽ được treo dọc bức tường phía đường Lê Duẩn, của Tổng lãnh sự quán Pháp. Theo kế hoạch, 8 tác phẩm này cũng sẽ được mang đi trưng bày tại một số thành phố lớn của Việt Nam.
Ngoài việc tạo điều kiện chính danh cho các nghệ sĩ graffiti phô diễn tài năng, có lẽ ý nghĩa thiết thực nhất của Jam - Vietnam Urban Arts 2021 là bắc thêm một nhịp cầu rộng mở cho nghệ thuật đường phố với cộng đồng. Tại buổi họp báo và các dịp giao lưu, câu hỏi đại ý rằng graffiti là phá phách hay là nghệ thuật vẫn liên tục được nhắc lại, thậm chí vài người đã lớn tiếng phủ nhận đây là nghệ thuật. Suby One nói rằng cách đánh giá khách quan nhất vẫn là xem hiệu quả từ tác phẩm, không nên định kiến hoặc mặc định tốt xấu từ tên gọi.
Tam Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất