31/08/2019 16:08 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 31/8/2019 tại TP.HCM, công trình nghiên cứu dày hơn 1.500 trang Khảo cổ học Nam bộ (2 tập) đã được trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 9, cùng hiện kim là 200 triệu đồng.
Công trình này do PGS-TS Bùi Chí Hoàng chủ biên, với sự góp sức của tập thể tác giả Nguyễn Khánh Trung Kiên, Đặng Ngọc Kính, Nguyễn Quốc Mạnh, Lê Hoàng Phong.
Thời tiền sử và sơ sử là phạm vi khảo cứu, nên qua công trình này, chúng ta biết nhiều hơn về một Nam bộ không hề trẻ trung như nếp nghĩ lâu nay, mà thật ra rất “già nua”, với sự chung sống của rất nhiều nền văn minh, nhiều vỉa tầng văn hóa, nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng, tiêu biểu.
Với một cái nhìn xuyên suốt, súc tích, mục lục chi tiết, số lượng tài liệu tham khảo phong phú, công trình cũng có thể được tra cứu giống như một từ điển. Nghĩa là người đọc chỉ cần nghiên cứu kĩ mục lục là biết mục nào mình cần tìm.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng cho biết ông đã có 40 năm theo đuổi vấn đề này, các tác giả khác cũng có nhiều năm làm chuyên môn về khảo cổ, nên khi cùng bắt tay biên soạn, chỉ mất khoảng 5 năm để hoàn thành.
Trong nghiên cứu khoa học xã hội, công phu và “đáng sợ” nhất vẫn là những công trình dài hơi, Khảo cổ học Nam bộ (2 tập) là một cuộc marathon dài hơi như vậy. “Đây là công trình khoa học được hệ thống hóa toàn bộ tư liệu khảo cổ học từ năm 1975 đến năm 2005 và liên tục cập nhật cho đến khi công trình được hoàn thành năm 2017-2018” - Bùi Chí Hoàng cho biết.
Giải thưởng lần thứ 9 này như một tiếp nối của công trình được trao giải lần thứ 8 năm 2017 là Vùng đất Nam bộ - Quá trình hình thành và phát triển, do GS Phan Huy Lê chủ biên.
Cả hai công trình này đóng góp một cái nhìn mới và khác vào lịch sử nghiên cứu Nam bộ, tuy đã lâu dài, nhưng vẫn còn nhiều “vùng trắng”.
Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu (thường gọi là Giải Trần Văn Giàu) ra đời năm 2002, với tiêu chí hàng năm trao cho các công trình nghiên cứu khoa học xã hội về Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Tuy nhiên đã có 7 năm không tìm ra công trình đủ chất lượng để trao giải. Khan hiếm nhất vẫn là lịch sử tư tưởng, chưa có công trình nào được trao trong suốt lịch sử giải thưởng.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất