31/10/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nói tóm lại thì võ lực trong Kim Dung không phải chỉ có những cái tên rất đẹp. Nó không chỉ là cơ hội cho những vũ điệu ngoạn mục mà còn góp phần vào sự diễn biến và sức dẫn cảm của truyện.
Trước sự ra đi của nhà văn Kim Dung (6/2/1924 – 30/10/2018) , báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu một đoạn bình trong tập nghiên cứu Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, NXB Đà Nẵng sắp phát hành. Các tiểu dẫn và xuống đoạn trong bài do chúng tôi đặt.
***
Cái tĩnh ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể có với một nội lực siêu phàm. Sức mạnh thực không cần phô trương. Ít khi Kim Dung dùng những tĩnh từ mỹ lệ để mô tả cách biểu diễn của một võ công. Ông không tìm trong võ công cái ngoạn mục của những động tác. Trông không còn gì tầm thường hơn là những cuộc đấu nội lực? Nhưng ấy cũng là những cuộc đấu khẩn trương nhất và tất cả nghệ thuật giờ là làm ta tham dự vào sự khẩn trương ấy.
Hết làm vui mắt, võ học trở nên một yếu tố gây xúc động, nghĩa là để nói với tâm hồn. Xu hướng của nó là càng ngày càng tiết kiệm những động tác. Nhưng sự kín đáo ấy đã thành ra một dấu hiệu của sức mạnh thực. Hãy nhìn thế võ ấy chẳng hạn: xem thật là đơn sơ, nhưng thủ có, công có, và hàm chứa không biết bao nhiêu cách biến hóa, xem nhẹ nhàng, nhưng cực kỳ độc lạt, xem chậm chạp nhưng uy mãnh vô cùng.
Cây cổ thụ ấy ngang nhiên đứng thẳng. Nhưng sẽ phất ống tay áo là nó đổ. Khi ấy người ta mới thấy rằng những thớ gỗ trong cây đã nát. Nó đã trúng Thất thương quyền. Sự ngạc nhiên của người ta khi ấy, một võ công ồn ào hơn làm gì có thể gây nên. Cái ngoạn mục bớt đi. Nhưng chấn động tâm lý lại càng lớn. Quãng cách giữa nguyên nhân và kết quả, nghĩa là cái phần biểu diễn ấy, được thu giảm đến cùng cực. Và người ta như bị đẩy trước một huyền bí. Ấy là cái cảnh, chẳng hạn, “không biết người khách ấy xuất thủ như thế nào mà đối phương hự lên một cái rồi ngã lăn ra chết”.
Võ công gì mà lạ thế? Không ai nhận ra, nhưng, như một tia chớp, nó vụt lòe lên như tiêu ký của bóng tối. Các môn phái thành danh, trong khi ấy, đều có những võ công đặc biệt. Và một miếng võ thường là một căn cước. Nhưng trước miếng võ kỳ bí ấy ai chẳng rùng mình.
Rắc rối hơn nữa là có những cao thủ dùng võ công của môn phái này để giết người môn phái kia. Ấy là một dịp cho không biết bao nhiêu nghi vấn như khi trên thân thể dập nát của Dư Đại Nham ấn tích của Kim cương chỉ, vốn là một tuyệt kỹ bí truyền của Thiếu Lâm, làm mọi người hoang mang không biết ai là hung thủ. Chẳng lẽ lại là một trong những thần tăng uy đức trấn giang hồ?
Nhưng chắc không thể không là một cao thủ tuyệt luân và món Kim cương chỉ trở nên một nỗi ám ảnh nhức nhối để, như một tang vật của tội ác trong những truyện trinh thám, ngưng tụ quanh nó cả một không gian trập trùng đe dọa và bí mật. Ấy là không kể những khi trên giang hồ xuất hiện những miếng võ thất truyền làm người ta sực nhớ lại cả một dĩ vãng hoang đường.
Nói tóm lại thì võ lực trong Kim Dung không phải chỉ có những cái tên rất đẹp. Nó không chỉ là cơ hội cho những vũ điệu ngoạn mục mà còn góp phần vào sự diễn biến và sức dẫn cảm của truyện. Cho nên tuy những môn võ quan trọng trong Kim Dung chẳng có mấy và toàn là võ bịa, nhưng đã đọc qua thì người ta không thể dễ dàng quên.
Ai mà chẳng nhớ đến Nhất dương chỉ, Lạc anh quyền, Đả cẩu bổng, Lăng ba vi bộ v.v.… Những võ công ấy cứ trở lại, không những trong một truyện, mà từ truyện này sang truyện khác như những thể tài của một nhạc tấu. Và sự thường trở lại ấy cũng đủ cho chúng một cá thể đặc biệt.
Hơn thế nữa, võ công nào cũng gắn vào một nhân vật, nhắc lại một diễn biến trọng yếu, có những đặc điểm và một lịch sử riêng; như Giáng long thập bát chưởng, truyền từ đời này sang đời khác, cho đến khi đã thất truyền mà kỷ niệm còn chấn động giang hồ. Sự có mặt của chúng chẳng khác nào của những nhân vật.
Ấy là không kể có khi một võ công có thể thực sự trở nên một nhân vật chính của truyện, như Cửu âm chân công mà trong võ lâm ai cũng muốn luyện cho được, để xảy ra bao nhiêu vụ tương tàn. Và tập Đồ long đao chẳng hạn, có kể gì hơn là sự phân tán và tái thống nhất của võ lâm qua sự phân tán và tìm thấy lại Cửu dương thần công? Truyện võ hiệp của Kim Dung cũng là truyện võ học nữa.
Một số môn võ công và chiêu thức nổi bật trong truyện Kim Dung Thất thương quyền: Môn quyền pháp trấn sơn của phái Không Động, nổi tiếng cùng với nhân vật Tạ Tốn trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, bao hàm 7 loại kình lực khác nhau. Theo tưởng tượng của Kim Dung, chiêu này đánh vào thân cây trông thì không thấy gì, song một lát sau lá cây héo dần, vì bên trong các thớ gỗ đã bị rã rời, người bình thường chỉ đẩy nhẹ thôi cũng ngã. Đáng nói, môn quyền này đòi hỏi người khi bắt đầu luyện đã phải đạt một trình độ nội công rất cao, nếu không sẽ gây hại cho bản thân. Trong truyện, Tạ Tốn vì nóng lòng trả thù đã vội vàng luyện Thất Thương Quyền nên tâm mạch bị tổn thương, thỉnh thoảng nổi điên. Nhất dương chỉ: tuyệt kỹ của Đoàn gia nước Đại Lý, là yếu chỉ điểm huyệt dùng ngón tay xuất chỉ khí gây sát thương. Người sử dụng Nhất Dương Chỉ dồn nội lực vào ngón tay trỏ rồi bắn chỉ lực, tuy phạm vi tấn công nhỏ nhưng lực sát thương vô cùng cao. Nếu bị điểm huyệt bằng Nhất Dương Chỉ thì phải dùng chính Nhất Dương Chỉ để giải huyệt. Xuất hiện trong các truyện Thiên Long Bát Bộ, Xạ điêu anh hùng truyện và Thần điêu hiệp lữ. Đại Lực Kim Cương Chỉ - tuyệt kỹ được A Tam Sử dụng bẻ gãy hết xương tay chân của Du Đại Nham phái Võ Đang trong Ỷ thiên Đồ long ký. Đả Cẩu Bổng Pháp: tuyệt chiêu trấn phái của Cái Bang, là bộ bổng pháp (côn, gậy) chỉ có bang chủ đời trước đích thân truyền thụ cho bang chủ đời sau. Đả Cẩu Bổng Pháp có tổng cộng 36 chiêu, mỗi chiêu có nhiều thức biến hóa khác nhau tạo thành vô số chiêu thức tinh diệu, được thi triển theo đường lối "Tứ lạng bạt thiên cân" (Bốn lạng bạt ngàn cân), võ công được áp dụng theo 8 chữ khẩu quyết (bát tự quyết): Buộc, Đập, Trói, Đâm, Khều, Dẫn, Khóa, Xoay. Cửu Dương Chân Kinh (Cửu Dương Thần Công) là bí kíp võ thuật chỉ dẫn cách luyện nội công xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Trung Quốc Kim Dung. Theo mô tả của Kim Dung, khi luyện thành Cửu Dương Chân Kinh thì trong mình người học sẽ có được nội công Cửu Dương Thần Công hùng hậu vào loại bậc nhất mà không môn nội công nào khác có thể vượt qua. Lăng Ba Vi Bộ: một loại võ công bộ pháp thượng thừa trong Thiên Long Bát Bộ, dựa vào Chu Dịch 64 quẻ phương vị mà diễn biến thành. Lúc chiến đấu dựa vào bộ pháp này khiến cho đối thủ không có cách nào đánh trúng bản thân. Mặt khác Lăng Ba Vi Bộ có thêm một loại công dụng là khi bước chân chạy hết 64 quẻ tức là đúng một chu thiên thì nội tức cũng đã vận chuyển được một vòng. Vì vậy mỗi khi đi một vòng thì nội lực lại có tiến triển. H.T.H |
(Trích từ tập nghiên cứu Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung)
(Còn nữa)
Đỗ Long Vân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất