26/09/2020 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cao Khải An là ai? Tôi tự đặt câu hỏi ấy cho mình khi đọc bản thảo Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm. Google cũng không mang lại cho tôi thông tin gì. Cõi Facebook mênh mông cũng không cho tôi biết Cao Khải An là ai. Nhưng trên màn hình máy tính của tôi, cái tên Cao Khải An được viết dưới tên sách Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm đã bắt đầu hấp dẫn tôi…
1. Điểm hấp dẫn đầu tiên chưa phải là câu chuyện. Mà đó là đôi dòng trích ngang:
“Tên cúng cơm là Cao Khải An, 12 tuổi.
Sanh ở trong thùng rác,
có kèm theo một tờ giấy,
ghi là sanh vào ngày 25/1/2009,
và con được ba má nhặt về,
tắm một ký xà bông còn chưa hết hôi thúi”.
(Truyền thuyết của bà ngoại)
12 tuổi. 12 tuổi. 12 tuổi… 12 tuổi tôi làm được gì? Câu hỏi ấy vang lên trong đầu tôi. Thế nên, khi thấy bất cứ một đứa trẻ mới trên dưới 10 tuổi đã làm được việc này việc kia, tôi rất ngưỡng mộ. Gần 80 năm trước, nhà văn Tô Hoài viết truyệnDế Mèn phiêu lưu ký khi ở tuổi đôi mươi. Đến nay sách vẫn được tái bản, vẫn được bao thế hệ thiếu nhi ngưỡng mộ, trong đó có tôi.
Tôi cũng phải nói mình may mắn, vì được mời tham gia Ban sơ khảo Giải Dế Mèn lần thứ nhất, mà được đọc khá nhiều tác phẩm của rất nhiều tác giả, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Có người gửi đến, có tác phẩm chúng tôi tự tìm kiếm.
Cuốn của Cao Khải An vẫn ở dạng bản thảo, và An cũng không phải là tác giả thiếu nhi duy nhất dự thi. Điều ấy là một tín hiệu không chỉ vui, mà là rất vui. Nó cho thấy một thế hệ mới. Nó cho thấy có một thế hệ viết cho/ viết về chính họ. Điều ấy đáng để chúng ta vun vén, trông đợi. Và đó, cũng chính là một trong những mục đích mà BTC Giải thưởng Dế Mèn hướng đến, tôi nghĩ vậy.
Tôi phải nói đôi lời như vậy, để thấy không phải tự nhiên trong máy tính của tôi lại có bản thảo Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm. Vì tác phẩm của Cao Khải An chưa xuất bản. Tác giả hoặc người đại diện của tác giả cũng chưa công bố trên bất kỳ phương tiện nào. Vì thế, được là một trong không nhiều người tiếp cận với một văn bản mới chỉ là những trang văn bản khổ A4 ít nhiều có sự thô ráp, nó mang lại một sự hứng thú khá đặc biệt.
Nhưng Cao Khải An, dù mới ở độ tuổi 12, nhưng cho tôi một cảm nhận là một cậu bé kỹ càng và có phần rất chuyên nghiệp trong thể thức trình bày văn bản. Ngoài cái trích ngang như tôi vừa trích ở trên (và vì chính cái trích ngang này, tôi cảm thấy nó “quen quen” với một nhà văn mà tôi từng đọc), Cao Khải An còn kỹ lưỡng trong cách đặt các đoạn trong truyện dài có lẽ đầu tay của mình. Điều ấy cũng gây cho tôi ít nhiều tò mò, muốn hỏi, muốn biết.
Song đó là chuyện của sau này. Còn bây giờ gần 40 trang bản thảo, hơn 14.000 chữ, đang trước mắt tôi.
2. Đọc Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm là bước vào một thế giới khác, một thế giới của cậu bé Bành Văn Bắp - tức Bắp ăn mơ cùng đám bạn gồm thằng Đậu, thằng Móm, thằng Năm… “Ông ngoại vẫn thường khoe với thằng Bắp rằng bộ trống bây giờ đã rỉ sét, cũ sì này đã giúp ông “cua” được bà ngoại, bởi vậy nên ông rất quý chúng”- Cao Khải An mở đầu cho tập truyện dài của mình. Cứ thế, chuyện dẫn dắt người đọc tới nhiều câu chuyện khác nhau, mà tôi nghĩ, mình không nên kể hết ra đây để khi tác phẩm này được in thành sách, độc giả sẽ có nguyên cảm giác hào hứng/ hứng thú tìm đọc.
Tôi chỉ muốn nói đôi chút cảm nhận của mình. Tôi có lúc ngạc nhiên có lúc hụt hẫng khi đọc những trang văn trong tập sách này. Từ ngữ phong phú, văn phong chững chạc. Nó xứng đáng là của một nhà văn chuyên nghiệp. Tác giả, tôi đồ rằng, cũng là một cậu bé nghịch ngầm và có khiếu khôi hài.
Tôi thích những câu bỏ nhỏ của Cao Khải An, tỉ như khi cậu viết: “Ông ngoại Bắp chơi trống hàng ngày, cứ mỗi buổi thì đánh một lần, nhưng trống không có nút tăng giảm âm lượng, do thế cứ lại một tiếng trống lại vang đến tận thôn Người Không Còn Trên Cõi Dương - tức là địa phủ”; hoặc: “Ông ngoại đọc toàn sách dạy đời (mà không có cuốn nào dạy ông giữa trưa đừng có đánh trống phá giấc ngủ bà con làng xóm)”.
Tôi cũng thích những câu chuyện Cao Khải An viết cho/ viết về tuổi thơ của mình, tuổi thơ xung quanh mình. Cũng vẫn là những câu chuyện sợ ma, sợ kiến, sợ uống thuốc… nhưng Cao Khải An đã viết bằng một cách riêng. Bản “di chúc” của Bắp viết: “Đồi Rơm, ngày hai mươi lăm - tháng một - năm hai ngàn hai mươi gửi: Ba mẹ ấy ạ! Ông bà ngoại ấy ạ!Dì dượng ấy ạ!Nói chung là cả dòng họ nhà mình ấy ạ!”sau khi bị kiến đốt sưng vù tưởng sắp chết, khiến người ta bật cười.
An còn làm tôi bật cười một vài lần nữa khi đọc tập bản thảo này. Đó là một món quà mà tôi nghĩ mình may mắn nhận được. Nhưng nếu đọc bản thảo này để tìm kiếm những bài học như thường gặp ở nhiều cuốn sách thiếu nhi khác, thì sẽ khó. Mà nói thẳng là không có. Cậu bé 12 tuổi chỉ viết tưng tửng những câu chuyện về tuổi thơ, bằng văn phong vừa có vẻ thơ ngây vừa cho thấy nhiều phần chững chạc. Cách viết ấy sẽ có người thích, người không. Riêng tôi thì thích, vì nó để mở, không có bất cứ sự áp đặt nào. Vì thế, tôi chờ đợi cuốn sách này sớm được xuất bản.
Tất nhiên, khi sách được in ra, nhiều chỗ có thể tác giả sẽ chủ động sửa lại hoặc được biên tập bớt đi cho nhuần nhuyễn hơn. Nhưng đó là việc của sau này. Còn bây giờ, với bản thảo tập truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm, tôi muốn nói với Cao Khải An: Cháu đã mở được cánh cửa vào văn chương rồi, giờ là lúc viết tiếp thôi…
Nguyễn Thanh Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất