Họa sĩ Trần Lâm Bình: Mua cánh cửa cũ về… triển lãm

07/01/2010 09:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi nhận được công văn của Sở VH,TT&DL Hà Nội về việc không được phép “quấn quanh Văn Miếu Quốc Tử Giám” bức tranh dài 2.000m, chàng họa sĩ người Huế gốc Quảng Bình Trần Lâm Bình cũng gần như mất tăm. Nhưng hôm qua, tên của họa sĩ trẻ này đã lại được in trên poster treo ngay trước cửa tiền sảnh L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, HN) với tư cách là tác giả của triển lãm sơn mài Đóng, khai mạc vào chiều nay (7/1) tại L’Espace.

Trần Lâm Bình bên 1 trong 10 cánh cửa - tác phẩm của mình tại L’Espace
* Tại sao anh lại dùng những cánh cửa cũ để thể hiện tác phẩm của mình?


- Toàn bộ 10 cánh cửa gỗ cũ sử dụng trong triển lãm Đóng lần này được tôi mua ở chợ đồ cũ Tây Lộc (Huế) từ tiền bán tranh. Trong triển lãm Đóng, tôi sử dụng những cánh cửa gỗ cũ phủ sơn mài với hai gam màu chính là vàng và đỏ. Vàng đỏ là màu “quy ước” về thời vua chúa, còn những cánh cửa giống như là một nhân chứng, chứng kiến những biến chuyển của đời sống con người Huế đã từng diễn ra trong quá khứ.

Trên bề mặt những cánh cửa gỗ tôi gắn thêm những thứ “lặt vặt” như bình ga mini, chiếc ấm nhôm bẹp, một đoạn ống dây nước, dây kẽm lằng nhằng người ta vứt đi là để có được sự xáo trộn giữa cái cũ và mới nhằm dung hòa giữa quá khứ và hiện tại để nói đến tương lai, gợi lên cho người xem nhiều khía cạnh về “thời chúng ta đang sống”...

Số tác phẩm này đều đã được “khách hàng” đặt giá trước với giá trung bình 3.000 USD/ 1 cánh cửa. (Cười).

* Sau khi thu “lợi nhuận” từ  Đóng, Bình sẽ dành tiền “mở” tiếp dự án nghệ thuật gì trong năm nay?

- Vẫn vẽ tranh bán, lăn lộn kiếm tiền để lại ra chợ trời mua cửa gỗ cũ về phủ sơn mài truyền thống Huế lên đó với chủ đề Hoài niệm chiến tranh... và nhiều dự án nghệ thuật khác cùng bạn bè sẽ được tiến hành trong năm tại Huế, Hà Nội và TP.HCM.

* Trở lại dự án bức tranh dài 2.000m quấn quanh Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hình như sau khi dự án này không được cấp phép, Bình đã “trốn”?

- Đúng là trốn thật. Nhưng không phải là do “sốc” vì việc bức tranh 2.000m không được thực hiện ở Văn Miếu đâu. Mình trốn để làm nhiều việc cho một mục đích cuối cùng là (chỉ tay vào những cánh cửa sơn mài) triển lãm Đóng này.

Khi mình làm, mình cũng có cái lý của mình. Nhưng nghệ thuật là nghệ thuật, còn luật là luật. Cơ quan chức năng thấy không hợp tình hợp lý thì không thể cấp phép. Qua đó, còn giúp cho mình hiểu hơn rằng những hoạt động liên quan đến nhiều người, tới xã hội để thực hiện được là rất khó khăn, cần phải rút kinh nghiệm nếu còn nuôi ý tưởng làm những dự án lớn, dù dự án ấy chỉ với một mục đích dành tặng cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

* Vậy rồi bức tranh 2.000m ấy “vứt đi” sao Bình?

- (Cười) Vứt là vứt thế nào. Không những không vứt mà bức tranh sẽ được trưng ra trước công chúng trong năm nay, vẫn ở Hà Nội, nhưng ở một địa điểm khác, trong một dự án lớn hơn, quy mô hơn, hoành tráng hơn và bức tranh vẫn là bức tranh ấy.

* Cụ thể, Bình có thể cho biết là bức tranh được “quấn” ở địa điểm nào không?

- Mỹ Đình. Nhưng tôi xin lỗi là chưa thể tiết lộ cụ thể tranh sẽ được “quấn” vào cái gì... vì việc đó là thuộc thẩm quyền của một đơn vị khác thực hiện dự án, trong đó có “phần” cho chúng tôi trưng bày bức tranh 2.000m sẽ diễn ra trong năm nay.

* Cảm ơn Trần Lâm Bình!
PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm