Hà Nội của Tô Hoài: Giữ một đô thị di sản trong những trang văn

24/09/2020 08:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tô Hoài không phải là người duy nhất sử dụng thể loại tùy bút, tạp văn để viết về Hà Nội. Song có thể nói, ông đem lại cho những thể loại này một quyền lực đáng kể, cạnh tranh về khả năng hấp dẫn bạn đọc so với thể loại “chính thống” của văn học như tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đề tài Hà Nội, về phố xá và con người của nó, nhiều người đã lựa chọn, nhưng dường như phải đến Tô Hoài, ông mới là người có được duyên viết ra những sản phẩm có sắc thái giải trí.

Hà Nội của Tô Hoài (Kỳ 1): Phấn và bụi kinh thành

Hà Nội của Tô Hoài (Kỳ 1): Phấn và bụi kinh thành

Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị, như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hài hước, có tấm buồn bã...

Điều này có một cơ sở, bắt nguồn từ việc định danh một trung tâm văn hóa của Việt Nam hậu thuộc địa. Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam, 1943), Chuyện Hà Nội (Vũ Ngọc Phan, 1943), Ngoại ô (Nguyễn Đình Lạp, 1941) hay Hà Nội lầm than (Trọng Lang, 1937) được xem như những thành tựu đầu tiên cho việc tạo ra một bản sắc văn chương về Hà Nội, song chính cao trào giải phóng dân tộc 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp sau đó đã tạo ra một hiện tượng quy tâm về Hà Nội trong các ấn phẩm. Hiện tượng này còn diễn ra song song trong tân nhạc và thơ, nối tiếp bằng dòng văn chương của những người di cư vào Nam năm 1954, chẳng hạn Vũ Bằng - một nhà văn hoạt động tình báo.

Ở trong số những người kháng chiến về tiếp quản Hà Nội, lại là một trong những lãnh đạo văn nghệ, Tô Hoài tham gia vào tiến trình định hình hóa không gian Hà Nội.

Phẩm chất folklore

Hai thập niên đất nước chia cắt đánh dấu nỗ lực đưa ra một định nghĩa Thủ đô huyền thoại, từ Phố phường Hà Nội xưa (Hoàng Đạo Thúy), Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Bóng nước Hồ Gươm (Chu Thiên)… đến một loạt sách lịch sử Thủ đô ra đời, tô đậm một cảm thức khám phá di sản Thăng Long - Hà Nội trong sự liên thông với bối cảnh “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (tên tùy bút của Nguyễn Tuân).

Cho đến thập niên 1980, không gian truyền thông Việt Nam vẫn kế thừa cách thức triển khai có tính sử thi về Hà Nội, các ấn phẩm về Hà Nội mang chức năng gắn với các dịp kỷ niệm như ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, hoặc thiên về gắn với các diễn biến lịch sử chống ngoại xâm hay dựng nước.

Chuyện cũ Hà Nội được xuất bản lần đầu tiên năm 1986, đồng thời với trào lưu phục hồi các giá trị “tiền chiến” như Thơ Mới, văn xuôi 30-45, thỏa mãn sự tò mò của công chúng về một Hà Nội xưa cũ. Khác với tiểu thuyết Mười năm hay Những ngõ phố nặng tính tuyên truyền, những trang viết sau Đổi mới của Tô Hoài đáp ứng cách đọc chuyên mục định kỳ trên các tờ báo giai đoạn này. Chúng ngắn gọn về dung lượng, đa dạng về đề tài, cung cấp những thông tin từ một người trong cuộc ở ngôi thứ nhất - “tôi”.

Chú thích ảnh
Một số tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài

Đặc tính này tạo ra một không khí gần gũi, những dữ liệu mặc dù được văn chương hóa song có khả năng cạnh tranh với các sử liệu. Trong nhiều trường hợp, các dữ liệu Tô Hoài viết ra có thể gây hồ nghi, thậm chí có hơi hướng giai thoại, bởi vậy ranh giới giữa sự kiện được ghi lại và hư cấu đòi hỏi người đọc phán định. Sự không phân định rõ rệt này lại tỏ ra tương hợp với không gian đa thanh của phố phường.

Hà Nội trong văn của Tô Hoài là tổng thể của rất nhiều chi tiết được quan sát kỹ lưỡng. Những câu văn của ông giàu có các tính từ, từ láy, các mệnh đề song đôi, điệp ý, tạo ra một giọng đa thanh rất hữu dụng trong những dòng mô tả không khí xô bồ, nhộn nhạo của đô thị: “Các mụ Tú Bà nháo nhác, táo tác chạy đèn cù tán tỉnh chào hàng, nói thách, ngã giá, đòi tiền lót tay” (“Phố Mới”, Chuyện cũ Hà Nội); hoặc tạo ra một hình ảnh rực rỡ như bức tranh dân gian đậm màu truyền thống: “Ngày Tết, chị Hai mặc choang chóe, lóng lánh khuyên vàng, áo the cặp, khăn nhiễu hoa dâu, tóc đuôi gà thật thật dài (không phải tóc độn) ve vảy, tung tăng, môi nhai trầu cắn chỉ, mắt lẳng liếc có đuôi” (Mười năm).

Khi viết về đề tài Hà Nội, Tô Hoài không mỹ hóa các câu chuyện. Sự lôi cuốn mảng đề tài này đem lại nằm ở chỗ lối viết của Tô Hoài có một phẩm chất folklore, đôi khi được nhận xét là tinh quái, “khinh bạc” (chữ của Vũ Ngọc Phan).

Di sản Hà Nội và sự mai một

Tô Hoài được sinh ra khi các các thiết chế đô thị Hà Nội bắt đầu ổn định, trưởng thành khi nơi này bước vào quá trình giải thực dân, can dự vào những vận động của đời sống xã hội thành phố trong chính thể độc lập cũng như các cuộc chiến tranh và thời bình cho đến tận thế kỷ 21. Vì vậy, có thể cắt nghĩa tính chất sử ký chi phối góc quan sát của Tô Hoài, dù là viết ở dạng đoản văn hay trường văn.

Ngay trong những bài tạp ký ngắn của Chuyện cũ Hà Nội, ông cũng đưa lại vài nét nhấn nhá chuyện xưa nay, làm rõ những sự biến đổi của khung cảnh và lối sống, tạo ra một cảm thức về sự liên tục của dòng chảy đời sống. Rất nhiều lần Tô Hoài dùng thủ pháp hồi tưởng đan cài trần thuật, xóa mờ ranh giới thực tại đang diễn ra và quá khứ được đặt chồng lên, tựa như chập bản đồ các thời đại trên cùng một tọa độ.

Ghi chép về Hà Nội của Tô Hoài chọn góc nhìn vào những câu chuyện nhỏ, đôi khi là vặt vãnh của phố xá, mà cho đến cuối thế kỷ 20 người ta mới nhận thấy chúng là di sản của phố và đầy nuối tiếc nhìn chúng đang dần biến mất. Di sản ở đây bao gồm cả những di sản kiến trúc lẫn các phong tục sinh hoạt, văn bản, trước tác gắn liền với chúng.

Chú thích ảnh
Truyện của Tô Hoài in trên “Tiểu thuyết thứ Bảy”, năm 1942

Cùng với nhiều tác giả khác, Tô Hoài chính là một người đã làm công việc giữ một đô thị di sản trong những trang văn. Nhưng Tô Hoài không tìm kiếm những câu chuyện hoài cổ với sự luyến tiếc. Thái độ của Tô Hoài nhiều khi có vẻ lãnh đạm, chấp nhận những đổi thay, tuy rằng có lúc ông cũng không giấu sự trào lộng, chẳng hạn Giấc mộng ông thợ dìu. Thỉnh thoảng, Tô Hoài cũng gián tiếp mô tả Hà Nội với thái độ không giấu nổi sự chán ngán: “Tôi bay bất kể ngày đêm. Ròng rã lâu ngày lắm mới vượt ra khỏi được cái thành phố xù xì u ám gớm ghiếc ấy” (Dế mèn phiêu lưu ký).

Là một người từng tham gia thực hiện các bộ sách về Thăng Long - Hà Nội, Tô Hoài ý thức rõ rệt khoảng cách giữa huyền thoại và thực tế. “Rồi tôi lên khu, nghe về sông Tô Lịch và công việc đào sông. Sông Tô Lịch chảy qua làng tôi. Bút danh tôi có chữ Tô cũng bắt đầu từ dòng sông này - nhưng ấy chỉ là dòng sông mơ mộng trong sử sách và trong câu chuyện của người già mà thôi… Ông cán bộ trên khu hăng hái trình bày vẻ đẹp của một thắng cảnh Hà Nội sắp ra đời. Ông nói quá đẹp nên tôi chắc ông cũng chưa thấy sông Tô Lịch bao giờ”. Rồi “Sông Tô Lịch hiện đại sẽ là cái hồ dài một trăm cây số chảy qua thành phố. Hai bên sông mọc lên hai đại lộ mười làn xe và những khách sạn năm tầng năm sao… Hà Nội sẽ có một con sông như ngày xưa, hơn ngày xưa, sông Tô Lịch tuyệt vời nhất châu Á”. Hoặc “Cái con sông Tô Lịch trong tưởng tượng đẹp ấy đến bây giờ hơn bốn mươi năm sau vẫn chưa ai trông thấy, nó cũng những chuyện trên trời, như sự tích con Trâu Vàng mà sông Tô Lịch là vết thừng, là cái đuôi Trâu Vàng, là chuyện của cán bộ bốc phét” (Chiều chiều).

Ý vị hài hước, hóm hỉnh trước những thực tại bề bộn nhiều lúc đã chuyển thành trào lộng, châm biếm.

***

Có thể nói, Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị, như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hài hước, có tấm buồn bã. Nhưng điều thú vị nhất chính là người ta sẽ thấy bóng dáng Tô Hoài luôn ở một góc những khung hình đó, thong dong vừa đủ cho một sự hiện diện lão luyện hơn người.

Tọa đàm “Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi”

Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng trang tổ chức tọa đàm Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, các nhà sư phạm... khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu, góc nhìn mới về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài.

Cuộc tọa đàm sẽ diễn ra vào 9h ngày 25/9/2020 tại Trụ sở Nhà xuất bản Kim Đồng, (55 Quang Trung, Hà Nội). Đáng chú ý, trong không gian tọa đàm, độc giả cũng sẽ được chiêm ngưỡng 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp và hòa mình vào thế giới Dế Mèn trong những tranh minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký của các họa sĩ trong và ngoài nước.

Nguyễn Trương Quý

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm