Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 3): Những học giả bắc nhịp cầu văn hóa

25/12/2019 19:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sự phát triển của một nền văn hóa sẽ không có nếu chỉ tồn tại một mình mà cần có quá trình tiếp xúc và giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc. Trong quá trình này, yếu tố con người mà cụ thể là những nhà văn hóa chiếm giữ một vị trí quan trọng. Đối với sự kết nối, giao lưu văn hóa và văn học giữa Việt Nam - Liên bang Nga cũng vậy.

Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 2): Một 'dòng chảy Nga' trong văn học Việt

Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 2): Một 'dòng chảy Nga' trong văn học Việt

Văn học Nga với đặc trưng là tính nhân văn cao cả, chất lãng mạn trữ tình và hiện thực sâu sắc có ảnh hưởng không nhỏ đối với nền văn học Việt Nam. Và sau hơn thế kỷ, chúng ta hãy cùng nhìn lại những tâm hồn, tính cách Nga in đậm trong lòng người Việt Nam thông qua văn học và cả những thành tựu về lý luận phê bình.

Bề dày mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa và văn học Việt - Nga từ khởi đầu cho đến nay có sự góp công lớn của đội ngũ các nhà Nga học, Việt Nam học, những nhà nghiên cứu từ phía hai quốc gia. Các nhà khoa học Nga tiêu biểu như N.I.Nikulin, M.Tkachop, B.L.Riptin… đều là những tên tuổi nổi bật có những cống hiến lớn trong việc nghiên cứu và truyền bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Người góp công đầu quảng bá văn hóa Việt Nam

Trong dòng chảy tiếp nhận, giao thoa văn hóa - văn học giữa quốc gia này với quốc gia khác, những nhà nghiên cứu văn hóa đóng vai trò vừa là chủ thể vừa là tác nhân thúc đẩy sự phát triển trong các mối quan hệ văn hóa giữa các quốc gia.

Ở một khía cạnh nào đó, trong mối quan hệ giao lưu Việt - Nga, đội ngũ học giả, trí thức bằng sự dày công nghiên cứu đã góp phần hình thành nên một trữ lượng tri thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa, văn học, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với nhân dân Nga và ngược lại, bắc một nhịp cầu thông hiểu trên dòng chảy giao lưu Việt - Nga.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Viện sĩ Nicolai Ivanovits Niculin (1931 - 2006) - một trong những nhà nghiên cứu văn hóa - văn học Việt Nam tiêu biểu

Trong số những nhà văn hóa, nhà nghiên cứu dành tâm huyết trong việc nghiên cứu về văn hóa, văn học Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Nicolai Ivanovits Niculin (1931 - 2006) là một trong những học giả tiêu biểu nhất. Những công trình nghiên cứu của ông đã phác họa một cách rõ nét, toàn diện về tiến trình phát triển của văn học Việt Nam từ thời kỳ khởi nguyên cho đến những giai đoạn phát triển của văn học hiện đại.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Liên bang Nga: “Giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”, trong bài tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn -nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học cho rằng: Gắn với văn học Việt Nam, có thể nói GS N.I. Nikulin là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn học và văn hóa Việt Nam. Ngay từ những năm 1960, ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã thực hiện nhiều hoạt động xã hội với thế hệ các nhà văn hàng đầu của Việt Nam trước đây cho đến những thế hệ nhà văn trẻ, đồng thời góp phần đào tạo nghiên cứu sinh cho Việt Nam.

Có thể nói rằng, GS N.I. Nikulin là người vận dụng kiến thức văn học, lý luận Nga vào văn học Việt Nam qua những khảo sát bao sân rộng lớn trên tất cả các bình diện văn học Việt Nam. Dành nửa thế kỷ nghiên cứu văn hóa - văn học Việt Nam, GS N.I. Nikulin đã để lại trên 300 công trình dịch thuật và nghiên cứu khoa học, cộng chung tới vài nghìn trang in qua hàng chục đầu sách, tạp chí bằng tiếng Việt và tiếng Nga cùng nhiều thứ tiếng khác trên thế giới như: tiếng Đức, tiếng Triều Tiên, tiếng Trung Quốc… Không sai khi khẳng định, GS N.I. Nikulin là người góp công đầu cho việc quảng bá, giới thiệu văn hóa - văn học Việt Nam ra với thế giới.

Trong bài “Nửa thế kỷ đồng hành cùng văn học Việt Nam” in trong cuốn N.I.Niculin Dòng chảy văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn từng viết: “Với kiến văn sâu rộng, ông đã góp thêm những khám phá mới mẻ về ngọn nguồn văn hóa Đông Sơn với quan niệm về “cây thế giới”; về nền tảng văn hóa Bắc Bộ và bản lĩnh dân tộc với sự định hình truyền thuyết Ông Đống và Phù Đổng; về phức hợp thần thoại Việt - Mường miền Tây Tây Bắc - Bắc Bộ với sự hình thành văn học và bản chất thể loại của Đẻ đất đẻ nước; về bản sắc vùng văn hóa Tây Nguyên với các đặc trưng “cuộc cầu hôn anh hùng” trong sử thi Ê Đê và đặc điểm nguyên hợp có tính loại hình của tác phẩm H’mong Đăm Noi trong folklore Ba Na…”.

Am tường văn hóa Việt Nam là một lẽ, những công trình văn học của GS N.I.Nikulin còn tích tụ khối lượng lớn về giá trị học thuật, nghiên cứu bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam qua các hình thái văn học trong từng giai đoạn lịch sử. Quá trình nghiên cứu của giáo sư bao quát một trường văn học sâu rộng từ văn học dân gian cho đến văn học trung - cận - hiện đại hay có cả văn học Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Liên bang Nga: “Giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”

Những nhà nghiên cứu văn hóa - văn học Việt Nam

Dù xét ở phương diện nào thì những công trình nghiên cứu, thành quả khoa học về Việt Nam của GS N.I.Nikulin cũng góp một phần không hề nhỏ trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ văn hóa Việt - Nga. Như lời nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Hữu Sơn nhấn mạnh: GS N.I.Nikulin thực sự là một nhà Việt Nam học có những đóng góp đặc biệt quan trọng về vận dụng lý luận của văn học Nga vào Việt Nam phục vụ quá trình nghiên cứu văn hóa và văn học. Có thể coi GS N.I.Nikulin là một nhà Việt Nam học xuất sắc, hàng đầu không chỉ của Nga mà của cả thế giới đối với Việt Nam.

Ngoài GS N.I.Nikulin, những học giả có đóng góp lớn cho sự phát triển giao lưu văn hóa - văn học Việt Nga còn có nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi khác có thể kể đến như: B.L.Riptin; I.P.Zimonina;Marian Tkachеv…Trong đó, I.P.Zimonina thuộc thế hệ đầu tiên các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ở Nga, có đến hơn 50 bài viết, kể cả các bản dịch về văn học Việt Nam.

Hay, nhà văn, dịch giả Marian Tkachеv là một trong những nhà nghiên cứu đặc biệt say mê văn học Việt Nam. Ông viết khoảng 200 bài về văn học Việt Nam, trong đó nổi bật phải kể đến những công trình dịch thuật tiêu biểu của ông về văn học trung đại Việt Nam với việc nghiên cứu những tác phẩm khó tiếp cận trong dịch thuật có thể kể đến như: Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên; Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú; Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ…

Dù là GS N.I.Nikulin, I.P.Zimonina, Marian Tkachеv hay bất cứ một nhà nghiên cứu nào về văn hóa - văn học xét trên bình diện quan hệ Việt - Nga, có thể chắc chắn một điều rằng họ đều là những nhà khoa học có mối quan tâm đặc biệt sâu sắc đến mối quan hệ Việt - Nga, cụ thể là những vấn đề liên quan đến văn hóa và văn học. Xem đó là mẫu số chung trong hoạt động nghiên cứu, khai mở những đặc trưng nổi bật của hai nền văn hóa độc lập trong mối tương quan chung là sự giao lưu, kết nối.

(Còn nữa)

Đỗ Doãn Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm