04/06/2022 06:32 GMT+7 | Văn hoá
Đừng chối! Người lớn nào đều từng là trẻ con và hầu như trẻ con nào cũng từng ghét đến trường. Ông bố của hai đứa trẻ, kỹ sư lập trình Hải Nam chắc hẳn không ít lần phải nghe mấy nhóc tỳ nhà mình than “trường học chẳng có gì vui” nên mới viết ra thành một quyển truyện thiếu nhi đáng yêu: Trường học chẳng có gì vui? (NXB Kim Đồng) - tác phẩm đã lọt vào Top 8 Vòng Chung kết - chấm điểm của Giải Dế Mèn năm nay.
Tác phẩm Trường học chẳng có gì vui? chỉ chưa tới 80 trang sách vừa vặn lời chia sẻ của một cậu bé bỡ ngỡ rời trường mẫu giáo bước vào tiểu học, với cú “sốc văn hóa” đầu đời.
Ở trường mẫu giáo có thể suốt ngày chơi đồ chơi thỏa thích, được tự do giỡn hớt cùng các bạn mà chẳng ai phàn nàn gì. Còn ở trường tiểu học, phải ngồi im, không có đồ chơi, không nói chuyện riêng, lại còn phải… học.
Rồi “một ngàn câu hỏi tại sao” như: Tại sao tớ phải đến trường? Tại sao tớ phải nghe lời cô giáo? Tại sao tớ phải làm bài tập?... mà cậu bé đặt ra, để rồi từ đó khám phá những niềm vui của việc đến trường.
Điều ấn tượng ở tác phẩm của Hải Nam chính là sự duyên dáng và cách đặt vấn đề mà ai cũng biết nhưng có lẽ ít ai nghĩ sẽ viết thành một tác phẩm văn học. Nó như một cách nhìn khác lạ với những tác phẩm về mái trường, phấn trắng bảng đen ngày trước. Như Mái trường thân yêu chẳng hạn.
Tác phẩm Mái trường thân yêu của Lê Khắc Hoan xuất bản lần đầu năm 1964 vừa được NXB Kim Đồng tái bản. Nhiều thế hệ học sinh ở Việt Nam xem Mái trường thân yêu là sách gối đầu giường. Thế hệ 6x, 7x khi nhắc đến tác phẩm này, dường như ai cũng biết, và bày tỏ sự yêu thích, trong khi thế hệ sau đó thì thấy xa lạ. Tác phẩm này từng là hiện tượng xuất bản một thời ở Việt Nam.
Đặt hai tác phẩm này cạnh nhau để thấy sáng tác về trường học có những khác biệt thế hệ. Vào thời của tác giả Lê Khắc Hoan, chắc hẳn không ai nghĩ sẽ đặt bút viết một cuốn sách về mái trường đầu tiên từ những điều “đáng ghét”.
Nhưng nhân vật trong Trường học chẳng có gì vui? sau khi liệt kê ra hàng loạt những điều đáng ghét như thế, cuối cùng lại như lời cụ Đồ Chiểu: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”, ghét là thế mà quen dần rồi nhận ra trường học của mình cũng đáng yêu mà nói như trong Mái trường thân yêu, nơi đó đã là một phần ruột thịt của mình, nên lúc chia xa, cảm thấy như đánh mất một phần.
“Mái trường thân yêu của chúng tôi đã hiện ra trước mắt. Hai dãy nhà xam xám nằm sóng đôi trên lưng ngọn đồi thấp và phẳng. Trường chúng tôi còn nghèo, mái lá, tường đất, vách nứa, cửa tre. Nhưng thân thiết biết nhường nào, ở đấy có sân bóng đá, có tủ sách của liên đội, có tấm bảng “Tự giác xây dựng trường”, có vườn địa lí với lá cờ đỏ phấp phới bay trên đỉnh con quay gió, có những bộ bàn ghế mặt trắng bóng nhẵn nhụi do chúng tôi cạo bằng mảnh chai… Và hơn hết, ở đây có những người tôi đã coi như ruột thịt…”
Mái trường thân yêu viết trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tác phẩm phản ánh được những cô cậu học trò có nét hồn hậu cũng sự trong sáng của những học sinh lớn lên trong thiếu thốn và cuộc sống bao bọc quanh gia đình, bạn bè.
Trong khi đó, học sinh trong Trường học chẳng có gì vui? dĩ nhiên là có cuộc sống hiện đại, và có nhiều điều thu hút sự chú ý của các bạn hơn là đời sống trường học. Cậu bé trong Trường học chẳng có gì vui? cũng là đứa trẻ con của thời nay.
Góc nhìn của hai tác giả cũng khác nhau. Dù cách xưng hô và giọng văn tự nhiên, khiến độc giả có thể tưởng rằng đây không phải được viết bởi người lớn, thì cũng có cảm giác Trường học chẳng có gì vui? được soi chiếu bằng nhãn quan ngoại tại. Bởi thế mà câu chuyện không tiến xa hơn, điều đó làm cho dung lượng tác phẩm ít.
Trái lại, Lê Khắc Hoan (1937 - 2021) xuất thân là nhà giáo, cách ông tiếp xúc với học trò, đồng nghiệp, gắn bó với ngôi trường, cho ta thấy sự gần gũi hơn và có lẽ chính sự gần gũi mà vẫn hấp dẫn này đã khiến cho nó trở thành hiện tượng xuất bản trong một quãng thời gian dài.
Cũng cần nói thêm, Hải Nam tuy không phải là cây bút chuyên nghiệp và Trường học chẳng có gì vui? chưa hẳn đã hoàn thiện. Nhưng nét duyên dáng, hài hước đó cũng để lại nhiều hứa hẹn, đáng để độc giả chào đón những tác phẩm kế tiếp.
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất