30/03/2020 19:11 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Việt Nam, comic (truyện tranh Mỹ), không được phổ biến như manga (truyện tranh Nhật Bản). Chính vì vậy, có thể sẽ có nhầm lẫn rằng Nhật Bản là nơi khởi nguồn của truyện tranh. Tuy nhiên, thực tế, Mỹ mới là “cái nôi” của nền công nghiệp truyện tranh trên toàn thế giới.
Vậy, nền công nghiệp truyện tranh thế giới đã hình thành và phát triển như thế nào, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời.
Bình chú và những khung truyện đầu tiên
Không phải ngay từ đầu, truyện tranh Mỹ đã có cấu trúc khung hình và “bong bóng hội thoại” như ngày nay. Xuyên suốt lịch sử hội họa và kiến trúc phương Tây, có rất nhiều bức tranh, bích họa trên tường được vẽ, điêu khắc lại nhằm tái hiện một sự kiện hoặc một câu chuyện nào đó. Thời kỳ này, các họa sĩ dùng chính hình ảnh để biểu hiện cho câu chuyện.
Chỉ đến thời đại của báo in, hình ảnh và từ ngữ (minh họa và chú thích đi kèm) mới có sự phân biệt rõ ràng. Hình thức trình bày có sự phân biệt giữa hình và chữ này ra đời do các ông chủ tòa soạn báo cần những tờ báo của mình phải có minh họa và mỗi hình minh họa cần phải được bình chú cụ thể. Đây chính là tiền đề cho truyện tranh sau này.
Dần dần, hình thức trình bày này mở ra một cách kể chuyện kiểu mới: kết hợp giữa hình ảnh và bình chú để tạo thành một câu chuyện có nội dung độc lập. Đây chính là hình thức truyện tranh đầu tiên, còn được nhắc đến với thuật ngữ “dải truyện tranh”: Hình ảnh nằm ở trung tâm, dòng chữ minh họa xuất hiện ở phía trên hoặc dưới mỗi hình.
Người đi đầu trong hình thức truyện kể này là William Hogarth (1697-1764). Ông đã tạo ra những bộ tranh liên tiếp có cùng một chủ đề đạo đức, và mỗi bức tranh đều có sự liên kết với nhau cùng dòng chú thích để dẫn dắt người xem. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Marriage A-la-Mode, được ông sáng tác từ 1743 đến 1745, kể về một cuộc hôn nhân sắp đặt, mà trong cuộc hôn nhân đó, không có một ai hạnh phúc.
Khi mới ra mắt, những ấn phẩm như trên thường được sử dụng để minh họa cho một bình luận về các vấn đề chính trị và xã hội, đạo đức. Những minh họa đó được biết đến như thể loại “cartoons” vào năm 1842. Ngay sau đó, các nghệ sĩ đã thử nghiệm thiết lập một chuỗi hình ảnh để tạo ra một câu chuyện.
Đến thế kỷ 18, từ những dòng chữ ngang để chú thích ban đầu, George Cruikshank đã cải tiến thành dạng hộp. Về sau, dạng hộp lời dẫn truyện được cải tiến thành dạng tròn, và được gọi là “bong bóng lời nói”, hay cũng chính là khung thoại mà chúng ta đã biết ngày nay.
Những bộ truyện tranh đầu tiên
Nhìn vào tiền đề, có thể khẳng định, truyện tranh ra đời cùng với sự phát triển của báo chí. Trên thực tế, báo chí cũng là “điểm tựa” cho những tác phẩm truyện tranh đầu tiên.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu và phê bình truyện tranh trên thế giới đều thống nhất The Glasgow looking Glass là tạp chí truyện tranh đầu tiên trên toàn thế giới. Ấn phẩm được xuất bản năm 1826 và duy trì liên tục 2 tuần 1 số, cung cấp những bức ảnh châm biếm về xã hội Glasgow, văn hóa và thời trang nước Anh vào thế kỷ 19.
Đến năm 1845, những bức vẽ châm biếm, thường xuyên xuất hiện trên báo và tạp chí Mỹ. Thể loại tranh hài hước, châm biếm này được gọi là “cartoon”. Từ những bức vẽ châm biếm trên, các tác giả bắt đầu nghĩ đến việc vẽ cả một câu chuyện châm biếm hài hước đăng lên báo. Vào năm 1867, truyện tranh hàng tuần đầu tiên có một nhân vật bình thường là Ally Sloper’s Half Holiday, được ra mắt trên tạp chí hài hước Anh Judy. Tác giả của bộ truyện này là C. H Ross và Pháp Emilie de Tessier.
Đến năm 1895, truyện tranh có màu đầu tiên ra đời với cái tên The Yellow Kid. The Yellow Kid kể về một cậu bé hói đầu, mặc bộ đồ màu vàng sống ở khu ổ chuột bẩn thỉu đã tồn tại từ cuối thế kỷ 19 tại New York. Cậu bé nhanh chóng trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng cho những đứa trẻ khổ sở, rách rưới, nghèo đói sống tại các khu ổ chuột tại Mỹ.
Thời đại của những nhân vật phi thường
Sau một thời gian phát triển, các tác giả truyện tranh nhận ra rằng họ không thể mãi “giậm chân tại chỗ” với những yếu tố hài hước, gây cười; và các ông chủ tòa soạn cũng nhận ra việc cần đổi mới sản phẩm để thu hút độc giả. Chính vì vậy, thế kỷ 20 là thế kỷ bùng nổ của những tác phẩm truyện tranh nhuốm màu phiêu lưu, khoa học viễn tưởng, anh hùng.
Đầu tiên trong số đó, không thể không kể đến nhân vật huyền thoại của thế kỷ 20 - Tarzan. Bắt đầu từ một nhân vật trong tiểu thuyết của Edgar Rice Burroughs, Tarzan được đưa vào truyện tranh, trở thành nhân vật yêu thích của nhiều thế hệ độc giả Mỹ. Người Mỹ bị ấn tượng bởi tính hoang dã, sức mạnh và khả năng sinh tồn của Tarzan ngay khi anh chàng xuất hiện dưới dạng truyện tranh.
30 năm đầu thế kỷ 20 cũng chứng kiến sự ra đời của một huyền thoại khác, mà cho đến nay, ảnh hưởng của huyền thoại này đến văn hóa đại chúng Mỹ nói riêng và văn hóa đại chúng toàn thế giới nói chung vẫn vô cùng sâu đậm. Đó là sự ra đời của Superman - siêu anh hùng đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Ban đầu, các biên tập viên đã chế giễu ý tưởng của nhân vật Superman. Họ thấy một siêu nhân đến từ hành tinh khác có thể nhảy lên các tòa nhà cao tầng, đi nhanh hơn một viên đạn siêu tốc sẽ không giúp cho tạp chí bán chạy hơn. Không ai chấp nhận bản thảo Superman của hai chàng trai trẻ Jerry Siegel và Joe Shuster. Tuy nhiên, bất chấp việc bị chế giễu, tác giả của Superman vẫn gửi tác phẩm đi khắp các tòa soạn và công ty truyện tranh, để rồi điều kỳ diệu đã đến: bản thảo đến tay Sheldon Mayer ở DC Comics. S. Mayer nhanh chóng mua bản quyền và xuất bản bộ truyện độc đáo này vào năm 1938, 5 năm kể từ ngày Jerry Siegel và Joe Shuster hoàn thành bản thảo.
Superman được đông đảo người đọc đón nhận bởi sự mới mẻ, phi thường của anh. Sau sự xuất hiện của Superman, truyện tranh trở thành lãnh địa của các siêu anh hùng. Từ đây, các công ty truyện tranh khác nhanh chóng bắt đầu tạo ra những “siêu anh hùng” khác để kiếm tiền từ hiện tượng siêu nhân mới này. Số phận của Superman đã chứng minh rằng, đôi khi, một ý tưởng thú vị sẽ không bao giờ bị nhấn chìm, vì chỉ ngay khi nắm bắt được cơ hội, nó sẽ tỏa sáng.
Kinh dị - giật gân - tội phạm: “Món ăn lạ” của truyện tranh Mỹ
Bên cạnh sự phát triển của dòng truyện tranh siêu anh hùng, công nghiệp truyện tranh Mỹ cũng đi đầu trong những sáng tác truyện tranh mang yếu tố kinh dị, giật gân, hoặc những sáng tác xoay quanh đề tài tội phạm. Những tác phẩm thuộc đề tài này đã trở thành một “món ăn tinh thần” độc đáo và hấp dẫn người đọc.
Tiên phong cho loạt truyện tranh này là Crime Does Not Pay (Tội ác không trả giá) được NXB Lev Glory phát hành vào năm 1942. Tập truyện xoay quanh tội phạm với lời tựa giật gân: “Tất cả những câu chuyện tội phạm có thật”. Đồng thời, những hình minh họa của loạt truyện tranh này có xu hướng đẫm máu và nhuốm màu kinh dị. Đến những năm 1946 - 1947, một loạt các truyện tranh tội phạm được phát hành.
Một thể loại khác bắt đầu phát triển là truyện tranh kinh dị. Vào năm 1948, NXB American Comic Group đã cho ra mắt Adventures In The Unknown, bao gồm những câu chuyện kinh dị về ma, người sói, ngôi nhà ma ám, con rối giết người, và những sinh vật và siêu nhiên khác. Adventures In The Unknown chính là truyện tranh kinh dị đầu tiên của Mỹ.
Mặc dù có một thời kỳ “ra mắt” tương đối lùm xùm và u ám, song cho đến nay, truyện tranh kinh dị - tội phạm vẫn có chỗ đứng nhất định trong giới truyện tranh Mỹ, và cách kể chuyện của những câu chuyện này cũng ảnh hưởng lên các tác phẩm truyện tranh Nhật Bản và truyện tranh của các quốc gia khác.
Cho đến nay, truyện tranh Mỹ vẫn phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Sự phát triển đồng thời của truyện tranh siêu anh hùng và truyện tranh kinh dị cho thấy, bên cạnh sự vĩ đại, siêu việt, phi thường của nước Mỹ là lịch sử đen tối của sự thua cuộc, tội ác và những ám ảnh kinh dị tồn tại trong tâm trí mỗi người Mỹ.
Công nghiệp truyện tranh của Mỹ
Nếu ở giai đoạn đầu phát triển, truyện tranh Mỹ chỉ là những hình ảnh minh họa có số phận gắn liền với các tờ báo, tạp chí, thì càng về sau, truyện tranh Mỹ lại mở rộng, ảnh hưởng sang cả lĩnh vực hoạt hình, điện ảnh, truyền hình. Đây chính là điểm khác biệt giữa công nghiệp truyện tranh Mỹ với công nghiệp truyện tranh ở các nền văn hóa khác trên thế giới.
Đối với các công ty ở Mỹ, truyện tranh không đứng riêng lẻ, độc lập, mà trở thành một bộ phận không thể tách rời trong nền công nghiệp giải trí Mỹ. Chính vì thế, dù độc giả, khán giả có thể không đọc truyện tranh Mỹ, nhưng lại không thể không biết những nhân vật, những câu chuyện tồn tại trong truyện tranh của Mỹ. Với nền tảng là truyện tranh, người Mỹ đã dùng chính những nhân vật, những câu chuyện đó để quảng bá cho đất nước Mỹ, văn hóa Mỹ, tinh thần Mỹ và cả giấc mơ Mỹ của họ nữa.
Sự ra đời của “bong bóng lời nói” (khung thoại) Đến thế kỷ 18, từ những dòng chữ ngang để chú thích ban đầu, George Cruikshank đã cải tiến thành dạng hộp. Về sau, dạng hộp lời dẫn truyện được cải tiến thành dạng tròn, và được gọi là “bong bóng lời nói”, hay cũng chính là khung thoại mà chúng ta đã biết ngày nay. |
(Còn nữa)
Nguyễn Hoàng Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất