Đề xuất xây dựng “thành phố sáng tạo” tại VN

19/07/2012 14:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Các chuyên gia văn hóa của UNESCO đề nghị Việt Nam nên chọn Đà Nẵng hoặc TP.HCM để xây dựng những “thành phố sáng tạo” nhằm thúc đẩy những ngành công nghiệp gắn với sự sáng tạo về văn hóa nghệ thuật trên cả nước.

Đó là nội dung chính trong buổi tọa đàm “Phát triển cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý mới cho công nghiệp văn hóa tại VN” (Hà Nội, 18/7). Buổi tọa đàm trên là một phần thuộc dự án hỗ trợ của UNESCO tới VN về việc phát triển cơ chế và khuyến khích đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa như phim, âm nhạc, thời trang, nghệ thuật trình diễn...

1. Phân tích của các chuyên gia UNESCO chỉ rõ: hạn chế về năng lực quản lý, thiếu chiến lược phát triển tổng thể, đầu tư manh mún, cơ sở hạ tầng xuống cấp, vi phạm bản quyền ở cấp độ cao... là những nhược điểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

“Hiện tại, trong khi các nước châu Á có sự phát triển rất mạnh về công nghiệp văn hóa thì Việt Nam dường như đang hoàn toàn chững lại. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, các bạn sẽ phải trả giá rất đắt trong vòng 5, 10 năm tới khi hoàn toàn để mất mảng thị trường này” - Tiến sĩ Tom Fleming của UNESCO khẳng định. Một ví dụ điển hình được ông đưa ra: ngay tại Hội An, khu vực được coi là phát triển nhất của VN về kinh doanh văn hóa truyền thống, hầu hết các gian hàng lưu niệm đều đơn điệu và thiếu thích ứng trước nhu cầu đa dạng về độ tuổi, quốc tịch của khách du lịch.


2. Bởi vậy, bên cạnh những khuyến nghị về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn hay thay đổi chính sách đầu tư (chuyển từ cơ chế bao cấp sang đầu tư cho doanh nghiệp một cách có chọn lọc), các chuyên gia của UNESCO đã nhắc rất nhiều tới việc VN nên thành lập những “thành phố sáng tạo” để kích thích sự thay đổi tư duy và chiến lược kinh doanh của ngành công nghiệp văn hóa.

Cụ thể, giống như những “đặc khu kinh tế” đang xuất hiện trên cả nước, “thành phó sáng tạo” là những cụm công nghiệp văn hóa được đầu tư để dành riêng cho phát triển nghệ thuật, truyền thông, thủ công truyền thống… Việc quy hoạch và có chính sách đầu tư ưu đãi đặc biệt cho những “ thành phố sáng tạo” này sẽ tạo nên những thuận lợi lớn về khâu cung cấp nguồn nhân lực, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hay giúp các ngành công nghiệp văn hóa có sự tương tác với nhau để cùng phát triển.

Được biết, dù đã phát triển khá mạnh tại nhiều nơi của châu Á như Hong Kong, Thượng Hải hay Singapore... mô hình quy hoạch và đầu tư tổng thể cho một “thành phố sáng tạo” vẫn chưa có ở Việt Nam trong những năm vừa qua. Gần đây nhất, tập đoàn Galileo Investment (Mỹ) đã có kế hoạch đầu tư hơn 10 tỷ USD cho Phú Yên để xây dựng một “thành phố sáng tạo” bên bờ sông Ba, tuy nhiên dự án này phải hủy bỏ vì nhiều lý do.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm