Con đường nghệ thuật ở 'bãi rác' Phúc Tân: Kể chuyện về sông Hồng

25/02/2020 11:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bàn giao cho quận Hoàn Kiếm từ cuối tuần trước, 16 tác phẩm nghệ thuật thuộc dự án Cải tạo bờ bên lở sông Hồng đã biến bức tường trên con đường dài 500 mét tại bãi tập kết rác ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (Hà Nội) thành con đường nghệ thuật đáng sống.

Triển lãm kiến trúc lấy cảm hứng từ dòng chảy của sông Hồng

Triển lãm kiến trúc lấy cảm hứng từ dòng chảy của sông Hồng

Từ 15/3 đến 21/03 tại 282 Design Room (66 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) nhóm KTS WEPLAY tổ chức một triển lãm chung mang tên Phù sa.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển dự án cho biết, đây là dự án cộng đồng nhưng không chỉ đơn thuần là sử dụng vật liệu tái chế, mà thông qua nghệ thuật để kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử sông Hồng.

"Tái hiện" cuộc sống bên sông Hồng

Với sáng tạo của 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước, sau gần 1 tháng thực hiện, 16 tác phẩm được làm từ những vật liệu tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy đến lốp xe… đã thức tỉnh không gian sống của người dân nơi đây.

Đó là tác phẩm Gánh hàng rong khắc họa những hình phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng. Không lựa chọn hình thức vẽ, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tận dụng sắt phế thải và inox gương ánh vàng ánh bạc làm chất liệu cho tác phẩm của mình.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Gánh hàng rong” của Nguyễn Thế Sơn

Hay tác phẩm Thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa, tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Thuyền" của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa

Còn nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm dựng lên tác phẩm Thành phố ven sông từ những chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng chứa nước của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng để khái quát về cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi đây. Trong từng "căn nhà", nghệ sĩ lắp đặt những bóng đèn nhiều màu sắc khác nhau. Tất cả sẽ sáng rực mỗi tối, tạo nên ảo ảnh về đời sống hiện đại.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm

Đặc biệt, nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza đã thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên để sơn màu và biến chúng thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh con rồng đang uốn lượn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm sắp đặt được nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza kết hợp từ chính những chiếc bu gà ở chợ Long Biên, kết hợp những mảnh gương vỡ

Ở một bức tường khác, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm dựng tác phẩm Thánh Gióng đương đại làm từ các vật liệu tái chế như ống bô, khung, động cơ xe máy cũ… Ẩn sâu trong lớp nghĩa nghệ thuật là các trận chiến cho một cuộc sống xanh. Mỗi người lái xe máy như một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đang chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải trong hình dạng con mãng xà.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Những Thánh Gióng đương đại" của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm

Đánh thức sự quan tâm tới môi trường sống ven sông Hồng

Như chia sẻ, dự án Cải tạo bờ bên lở sông Hồng mong muốn thức tỉnh, đem sức sống mới cho người dân vùng ven sông Hồng. Trước khi thực hiện, nhóm đã tiến hành "dân vận", trong đó có việc dành 2 ngày để ngồi lại thuyết trình trước người dân về ý nghĩa dự án cũng như chi tiết từng tác phẩm, từng nghệ sĩ.

“Chúng tôi nhận được sự đồng thuận của khu dân cư, có người dành cả buổi chiều để hỗ trợ các nghệ sĩ thực hiện tác phẩm, trẻ con lượm nhặt chai lọ để thực hiện tác phẩm từ vật liệu tái chế” - Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh - “Đó là động lực để các nghệ sĩ hoàn thiện tác phẩm”.

“Dự án này ghi nhận nỗ lực của quận Hoàn Kiếm, cũng như của thành phố, khi muốn đánh thức lại nhận thức của người dân đối với Hà Nội. Tôi cảm giác như Hà Nội của chúng ta từng co mình lại, quay mình với những dòng sông” - họa sĩ Trấn Hậu Yên Thế, thành viên dự án, chia sẻ - “Sự thật, chúng ta đã bỏ quên sông Hồng quá lâu rồi”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Bức tường danh vọng" của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế

Vì lý do “yêu Hà Nội quá nhiều”, Trần Hậu Yên Thế đã nhận lời tham gia dự án này vào tháng 7 năm ngoái: “Điểm quý của dự án này đó là tính tương tác với ngữ cảnh của không gian tại đây, đó chính là dòng sông, cây cầu Long Biên và đặc biệt là người dân Phúc Xá, Phúc Tân” - họa sĩ nói.

Được biết trong khoảng vài tuần nữa dự án sẽ có buổi ra mắt chính thức. Trong kế hoạch xa hơn, bãi đất trước mặt sẽ được quy hoạch thành vườn hoa có không gian mở, để cùng nghệ thuật đương đại sẽ biến Phúc Tân thành một điểm đến đẹp của thành phố.

Lắng nghe ước ao của những đứa trẻ

“Khi bắt tay thực hiện dự án vào tháng 1/2020, chúng tôi đã gặp khá nhiều khó khăn vì mưa kéo dài, chưa kể có một số người dân chưa hiểu hết được giá trị mà dự án đem lại. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm việc, chúng tôi được lắng nghe và hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của bà con, đặc biệt là ước ao của những đứa trẻ. Người dân luôn khắc khoải mong mỏi biến nơi đây thành điểm đến vô cùng thú vị và sạch sẽ. Chúng tôi mong muốn thông qua dự án có thể tạo ra cảm hứng cho người dân, khích lệ họ cải thiện chất lượng cuộc sống: sống xanh - sạch - đẹp" (Chia sẻ của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế - thành viên dự án).

An Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm