30/07/2022 06:55 GMT+7 | Văn hoá
Minh Thành Tổ (1360-1424) là một trong những “bạo đế” Trung Hoa lẫy lừng nhất, người mang lại nhiều cải cách sâu rộng và để lại nhiều dấu ấn lịch sử. Một trong số đó là đỉnh cao của chế độ chuyên quyền do các quan thái giám giật dây phía sau. Hôm nay, ai đến Bắc Kinh cũng phải vào tham quan Cấm Thành, dù không còn biết nhiều về thế lực lịch sử hắc ám của đám hoạn quan đó nữa.
Minh Thành Tổ ngự ngai vàng của đế chế nhà Minh 22 năm, nhưng sự khởi đầu làm thiên tử (con Trời) của ông không được vàng son cho lắm: Mẹ ông chỉ là một phi tần người Triều Tiên hoặc Mông Cổ gì đó thuộc hạng thấp kém nhất trong hậu cung. Sau này ông lên ngôi hoàng đế chỉ nhờ lật đổ đứa cháu Chu Doãn Văn đang là người kế vị hợp pháp mang hiệu Minh Huệ Đế. Có lẽ để làm lu mờ xuất xứ kém phần cao sang ấy, ông sai chuyển kinh đô nước Trung Hoa thống nhất từ Nam Kinh về Bắc Kinh, xóa ván bài để làm lại từ đầu.
Khởi đầu bạo lực
Vị hoàng đế sáng lập Hồng Vũ Đế giao cho con trai thứ tư của mình là Chu Đệ cai quản các tỉnh phía Bắc, một vùng đất khó nhằn, luôn đối đầu với nguy cơ từ những tộc người du mục trên lưng ngựa, ngay cả sau khi quân Mông Cổ rút lui. Ông đã chọn Bắc Kinh, kinh đô cũ từng được quân Mông Cổ sử dụng làm nơi cư trú và đặt tham vọng xây dựng một nền hành chính mẫu mực.
Để làm được điều này, ông tập hợp một nhóm các hiền sĩ đáng tin cậy dưới trướng mình. Bản thân từng lãnh đạo quân đội trong một số chiến dịch đại thắng, ông giành được lòng trung thành vô điều kiện của họ. Cũng với đội quân hùng hậu này, ông mở cuộc chiến chống lại Chu Doãn Văn sau cái chết của cha mình vào năm 1399 và tiến vào thủ đô Nam Kinh ba năm sau.
Để lấp liếm hành vi soán ngôi, làm cho mọi người quên đi những chi tiết về nhân thân của mình, Chu Đệ đã tiến hànhnhiều hoạt động mạnh mẽ. Đầu tiên, ông đề ra khẩu hiệu cai trị Vĩnh Lạc (tức “Niềm vui vĩnh cửu”, đó là lý do sử sách còn ghi tên ông là Vĩnh Lạc Đế) và xóa người tiền nhiệm của mình khỏi danh sách chính thức của các hoàng đế. Sau đó, ông tước bỏ quyền lực của các hoàng tử nhà Minh còn lại và bố trí những người thân tín của mình vào mọi vị trí cốt lõi. Các quan lại bị thất sủng thường bị đi đày biệt xứ hoặc đơn giản là mất đầu. Cuộc thanh trừng này được cho là có tới hai vạn nạn nhân. Chưa hết, tân hoàng đế còn lập ra một bộ máy mật vụ chuyên giám sát công việc và tư tưởng của các quan chức.
Chừng ấy con người và công việc cũng đòi hỏi một hạ tầng cơ sở khổng lồ. Với hơn một triệu dân, Nam Kinh bên sông Dương Tử là đô thị lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, giáo sư Kai Vogelsang viết: “Một bức tường thành dài gần 40 cây số bao quanh mọi thứ thuộc về một thủ đô: Cung điện hoàng gia, sân vườn, phòng ốc, các cơ quan chức năng, kho lương, học viện hoàng gia, đền thờ và doanh trại quân đội - tất cả được di chuyển một nghìn cây số về phía bắc”!
Tử Cấm Thành
Bắc Kinh không được chọn một cách ngẫu nhiên. Các sử gia sau này cũng cho rằng ở Nam Kinh, trung tâm cũ của phương Nam, hoàng đế không cảm thấy an toàn trong thế thập diện mai phục bởi kẻ thù.
Nhưng có lẽ cũng chính tầm nhìn xa của một chính trị gia lỗi lạc đã khiến Vĩnh Lạc Đế công bố một quyết định có tầm ảnh hưởng sâu rộng vào năm 1406. Chính phủ nên chuyển đến Bắc Kinh, cách đó cả nghìn cây số. Các lãnh chúa triều đại nhà Nguyên của người Mông Cổ, từng cai trị trước nhà Minh, đã đặt đại bản doanh Bắc Kinh, ngày ấy còn gọi là Đại Đô. Bắc Kinh nằm ở rìa thảo nguyên, là bản lề mở lên phía bắc, từ đây đế chế có thể được thâu tóm và bảo vệ dễ dàng hơn so với Nam Kinh, trung tâm của nền văn minh Hán.
Cuộc di cư khổng lồ làm đảo lộn cuộc đời của hơn một triệu nô lệ và 100.000 nghệ nhân bị đưa tới làm việc ngày đêm trên một công trường mới, rộng 720.000 mét vuông và có gần 10.000 phòng: Tử Cấm Thành. Lương thực, thuế và cống phẩm đến được Bắc Kinh qua một con kênh. Một bức tường cao mười mét với bốn cổng thành ngăn thủ đô này với phần còn lại của thế giới. Khoảng 300.000 binh sĩ đóng ở vòng ngoài để đảm bảo an ninh. Bắc Kinh là biểu hiện hóa đá của quyền lực và vàng son.
Ngày 2 tháng 2 năm 1421 là một lễ long trọng: Vĩnh Lạc Đế khánh thành thủ đô mới của mình với một lễ hội xa xỉ. 28 nguyên thủ quốc gia đã được mời, tổng số khách là 26.000. Họ được phục vụ một bữa ăn gồm mười món, nhưng chỉ sau khi phủ phục trước mặt Hoàng đế. Ai không quỳ lạy đúng cách, sẽ bị các hoạn quan buộc phải lặp lại.
Con đường thăng quan tiến chức số 1
Tử Cấm Thành trở thành nơi ở của hoàng gia, hậu cung với 2.000 cung phi tần và hàng vạn thái giám. Có thể nói, hơn cả với tướng lĩnh cùng chinh chiến với mình, Minh Thành Tổ đặt lòng tin vào lòng trung thành của đội ngũ hoạn quan kể từ khi ông chinh phạt một pháo đài của người Mông Cổ ở Côn Minh từ ngày còn là hoàng tử. Tất cả đàn ông đều bị giết, và tất cả các bé trai chưa đến tuổi dậy thì đều bị hoạn toàn bộ hoặc một phần, theo phong tục phổ biến ở Trung Quốc thời ấy. Không ít người chết khi bị thiến bằng dao, những người sống sót có chung một điểm đặc thù chung là phục tùng vô điều kiện.
Ở Trung Quốc, việc hoạn bao gồm cắt bỏ dương vật cũng như tinh hoàn. Cả hai bộ phận đều bị cắt cùng một lúc bằng dao. Hiện tượng thái giám đã tồn tại ở Trung Quốc từ khoảng năm 146 sau Công nguyên, họ thường được dùng làm công chức. Thái giám thời nhà Minh ở Trung Quốc đóng vai trò quyết định trong việc điều hành hoàng cung. Nhiệm vụ của họ bao gồm hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày trong cung điện hoàng gia. Họ còn phụ trách thu mua đồng, thiếc, gỗ và sắt. Họ cũng phải sửa chữa và xây dựng ao hồ, cổng thành, cung điện ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Nam Kinh, cũng như các dinh thự và lăng tẩm. Họ chuẩn bị bữa ăn cho một số lượng lớn người trong cung điện, chăm sóc các loài động vật trong cung điện.
Từ thời cổ đại, hoạn vừa là một hình phạt truyền thống (một trong năm hình phạt) vừa là một phương tiện để kiếm việc làm trong các dịch vụ của Hoàng gia. Một số hoạn quan có quyền lực lớn, như quan chức triều Minh Trịnh Hòa, được đồn là người tìm ra châu Mỹ trước cả Christopher Colombo. Tự hoạn còn là một thực tế phổ biến để kiếm quyền cao chức trọng.
Người ta biện minh cho việc tuyển dụng hoạn quan làm công chức cấp cao là vì họ không có khả năng sinh con,do đó sẽ không bị cám dỗ để nắm quyền và xây dựng một triều đại. Thông thường, hoạn quan được coi là đáng tin cậy hơn các quan chức khác. Trong thiên văn Trung Quốc cổ đại, một chòm sao được chỉ định là của Hoàng đế, và ở phía Tây của nó, bốn ngôi sao được xác định là "thái giám".
Đại diện cho ý chí cá nhân của hoàng đế
Sự thực luôn kém thơ mộng hơn chút: nhà vua luôn lo ngạicon cái không hẳn là giọt máu của chính mình! Do đó, chỉ có hoạn quan mới được phép phục vụ hoàng đế và ở cạnh 2.000 thê thiếp được phân chia theo một thứ hạng nghiêm ngặt trong hậu cung. Điều này đảm bảo rằng con cái của vua là “hậu duệ đích thực“ của Hoàng gia. Hơn nữa, những “nô lệ ẻo lả, xu nịnh” không thể gây nguy hiểm cho “thiên chức” mà hoàng đế đã nhận từ đấng thần linh.
Nhà sử học người Anh Gavin Menzies viết: “Chỉ có những hoạn quan mới được coi là đủ thấp hèn để trở thành nhân chứng thầm lặng cho những thất bại và điểm yếu trong đời tư của Hoàng gia, chỉ có họ mới được phép hằng ngày kiệu các phi tần trần truồng hoặc quấn hờ dải lụa vào phòng ngủ của vua”.
Xung đột giữa quan thái giám luôn cận kề hoàng đế và các quan lại khác là một chủ đề quen thuộc trong lịch sử Trung Quốc, dĩ nhiên không phải lúc nào cũng như vậy. Có những trường hợp hoạn quan rất có năng lực làm cố vấn cho hoàng đế, và sự phản kháng của các quan chức "có tài có đức" khác thường xuất phát từ sự ghen tị. Dưới thời Minh Thành Tổ có các hoạn quan người Triều Tiên, Mông Cổ, Trung Á, một phần là những người bị bắt từ Vân Nam do Mông Cổ kiểm soát vào năm 1381, trong số đó có nhà thám hiểm đường biển vĩ đại Trịnh Hòa, hoặc từ Việt Nam như Nguyễn An, được cho là kiến trúc sư xây Thiên An Môn. Trên thực tế, hoạn quan đại diện cho ý chí cá nhân của hoàng đế, trong khi các quan lại khác thể hiện ý chí chính trị của bộ máy cai trị.
Hệ thống hoạn quan ở Trung Quốc mãi sau này mới được bãi bỏ, vào ngày 5 tháng 11 năm 1924. Thái giám cuối cùng của hoàng gia Phổ Nghi, Tôn Diệu Đình, qua đời vào tháng 12 năm 1996.
Vĩ thanh
Đối với các thần dân của mình, những cuộc phiêu lưu tốn kém của Vĩnh Lạc Đế có một tác dụng phụ dễ chịu. Khi ông qua đời vào năm 1424, kho bạc của triều đình nhẵn thín đến mức không thể tiến hành các chiến dịch quân sự lớn nào nữa. Vì vậy, hoàng đế nhà Minh này cũng đi vào sử sách với tư cách là khởi đầu một thời kỳ hòa bình lâu dài!
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất