02/09/2008 17:09 GMT+7 | Văn hoá
Bà Đặng Thị Hạnh thời trẻ |
Chất lượng văn chương như đã nói ở trên trong cuốn sách này thể hiện rất rõ ở một sự viết có chiều sâu thông qua một suy tư về ngôn ngữ với tư cách là chính nó, điều có thể cảm nhận rõ ràng ở một ngữ vựng lựa chọn chuẩn xác và một cú pháp điêu luyện, hấp dẫn. Tất cả tạo nên một văn bản ở lưng chừng phi hư cấu và hư cấu. Dấu vết của một nhà nghiên cứu văn học dĩ nhiên vẫn còn khá rõ, chẳng hạn ở những đoạn bình luận văn chương hoặc điện ảnh, nhưng ngoài đó ra còn cả ở các tên chương: chương “Tự hư cấu” nhắc nhở đến một thuật ngữ rất thịnh hành trong giới văn chương Pháp từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước (autofiction), chương “Khúc đồng quê” ám chỉ các nhà thơ Cổ đại và Phục hưng, và phảng phất cả phong vị của André Gide, còn chương “Từ nhà trường đến nhà trường” là một “cái nháy mắt” đến Céline của D’un château à l’autre (Từ lâu đài đến lâu đài). Cũng giống cách xử lý các nhân vật lịch sử, hàm lượng nghiên cứu văn học luôn được cân nhắc để không quá liều, khô cứng, hay mang tính mô phạm gây sợ hãi và mỏi mệt cho người đọc. Từ đầu đến cuối, khía cạnh suy tư và khía cạnh kể chuyện ở Cô bé nhìn mưa luôn được điều hoà rất tốt – một công việc trên thực tế không hề dễ dàng.
Nhìn sâu hơn, Cô bé nhìn mưa giống như một ống kính máy quay hướng về những năm tháng quá khứ, đưa lên màn ảnh của nó rất nhiều nhân vật từ có tên đến không tên, cùng với không ít dẫn chiếu văn học, nhưng trong số những người mà Đặng Thị Hạnh từng thân sơ trong đời vẫn nổi lên không ngừng gương mặt người cha; và trong số rất nhiều tác giả văn học như Victor Hugo (điều này là tất nhiên), Marguerite Duras hay Kafka (mà Đặng Thị Hạnh đã đọc từ rất sớm qua các bản dịch tiếng Pháp của Alexandre Vialatte), cũng chỉ một nhà văn có tính chất hồi cố không ngừng: Marcel Proust.
Về người cha Đặng Thai Mai, Đặng Thị Hạnh khẳng định, “trước sau ba tôi vẫn là người thầy đã đào tạo tôi nhiều nhất” (trang 312). Trước đây nhà nghiên cứu văn học Đặng Anh Đào (cũng là con gái giáo sư Đặng Thai Mai) từng viết lại các kỷ niệm về cha, nhưng Đặng Thị Hạnh mới trực tiếp là học trò của Đặng Thai Mai ở lớp dự bị văn khoa Khu IV đầu tiên (1949 – 1950), nơi xuất phát của các nhà nghiên cứu nổi tiếng sau này như Nguyễn Tài Cẩn hay Nguyễn Đức Nam. Sử dụng một lối nói đặc biệt giản dị, Đặng Thị Hạnh nói đến sự ảnh hưởng của cha mình như sau: thời gian đầu đời mẹ “là trung tâm vũ trụ của tôi”, rồi “thế giới của ba tôi đã bắt đầu bước vào cuộc sống của tôi” (trang 81). Và thế giới đó sẽ song hành đi cùng bà suốt đời.
Tuy vậy, nếu muốn thực sự hiểu thế giới văn chương của tác giả Cô bé nhìn mưa, nhất thiết phải nhấn mạnh vào vai trò của Marcel Proust, bởi Đặng Thị Hạnh thuộc vào một “thiểu số may mắn” (happy few) trở thành độc giả của bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất; trên thế giới đó đã là một thiểu số (dù may mắn), ở Việt Nam số lượng những người đọc Proust lại càng nhỏ hơn. Cho đến nay trong tiếng Việt mới chỉ có một tập của bộ tiểu thuyết Dưới bóng các cô gái tuổi hoa trong một bản dịch không thể nói là rất tốt, và tình hình rất giống với lo lắng của Đặng Thị Hạnh: “có thể làm gì với Proust ở Việt Nam? Ai sẽ chịu đọc những câu – dây leo dài lê thê, những đoạn văn “trổ tài” của ông, để khám phá ra rằng những sự cố rất nhỏ, chẳng quan trọng gì, nhưng nhờ cấu trúc của tác phẩm và vai trò của thời gian lại trở nên “xuất phát điểm của một hệ thống những tiếng vang, những kết luận sâu xa, những biến tấu đầy chất thơ” (trang 310-311).
Cũng giống Proust, Đặng Thị Hạnh đi tìm lại. Tìm lại những khoảnh khắc. Đặc biệt là đoạn đầu: Marcel Proust bắt đầu Đi tìm thời gian đã mất bằng khoảnh khắc trước khi thiếp ngủ của cậu bé Marcel, còn Đặng Thị Hạnh bắt đầu hồi ức của mình bằng khoảnh khắc những giọt mưa đầu tiên rơi xuống sân cái nhà ở làng Quỳnh, Nghệ An trước mặt “cô bé là tôi”.
Không gọi cuốn sách của mình là tự truyện hay hồi ký mà lại chọn “hồi ức”, có vẻ như Đặng Thị Hạnh, cũng giống như Proust, tìm cách đương đầu với thời gian, không hẳn là để tìm lại những gì nó đã lấy mất đi (bởi vì ngay trong sự lấy đi cũng đã có quá trình trao tặng; ở những trường hợp tốt đẹp cán cân rất có thể là ngang bằng) mà đúng hơn là coi bản thân thời gian như là đối tượng của suy tư và của sự viết; đồng thời với đó là những câu hỏi về các bất ngờ mà sự vận hành nhiều khi kỳ quặc của ký ức mang lại.
Ở những đoạn trữ tình hay suy tư, câu văn của Đặng Thị Hạnh cũng như thể vô thức mà trở nên rất dài với nhiều mệnh đề liên tiếp; đây cũng chính là loại câu văn từng khiến Proust thoạt tiên bị phản đối rồi sau đó được vinh danh. Khi Đặng Thị Hạnh miêu tả nhà thờ họ (ngoại): “Từ xa, tôi đã nhận ra nhà thờ họ Hồ đứng giữa ruộng lúa xanh rờn” (tr. 13), ta lập tức mường tượng ra cái tháp chuông nhà thờ Combray nổi tiếng của Proust, và đến khi đọc đến đoạn văn sau: “Thế hệ chúng tôi còn phải nhiều lần rời Hà Nội ra đi như thế và cũng chẳng bao giờ có đủ thì giờ để kinh ngạc. Thực ra vào những năm ấy, phía làng và phía phố cũng chẳng bao giờ tách rời hẳn với nhau” (tr. 101) thì chuyên gia về Victor Hugo quả thực đã chứng tỏ mình thấm phong vị và từ ngữ Marcel Proust đến thế nào (trong Đi tìm thời gian đã mất đó là “ở phía nhà Swann” và “ở phía nhà Guermantes”).
“Càng nhiều tuổi người ta càng nhớ nhiều về thời thơ ấu và tuổi mới lớn” (tr. 175), Đặng Thị Hạnh ở tuổi gần tám mươi đã có một tác phẩm thực thụ về ký ức. Điều cuối cùng cần nói là tác giả Cô bé nhìn mưa thuộc một thế hệ đặc biệt, thế hệ của những người sinh vào đầu những năm 1930. Cả tuổi trẻ của thế hệ này hoàn toàn phải trải qua chiến tranh, nhưng đồng thời đó cũng lại là thế hệ cuối cùng được hưởng một nền giáo dục và nhất là một không gian nghệ thuật và tri thức sau này chưa từng bao giờ có thể lặp lại được.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất