01/12/2021 06:47 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta từng biết câu tục ngữ “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.
Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển Tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) chuyển chú câu này (sang câu “Con chẳng chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nghèo”) và giải thích: “Đã là con thì chẳng ai lại nỡ chê cha mẹ khốn khó (vì chẳng ai lại nỡ trách những người đã đứt ruột sinh ra mình); đã là chó thì chẳng có con nào lại nỡ lìa bỏ những người chủ khốn khó (vì con nào cũng trung thành rất mực với những kẻ đã nuôi chúng)”.
Câu tục ngữ như một lẽ thường vốn có ở đời. Con không bao giờ kêu ca phàn nàn, trách cứ chuyện gia đình, bố mẹ mình thuộc diện người nghèo khổ; cũng như chó (con vật nuôi trong mỗi gia đình) luôn thể hiện sự trung thành tuyệt đối với chủ, dù chủ của chúng là những người nghèo khó, thậm chí khó tới mức cùng đinh. Kinh nghiệm tổng kết này không khác gì chân lý hiển nhiên của cuộc sống.
Nhưng việc “con không chê cha mẹ khó” khác với việc “con một lòng một dạ quý trọng “thờ mẹ kính cha”, sẵn sàng chịu đựng, bất luận mọi hoàn cảnh”. Bình thường có thể không sao, nhưng có những lúc sự nghèo đến mức cùng cực thì lòng hiếu thảo mới có cơ bộc lộ.
Khi nhà hết cơm hết gạo, liệu con cái có chịu nhịn để nhường cơm sẻ áo cho “các cụ thân sinh”? Khi cha mẹ vất vả, đầu tắt mặt tối, con cái có lăn lưng vào làm cùng, đỡ cha đỡ mẹ? Đặc biệt, khi cha mẹ ốm đau, mệt nặng (có khi nằm liệt giường) liệu con cái có sẵn sàng chịu đựng, không nề hà, vượt qua tất cả để chăm sóc, động viên?
Không ít những người con chỉ giỏi “thương miệng thương môi” chứ không dám hy sinh, chịu đựng. Họ mải mê vui thú bạn bè phó mặc cha mẹ thui thủi làm lụng kiếm tiền. Rồi có gia đình, con cái không chịu nuôi bố mẹ già, mặc các cụ vào nhà dưỡng lão cô đơn và buồn chán. Phải đến những lúc đó, người ta mới có cơ hội nhận chân giá trị của lòng hiếu thảo.
***
Cũng như vậy, chuyện quần thần, bề tôi trung với vua sẽ được thử thách khi đất nước sa vào cảnh gian khó, cơ hàn. Chiến tranh hay thiên tai luôn luôn gắn với hoàn cảnh cam go, rủi ro và chết chóc. Mọi người dân đều phải có bổn phận làm mọi việc hướng về đất nước trong phút hiểm nghèo, “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”.
Hơn ai hết, trách nhiệm công dân là trên hết để đưa Tổ quốc thoát khỏi lâm nguy. Họ cần phải chấp nhận hy sinh tiền bạc, của cải, thậm chí hy sinh đến tính mạng để giữ gìn bờ cõi, lãnh thổ núi sông.
Hay khi có bão lũ, rất nhiều vùng trên đất nước sa vào cảnh ngập lụt, mất nhà mất cửa. Nhưng thay vì cùng chung tay cứu giúp, không ít người luôn tỏ ra mình là người ghê gớm lắm, lên giọng ta đây đứng cao hơn thiên hạ, sẵn sàng chê bai hoặc đưa ra những lời “chém bão rung bàn phím”.
Xã hội phân công, mỗi người một chức trách. Vậy hãy thực thi tốt nhất phận sự của mình đi đã. Đó chính là lòng yêu nước được thể hiện một cách tích cực nhất. Nếu đất nước lâm nguy cần phải chung sức chung lòng để cứu nguy. Vậy đừng làm rối lòng cộng đồng bằng những phát ngôn “tùy thích” ở những diễn đàn “tùy thích”.
“Nhà nghèo hay con thảo, nước loạn biết tôi trung” là một câu tục ngữ quen thuộc, được Nguyễn Đức Dương (sách đã dẫn) giải thích: ‘Nhà bị nghèo đi thường dễ biết được đứa con nào là hiếu thảo (vì chẳng đứa con hiếu thảo nào lại nỡ bỏ mặc cha mẹ trong cảnh cùng quẫn); cũng như đất nước bị loạn lạc thường dễ biết được ai là bề tôi trung thành (vì chẳng có kẻ bề tôi trung nào nỡ bỏ đất nước trong cơn hoạn nạn)”.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất