29/12/2017 07:50 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Suốt một năm theo dõi hoạt động ở lĩnh vực văn hóa. Báo Thể thao & Văn hóa bình chọn 10 sự kiện nổi bật của lĩnh này trong năm 2017 vừa qua.
1. Bài chòi và Hát Xoan được UNESCO vinh danh
Thêm 2 di sản của Việt Nam được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam. Trong đó, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển từ danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ những nỗ lực to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản này suốt 6 năm qua.
2. Nhiều hoạt động VHNT chào mừng 50 năm thành lập ASEAN
Năm 2017, nhân kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hàng loạt các chương trình, triển lãm... giàu ý nghĩa đã được tổ chức trên khắp cả nước, có sức lan toả trong khu vực. Trong đó, lần đầu tiên Hoa hậu Hữu nghị ASEAN được tổ chức tại Phú Yên, và Giải thưởng phim ASEAN đã được Việt Nam sáng lập và đăng cai tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 47 tại Đà Nẵng.
3. Cấp phép lưu hành ca khúc trước năm 1975 - dư luận phản ứng rầm rộ
Khởi đầu cho sự việc này là Cục NTBD có quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 đã được cấp phép, trong đó có Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).
Đỉnh điểm của sự việc là việc cập nhật những ca khúc sáng tác trước năm 1975 được phép lưu hành tại trang web của Cục NTBD, trong đó có bài Tiến quân ca của Văn Cao.
Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo, Cục NTBD đx thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc nói trên, gỡ bỏ phần cập nhật danh sách các bài hát cách mạng được lưu hành khỏi trang web của Cục NTBD. Sự việc cho thấy sự bất cập trong quản lý của Cục NTBD mà sau đó Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đã bị chuyển công tác.
4. Lùm xùm ở Hãng phim Truyện Việt Nam
Sự việc xảy ra khi Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) được cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam với cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO). Nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự bất bình về công việc, lương và phương hướng phát triển của hãng phim..., đặc biệt là về nguy cơ mai một của một thương hiệu điện ảnh có nhiều thành tựu với lịch sử hơn 60 năm.
Ngày 13/10/2017, Thanh tra Chính phủ ra công bố quyết định thanh tra Hãng Phim truyện Việt Nam, từ năm 2014 - giai đoạn khởi đầu tiến trình cổ phần hóa - đến khi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng Phim truyện Việt Nam hồi tháng 6. Cho đến khi bài báo này lên khuôn, mọi việc vẫn chưa được “hạ hồi phân giải”.
5. Công trình cải tiến tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền gây tranh cãi
Vào những tháng cuối năm 2017, đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền về cải cách chữ viết tiếng Việt đã gây ra những ý kiến trái chiều. Dù chỉ mới dừng ở mức là công trình nghiên cứu của một cá nhân, hoàn toàn không phải là chủ trương của cơ quan thẩm quyền cao nhất trong việc áp dụng, nhưng công trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn và dư luận xã hội. Nhìn chung, đa số ý kiến đều phản đối gay gắt. Các ý kiến chừng mực hơn thì cho rằng, thay vì cải tiến chữ viết thì cần quan tâm đến một vấn đề thiết thực hơn, đó là giữ gìn sự trong sáng Việt. Mới đây, PGS-TS Bùi Hiền cũng đã công bố toàn phần nghiên cứu cải tiến tiếng Việt của mình (gồm 2 phần).
6. Ồn ào quanh các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước
Ngày 28/10/2017, Lê Âu Ngân Anh đăng quang Hoa hậu trong chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 diễn ra tại TP.HCM. Sau đó, dư luận ồn ào về nhan sắc được cho là không đẹp của Ngân Anh. Cô còn vướng vào scandal từng trải qua phẫu thật thẩm mỹ nâng mũi, dù đã tháo bỏ đệm mũi trước khi đăng ký tham dự cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017.
Một ồn ào khác là đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 (ngày 4/11) diễn ra trong bối cảnh cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung làm bức xúc dư luận. Bộ VH,TT&DL sau đó đã có công văn yêu cầu tạm dừng cuộc thi cho đến khi khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 12.
Lĩnh vực Hoa hậu còn lùm xùm với một số thí sinh đăng quang ngôi hậu, nhưng “thi chui” như: Phạm Anh Thư đăng quang Hoa hậu Phụ nữ Sắc đẹp (tổ chức tại Thái Lan) và Phi Thanh Vân đăng quang Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt (tổ chức tại Mỹ).
7. Khai thác đời tư cá nhân thái quá trên truyền hình
Trong xu hướng chung của một số chương trình truyền hình là khai thác đời tư cá nhân để câu khách. Tập 10 của chương trình Sau ánh hào quang phát sóng trên HTV7 tối 4/12 với khách mời là nghệ sĩ Lê Giang đã gặp sự cố bất ngờ khi những chuyện đời tư mà nghệ sĩ Lê Giang chia sẻ đã bị nghệ sĩ Duy Phương (chồng cũ của Lê Giang) cho là mang tính chủ quan, phiến diện và gây tổn thương nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của ông. Ông tuyên bố khởi kiện BTC chương trình.
Sự việc này chưa biết kết quả ra sao, nhưng nó cũng cho thấy tình trạng khai thác thái quá đời tư nghệ sĩ, không chú trọng vào việc giáo dục, định hướng thẩm mỹ mà đi vào đề tài câu khách, “lá cải” của một số chương trình truyền hình.
8. “Bom tấn” phim truyền hình Việt
Nếu xét riêng về phim truyền hình Việt, có thể nói năm 2017 tiêu điểm thuộc về khu vực miền Bắc, trong đó phần lớn các phim đến từ VFC. Sau khởi động ngoạn mục của Tuổi thanh xuân 2, các phim Việt được xem là “bom tấn” truyền hình phải kể đến là Người phán xử (47 tập, phát sóng từ ngày 23/3), Sống chung với mẹ chồng (34 tập, phát sóng từ ngày 5/4), Thương nhớ ở ai (34 tập, phát sóng từ ngày 4/11), Cả một đời ân oán (70 tập, phát sóng từ ngày 13/12).
Những bộ phim này thu hút lượng người xem đông đảo, tạo nên hiện tượng “sốt” phim Việt trong năm 2017.
9. “Loạn” vinh danh, cấp bằng công nhận, chứng nhận trong lĩnh vực văn hóa
Năm 2017 bùng nổ việc vinh danh, cấp bằng công nhận, chứng nhận trong lĩnh vực văn hóa như: Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cấp bằng Nghệ nhân văn hoá dân gian. Liên hiệp các Hội UNESCO VN cấp bằng chứng nhận “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”; bằng tôn vinh “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”; công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; chứng nhận “Tôn vinh nghệ nhân”...
Vào tháng 3/2017, Bộ VH,TT&DL đã có công văn yêu cầu các hội trong cả nước dừng việc cấp chứng nhận tôn vinh các danh hiệu nghệ nhân, cây di sản, bằng chứng nhận, công nhận các đền, chùa, đồng thời đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động nêu trên trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.
10. Xôn xao đấu giá mỹ thuật trong nước
Theo khảo sát chưa đầy đủ, cả nước hiện nay có khoảng 100 hoạ sĩ bán tác phẩm với doanh thu từ 1 tỷ đồng/1 năm, như vậy tổng giao dịch vào khoảng 100 tỷ (hơn 4 triệu USD). Năm 2017 nổi lên các nhà đấu giá như Chọn's, Lý Thị, Lạc Việt... với tổng giao dịch gần 30 tỷ đồng. Chính những nhà đấu giá này, và cả các phiên đấu giá từ thiện khác, đã làm cho thị trường nghệ thuật dần hiện diện. Trên đây chỉ là những con số có tính bề nổi của tảng băng chìm, nhưng vẫn phán ánh được một phần tiềm lực to lớn của thị trường nội địa. Trong tương lai không xa, chính các phiên đấu giá và các nhà sưu tập nội địa sẽ làm thị trường này trở mình, lớn mạnh, với tổng giao dịch có thể vào khoảng 500 tỷ đồng vào năm 2020.
Ngoài 10 sự kiện văn hóa trên, Báo Thể thao & Văn hóa cũng ghi nhận 2 sự kiện khác là: Câu chuyện truyền cảm hứng về bố con diễn viên Quốc Tuấn; Thu phí bản quyền ca khúc khi khách sạn sử dụng ti vi. |
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất