03/11/2022 09:47 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Trong những dòng bình luận trên mạng xã hội, không chỉ có những lời thương tiếc, mà còn có những ý kiến chỉ trích nhắm thẳng vào nạn nhân của thảm kịch giẫm đạp tại Itaewon.
Thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng đêm Halloween 29/10 tại Itaewon đã phủ bóng đen tang thương lên toàn Hàn Quốc. Bên cạnh những thông điệp chia sẻ cảm thương và đau xót, đã có nhiều chỉ trích, đổ lỗi nhắm về phía nạn nhân.
Những bình luận trách cứ các nạn nhân vì ham vui, muốn đi chơi nên mới xảy ra giẫm đạp tràn lan trên khắp các trang mạng, trở thành những vết dao cứa vào lòng người ở lại.
Trong bài viết mới, tờ Kookmin Ilbo đã thu thập nhiều ý kiến từ các bậc phụ huynh, nạn nhân sống sót trong vụ sập trung tâm thương mại Sampoong năm 1995 và lan truyền thông điệp: “Việc tận hưởng tuổi trẻ và đi ra đường chơi không phải là tội lỗi".
Tiếng lòng của những bậc phụ huynh
Hầu hết nạn nhân đều ở trong độ tuổi 20-30 và còn rất nhiều dự định tươi sáng trong tương lai. Nhiều bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi này vô cùng đồng cảm với nỗi đau: “Tôi đau lòng khi nghĩ đến viễn cảnh đó có thể là con tôi”.
Một người đàn ông có con gái là sinh viên năm 2 đại học cho biết: “Con tôi ban đầu định đi chơi Halloween ở Itaewon với bạn bè, nhưng kế hoạch bị hủy bỏ vì đồ hóa trang không giao kịp. Khi thấy con tôi hoảng loạn trước thảm kịch, tôi hiểu rằng đây không phải là bi kịch của riêng ai. Với tư cách là cha mẹ, tôi không muốn cho con đi chơi. Nhưng con gái tôi nói rằng nó chưa được đi chơi đúng nghĩa sau khi tốt nghiệp trung học. Tôi thực sự mong mọi người đừng chỉ trích các nạn nhân quá gay gắt”.
Một người dùng Internet khác có con ở độ tuổi 20 cũng đã đăng 1 bức ảnh chụp đám đông tại quảng trường, cổ vũ cho đội tuyển Hàn Quốc trong World Cup 2002: “Hãy nghĩ lại năm 2002 trước khi đổ lỗi cho nạn nhân ở Itaewon. Bạn đã ở đâu vào thời điểm đó?”. Lúc đó có đông người hơn cả đêm Halloween ở Itaewon nhưng may mắn không xảy ra sự cố nào. Tôi cầu chúc cho các bạn trẻ tận hưởng sự tự do và có những kỷ niệm đẹp 1 cách an toàn nhất”.
Nhà biên kịch kiêm tiểu thuyết gia So Ji Won cũng nhấn mạnh quan điểm trên trang cá nhân: “Có phải là sai lầm khi tận hưởng tuổi trẻ?”. Trên Naver Café, nhiều người dùng cũng bày tỏ ý kiến đồng cảm: “Dù tôi đã hơn 40 tuổi và không còn muốn đến nơi đông người sau thảm kịch, nhưng tôi thông cảm cho những người trẻ tuổi muốn được vui chơi sau 2 năm phải giãn cách vì dịch COVID-19”.
Mặc dù có một bộ phận chỉ trích nạn nhân, nhưng, rất đông người dân đã đến địa điểm tưởng niệm các nạn nhân phía bên ngoài Itaewon, rất nhiều có suy nghĩ đồng cảm và thương xót các nạn nhân: “Tôi nghĩ rằng vài năm sau có thể con tôi cũng sẽ ở đó, tôi không nghĩ bi kịch này là của riêng ai. Mỗi nạn nhân đều là người thân và bạn bè của ai đó”, “Lúc đầu tôi cũng nhìn những nạn nhân bằng ánh mắt không tốt, nghĩ rằng họ uống rượu và chơi bời. Nhưng khi nhìn những đứa trẻ ở hiện trường, tôi nhận ra rằng chúng chỉ là những đứa trẻ vô tội muốn đi chơi vui vẻ mà thôi. Đây là một tai nạn đáng tiếc”…
Tình trạng tâm lý của những người sống sót cũng rất quan trọng
Vụ tai nạn đã khiến 156 người thiệt mạng, nhưng những người sống sót cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Nhiều nạn nhân thoát khỏi thảm kịch ngoài nỗi đau thể xác còn phải hứng chịu nỗi đau tinh thần to lớn. Nhiều người hoảng loạn trước khung cảnh “như địa ngục”, có người cảm thấy có lỗi vì bản thân sống sót, trong khi người thân, bạn bè không qua khỏi.
Lee Sun Min, người sống sót sau vụ sập trung tâm thương mại Sampoong vào năm 1995 chia sẻ: “Thật đau xót khi có nhiều người thiệt mạng giữa 1 ngày bình thường như thế này”. “Thảm họa không phân biệt con người. Tôi chỉ muốn nói điều này, không phải lỗi của bạn khi may mắn sống sót” – người đàn ông trung niên nhấn mạnh.
Vụ sập trung tâm thương mại Sampoong diễn ra vào ngày 29/6/1995 tại quận Seocho, Seoul. Đã có đến 502 người thiệt mạng và 937 người bị thương. Vụ giẫm đạp tại Itaewon cũng là một thảm họa tương tự, không chỉ các nạn nhân và gia đình chịu thiệt hại, mà cả xã hội đều chịu những chấn thương tâm lý. Nhiều người không liên quan đến thảm họa nhưng bị sang chấn tâm lý, cảm thấy đau lòng, nặng nề trước bi kịch quá lớn.
Hiệp hội Tâm lý học lâm sàng Hàn Quốc nhấn mạnh rằng vai trò của cộng đồng rất quan trọng sau thảm kịch. “Những phát ngôn phỉ báng và căm ghét đối với các nạn nhân sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi tâm lý của gia quyến và xã hội”.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng những người chịu chấn thương tâm lý từ thảm kịch Halloween nên tìm sự trợ giúp từ bác sĩ và những người xung quanh.
Minh Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất