06/01/2020 07:03 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: 2 đêm rock symphony We Are The Champions tại Nhà hát Lớn Hà Nội (20h ngày 9 và 10/1) và Trao giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2019 tại Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (11/1).
1. Chương trình rock symphony We Are The Champions do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng nhằm chào mừng năm mới 2020 và mừng thành tích xuất sắc của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua.
Đây là chương trình mà dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng sẽ cùng với dàn nhạc điện tử trình diễn những bản nhạc rock. Độ “lớn” của âm thanh thì dàn nhạc điện tử có thể dễ dàng đạt được, nhưng độ “dày” của âm thanh thì phải nhờ đến dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng.
Nhạc rock do dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng (hoặc kết hợp cùng dàn nhạc điện tử) trình diễn “sống” trên sân khấu sẽ đem đến cho người nghe một cảm giác rất thú vị, mà không phải lúc nào cũng có để nghe.
Đây là hình thức giao thoa, nhằm giới thiệu những yếu tố nhạc giao hưởng đến với đông đảo công chúng rất hiệu quả mà Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đã từng thực hiện năm 2018 và 2019.
Trong đêm diễn 9 và 10/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các bản nhạc rock bất hủ của thế giới như: Bohemian Rhapsody, We Are The Champions (của Freddie Mercury), We Will Rock You (Brian Harold May), We Are The World (Michael Jackson và Lionel Richie)… sẽ được trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Ngoài dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng cùng các nghệ sĩ opera, thính phòng (Tố Loan, Huy Đức, Bùi Trang, Thanh Bình, Anh Vũ, Tùng Lâm…) của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam còn có ban nhạc Long Đen từ TP.HCM, cây guitar Tim Trần (sinh năm 2000, đang theo học khoa Sáng tác và Sản xuất âm nhạc tại Trường Đại học Polytechnic, Melbourne, Australia) và rocker Phạm Anh Khoa.
Có thể nói đây là 2 đêm diễn hứa hẹn nhiều thú vị dành cho khán giả Hà Nội, nó cũng góp phần vào việc “xích lại gần nhau” giữa 2 đối tượng khán giả nhạc đại chúng và nhạc hàn lâm, đồng thời làm phong phú cho những chương trình âm nhạc tại Thủ đô.
2. Giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2019 được trao cho hai tác phẩm là Buổi chiều đi qua cánh đồng (tiểu thuyết của Cao Chiến) và Sóng (tiểu thuyết du ký của Trương Anh Quốc). Hai tác phẩm nhận tặng thưởng là Phơi riêng tư (tập thơ của Nguyệt Phạm) và Biên bản thặng dư (tập thơ của Phùng Hiệu).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hai tiểu thuyết được trao giải là khá tiêu biểu trong các sáng tác của hội viên suốt một năm qua. Trương Anh Quốc từng tạo dấu ấn với một số tác phẩm và một số giải thưởng trước đây. Nhà thơ Phan Hoàng (Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) cho rằng, căn cứ vào mục đích của một tổ chức nghề nghiệp thì giải thưởng năm nay đã làm tròn nhiệm vụ của nó.
Trước câu hỏi, văn học đã phản ánh được hoàn cảnh, vấn đề, hiện trạng... của một thành phố lớn như TP.HCM chưa? Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn khẳng định là chưa. Anh cắt nghĩa: “Muốn làm được điều ấy không thể trông chờ may rủi vào 1, 2 giải thưởng, mà cần một cuộc vận động bền bỉ. Tác phẩm văn học cần 2 điều kiện song hành: môi trường sáng tạo và điều kiện sáng tạo. Môi trường là không khí kích hoạt đam mê viết mà tác giả có thể cảm nhận được. Còn điều kiện là in ấn, thù lao đủ để tác giả yên tâm đầu tư cho tác phẩm. Văn học TP.HCM và văn học cả nước đều đang thiếu cả hai. Vì vậy, hầu hết tác giả đều khôn khéo viết những thứ ngọt ngào, mơn trớn để chiều chuộng thị hiếu bạn đọc, mà tránh xa hiện thực nóng bỏng của xã hội. Khi tác giả tự tạo biên độ an toàn cho bản thân, thì giá trị chữ nghĩa sẽ lâm nguy”.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân cũng cho rằng văn học TP.HCM còn một khoảng cách khá xa với đời sống. Chị kỳ vọng rằng trong những năm tới sẽ có những tác phẩm tương xứng hơn với một đô thị đồ sộ, đa diện, phức tạp như TP.HCM. Chị nói: “Nếu có phản ánh thì chỉ là phản ánh những vấn đề nhỏ lẻ, riêng biệt, không phải là sự phản ánh toàn diện và đến tận cùng. Hoặc có, nhưng chưa có tác phẩm nào ghi được dấu ấn lớn, phản ánh được hiện thực đời sống ở một thành phố lớn như TP.HCM một cách xuất sắc, trở thành một hiện tượng văn học”.
Chị phân tích: “Khi nào có một nền văn hóa đọc thật sự đa dạng, phong phú, có chất lượng, có chiều sâu, khi nào có một đội ngũ nhà văn có tài và có sự trải nghiệm, dấn thân vì khát vọng công bằng, dân chủ, văn minh thì hy vọng khi ấy chúng ta mới có được những tác phẩm phản ánh được mọi vấn đề của một thành phố lớn như TP.HCM”.
Như Hà - Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất