Văn hóa: 'nóng' trong tuần

06/03/2015 15:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán là một tuần sôi động và nhốn nháo của văn hóa, khi các lễ hội và các hoạt động mừng năm mới âm lịch vẫn diễn ra, thu hút sự quan tâm của dư luận. Trên báo và mạng xã hội đều nóng những câu chuyện liên quan đến “đầu năm”.

“Chém”!

Một người cao tuổi tên Hùng ở làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), nói với phóng viên báo Tiền Phong trong lễ hội Ném Thượng hôm mồng 6 Tết (24/2): “Chính quyền cứ o ép nhưng cấm thế nào được chúng tôi! Hôm nọ họp, cán bộ hỏi có chém nữa không, tất cả hô “Chém”!

Ông Hùng dẫn phim truyền hình Trần Thủ Độ có đoạn nói Thành hoàng làng Ném Thượng là tướng quân Lý Đoàn Thượng, vì không chịu về với nhà Trần nên tự sát. Còn sách Hội hè đình đám của nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh (NXB Trẻ năm 2005) lại ghi Thành hoàng làng Ném Thượng làm nghề ăn cướp, được gọi là Lý Công. Bị dân chúng đánh đuổi, Lý Công lên núi ở, nhờ chém được con lợn chạy qua nên thoát chết đói. Sau này Lý Công chết giờ thiêng nên được tôn làm thành hoàng.


“Chém”! - cả lời nói và hành động đều thể hiện “phép vua” vẫn thua “lệ làng”

Việc làng Ném Thượng vẫn quyết định thực hiện nghi thức chém lợn trong hội làng năm nay tiếp tục gây tranh cãi nảy lửa không kém trước Tết. Tổ chức Động vật châu Á lên án lễ hội này vì cho là tàn bạo, nhưng “phép vua thua lệ làng”.

Bình luận ôn hòa về sự kiện này, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện nhỏ, như sau:

Có cô con gái, thấy mẹ cứ mỗi lần rán cá lại chặt đuôi con cá đi, và cô rất thắc mắc nhưng vẫn làm theo như vậy.

Một hôm cô gái hỏi mẹ, sao mẹ lại chặt đuôi con cá mỗi lần rán bà mẹ bảo: Mẹ không biết, thấy mỗi lần bà ngoại rán cá đều làm vậy.

Một lần xuống chơi nhà bà ngoại thì cô gái mới hỏi bà: Bà ơi! Tại sao mỗi lần rán cá bà lại chặt cái đuôi con cá đi. Bà ngoại liền trả lời: À, tại vì hồi đó cái chảo nhà bà nó bé quá, nên phải chặt đi mới vừa.

Qua câu chuyện trên ta thấy nhiều vấn đề ở đó xã hội đang chạy theo một lối mòn tư duy mà thật ra cũng chẳng biết nguồn gốc nó thế nào, như chuyện về các lễ hội chặt chém gia súc một cách dã man hay chuyện đốt vàng mã.

“Đcmm”

Người mẫu Trang Trần bị tạm giam 3 ngày để điều tra tội “chống người thi hành công vụ” trở thành “vụ án showbiz” nghiêm trọng nhất trong những ngày đầu năm. Mặc dù trên thực tế không có va chạm nào, không ai bị thương hay tử nạn như ở một tai nạn khác cũng liên quan tới ngôi sao showbiz (Hồ Ngọc Hà), mọi thứ chỉ liên quan tới “đcmm”, không khác lắm với những cụm từ viết tắt người ta vẫn thường viết trên mạng: cmnr, clgt... Nói tục, ở mức độ nào đó, trong tình huống cụ thể nào nó, được xem là giải stress, nhưng dùng nó thiếu kiểm soát, thì hậu quả khôn lường. Trong bản kiểm điểm viết khi bị tạm giữ, Trang Trần giải thích cô đã “uống quá nhiều rượu nên không làm chủ được bản thân”, đã “lăng mạ, chửi bới, dùng tay tát một đồng chí tự quản”. Cô ân hận và “muốn gặp các anh, các chú lực lượng phường Hàng Buồm để xin lỗi từng người”.


Trang Trần với vẻ mặt hối lỗi sau 3 ngày bị tạm giam. Ảnh: An ninh Thủ đô
“Trí như bạch tuyết”

GS Vũ Khiêu thơm má, viết câu đối tặng Hoa hậu Kỳ Duyên, hai sự việc diễn ra trong cùng một sự kiện (hoa hậu thăm nhà giáo sư chúc Tết đầu năm) ẩn chứa nhiều câu chuyện văn hóa.

Câu chuyện thứ nhất, là văn hóa xã giao. Động tới đây mới hay người Việt hình như… kém văn hóa xã giao, các tranh luận về hành động của vị giáo sư phải viện dẫn văn hóa Tây ra để phán. Từ đó cũng thấy, trong các cuộc gặp gỡ, kể cả ngoại giao, khối người Việt học cách chào chắp tay của nước bạn Thái Lan. Văn hóa xã giao chào hỏi của người Việt chủ yếu qua lời ăn tiếng nói mà không qua hành động.


“Một bức ảnh, ngàn lời nói” có thể nói lên giá trị của bức ảnh, nhưng đôi khi chỉ thể hiện thói nhiều chuyện của cộng đồng

Câu chuyện thứ hai, là văn hóa xin chữ, cho chữ. Câu đối “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc/Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” bị suy diễn theo nhiều ý khác nhau, bị phát hiện là mượn ý mượn lời trong bài thơ Thanh bình điệu của nhà thơ Lý Bạch (Trung Quốc). Và, “trí như bạch tuyết” là lời khen hay lời khen “đểu”?... Thế mới hay, chữ đẹp lời hay còn tùy văn cảnh và tùy vào người tiếp nhận.

Oscar và chiếc váy “ngọc trai giả”

Chiếc váy đính 6.000 viên ngọc trai, trị giá 150.000 USD (hơn 3 tỷ đồng) của nữ diễn viên Lupita Nyong’o bị đánh cắp hôm 24/2, một ngày sau lễ trao giải Oscar, tưởng như đã là sự việc hy hữu nhất hậu Oscar. Nhưng đến hôm 27/2, điều kỳ quặc hơn đã xảy ra, khi bọn trộm trả lại chiếc váy và còn gọi điện cho cảnh sát, phàn nàn rằng ngọc trai trên váy là giả.


Trộm đã tháo vài viên ngọc trai mang đi thử và trả lại toàn bộ những viên ngọc trai khác cùng chiếc váy

Cụ thể, sau khi tháo vài viên ngọc trai mang đi kiểm chứng thì bọn trộm được thông báo rằng đó là ngọc trai giả, ít giá trị. Chúng trả lại chiếc váy để công luận biết được “bộ mặt giả dối của Hollywood”. Hãng thiết kế Calvin Klein và nữ diễn viên Nyong’o không bình luận gì về thông tin này. Đây là một trong những chiếc váy đẹp nhất trên thảm đỏ Oscar vừa qua.

Với Nyong’o, cô từng ca ngợi chiếc váy là một tác phẩm nghệ thuật.

Khai mạc Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội

Là một trong những sự kiện chính của chuỗi hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, Liên hoan Thơ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, khai mạc hôm 2/3 tại Hà Nội, thu hút hơn 650 nhà văn, nhà thơ, dịch giả trong nước và trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đây là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam, nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh từ ngày 1-7/3, bên cạnh Liên hoan Thơ sẽ diễn ra Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13.

E-MI-LY

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm