Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM 'tầm sư học đạo' sơn mài Việt Nam để thành họa sĩ

16/06/2015 13:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bà Panpimon Suwannapongse đã làm công tác ngoại giao tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Ngay từ năm 2006, khi đang làm Tham tán công sứ Thái Lan tại Hà Nội, bà đã bị tranh sơn mài Việt Nam “hớp hồn”.

Đến nay, bà Panpimon Suwannapongse đã có 3 triển lãm tranh sơn mài tại Việt Nam. Theo bà, các triển lãm này như những “thử nghiệm” để bà đón nhận sự đánh giá của những người làm tranh sơn mài thực thụ. Bà hẹn một triển lãm rộng rãi vào tháng 8/2015 trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM.

“Tầm sư học đạo” sơn mài Việt Nam

* Thưa bà Panpimon Suwannapongse, chắc bà còn nhớ những ngày đầu đến với tranh sơn mài Việt Nam?

- Khi làm Tham tán công sứ Thái Lan tại Hà Nội, tôi đã bắt đầu học làm tranh sơn mài. Tôi mê tranh sơn mài nhờ hai phu nhân của hai ngài đại sứ Nhật và Ukraina tại Hà Nội. Hai phu nhân đã làm tranh sơn mài bằng các chất liệu Việt Nam nhưng đều thể hiện phong cách của Nhật và châu Âu.

Xem tranh của họ, tự nhiên tôi muốn làm tranh sơn mài Việt Nam để chuyển các nét văn hóa Thái Lan vào trong đó. Lâu rồi tôi không gặp lại hai vị phu nhân này, kể từ khi họ theo chồng sang công tác tại Pháp và Singapore, nên không biết họ còn làm tranh sơn mài Việt Nam nữa không. Riêng tôi, từ “buổi ban đầu lưu luyến ấy”, tôi vẫn làm tranh sơn mài cho đến nay.


Bà Panpimon Suwannapongse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM bên tác phẩm sơn mài của mình. Ảnh: Lưu Đạt

* Để làm được tranh sơn mài như hiện nay, hẳn nhiên bà cũng phải có thầy hướng dẫn. Xin hỏi bà đã “tầm sư học đạo” từ những họa sĩ nào?

- Lúc còn công tác ở Hà Nội, tôi học làm tranh sơn mài từ các thầy Trịnh Tuấn, Nguyễn Quốc Cường. Có thể nói, tôi đã học được những bước cơ bản từ hai thầy. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Hà Nội, tôi chuyển công tác sang một quốc gia khác trong 5 năm rồi quay lại làm Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM.

Sau 5 năm, niềm yêu thích làm tranh sơn mài với tôi vẫn còn rất sâu đậm. Tại TP.HCM, tôi học thêm từ các họa sĩ Đào Minh Tri, Nguyễn Xuân Việt. Hai họa sĩ này làm tranh sơn mài rất đẹp.

* Tranh sơn mài của Việt Nam có những đặc điểm gì khiến bà yêu thích đến vậy?

- Trước khi đến với tranh sơn mài Việt Nam, tôi có vẽ tranh màu nước, nhưng chính sơn mài đã cho tôi cảm giác mình vẽ tranh thực thụ. Tranh sơn mài hấp dẫn tôi vì không phải vẽ một lần là xong. Cứ làm xong một bước, tôi để đó đợi tranh khô rồi làm bước kế tiếp. Đó là quãng thời gian để tôi có thêm suy nghĩ, thêm bớt, sửa chữa cho bức tranh hoàn thiện hơn theo đúng ý tưởng của mình.

Một điều không thể thay thế đó là màu để làm sơn mài. Ở Thái Lan cũng có màu nhưng tôi thích màu của Việt Nam hơn vì làm sơn mài rất đẹp.

Thêm nữa, sơn mài Việt Nam cho phép tôi kết hợp nhiều chất liệu cũng như lồng ghép văn hóa Thái Lan trên nền kỹ thuật làm tranh đã học được.

Tôi đang hoàn thành bộ tranh 56 bức sơn mài vẽ rồng của Việt Nam, hiện đã làm được 34 bức. Đất nước Việt Nam nhìn trên bản đồ như một con rồng, tôi yêu mến Việt Nam nên muốn thực hiện bộ tranh này để triển lãm vào tháng 8 tới đây nhân dịp hai nước Việt - Thái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tôi nghĩ, các họa sĩ nên chuyển thông điệp yêu nước lên tác phẩm. Trong rất nhiều tác phẩm của tôi, tôi đưa lên những đồng xu Thái Lan cũng là cách thể hiện tình yêu với Tổ quốc của mình.

Hiểu được văn hóa sẽ giúp công việc ngoại giao trôi chảy hơn

* Ông Tira đồng hương với bà rất thích tranh của các họa sĩ Việt Nam, ông ấy sưu tập rất nhiều và có mở cả gallery ở Thái để giới thiệu tranh Việt. Xin hỏi ông Tira có sưu tập tranh của bà?

- Ông Tira được xem như một “đại sứ văn hóa” của hai nước Việt - Thái khi sưu tầm rất nhiều tranh của các họa sĩ Việt từ xưa đến nay. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng ghé thăm Gallery 333 của ông Tira tại Thái Lan. Tranh của tôi chưa nằm trong bộ sưu tập của ông Tira theo nghĩa mua bán. Tuy nhiên, tôi có tặng ông ấy một bức tranh vẽ về đạo Phật, vì đất nước chúng tôi đa phần theo Phật giáo.

* Làm nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bà đánh giá thế nào về văn hóa, nghệ thuật trong công việc của mình?

- Tuy làm Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM nhưng địa bàn hoạt động của tôi gồm 33 tỉnh, thành từ Huế trở vào. Công tác của tôi nhằm tạo quan hệ tốt đẹp giữa nước sở tại và quốc gia của mình trên nền tảng lợi ích của hai nước.

Bằng cái nhìn tích cực, tôi đi rất nhiều tỉnh thành, tôi rất xúc động vì tình cảm tốt đẹp ở những nơi tôi đến đã dành cho tôi.

Trong công tác ngoại giao, hiểu được văn hóa của nước sở tại sẽ giúp công việc trôi chảy hơn. Và thưởng thức được nghệ thuật của đất nước mà mình đang làm việc thì vô cùng thú vị.

Công chúa Thái Lan khen tranh của tôi đẹp

* Trên Facebook thấy bà hoạt động liên tục với lịch làm việc gần như kín hết thời gian. Vậy thời gian nào bà dành cho tranh sơn mài?

- Tôi thường làm tranh sơn mài vào các ngày nghỉ, cũng là cách thư giãn của tôi hàng tuần. Vì tuổi tôi cũng đã bắt đầu cao rồi, sức yếu trong khi mài tranh rất tốn sức. Trước đây, phải 4 - 5 tháng tôi mới hoàn thành xong một tác phẩm. Bây giờ tôi có một bạn sinh viên học mỹ thuật tại TP.HCM và một trợ lý phụ giúp tôi trong công đoạn mài, nên khoảng 2 tháng hoàn thành một bức tranh, lại là tranh khổ lớn.

* Bà có nghĩ mình sẽ thành họa sĩ chuyên nghiệp với dòng tranh sơn mài học được từ Việt Nam?

- Ồ, đó chính là niềm mơ ước mà tôi đã ấp ủ lâu nay. Khi về hưu tôi sẽ chính thức làm họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài.

Lâu nay, tôi làm tranh sơn mài chỉ để treo chơi. Tuy nhiên, trong lần sang TP.HCM và ghé thăm Tòa Tổng lãnh sự, Công chúa Thái Lan xem tranh của tôi và khen tranh đẹp. Lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao Thái Lan và nhiều người cũng hỏi mua tranh của tôi nữa.

 Lời khen và việc hỏi mua tranh đã tạo thêm động lực để tôi tiếp tục với tranh sơn mài Việt Nam. Về hưu tôi sẽ mở phòng tranh của mình tại Thái Lan.


Các tác phẩm sơn mài của bà Panpimon Suwannapongse

* Xin hỏi thêm bà một câu khá riêng tư liên quan đến Facebook, rằng các hoạt động của bà đều tự đưa lên Facebook?

- (Cười). Tôi có người giúp khi đăng các hoạt động của tôi lên Facebook chứ! Tôi không đủ thời gian để làm việc này. Hiện tôi đang dùng tài khoản Facebook riêng để thông tin các hoạt động của Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM. Nhiệm kỳ tới, người kế nhiệm tôi sẽ lập tài khoản Facebook của tổng lãnh sự, tất nhiên sẽ tuyển người quản lý.

Trên Facebook, tôi có kết bạn với ông Lê Mạnh Hà và một số lãnh đạo khác. Từ Facebook, tôi chia sẻ được nhiều thông tin về Việt Nam. Tôi thấy nhiều lãnh đạo của Việt Nam sử dụng Facebook như một công cụ khá phổ biến. Nhờ công cụ này, nếu tôi kết bạn với bạn trên Facebook và đăng tranh sơn mài của tôi lên, thật dễ dàng để tôi biết bạn có “like” tranh của tôi hay chưa.

Về hưu, tôi sẽ mở phòng tranh tại Thái Lan

“Trở thành họa sĩ chuyên nghiệp là niềm mơ ước mà tôi đã ấp ủ lâu nay. Khi về hưu tôi sẽ chính thức làm họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài và sẽ mở phòng tranh của mình tại Thái Lan. Lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao Thái Lan và nhiều người cũng hỏi mua tranh của tôi nữa. Lời khen và việc hỏi mua tranh đã tạo thêm động lực để tôi tiếp tục với tranh sơn mài Việt Nam.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm