10/02/2016 07:41 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Đúng 22 năm trước, trung tuần tháng 1/1994, Bryan Adams biểu diễn tại Sài Gòn đánh dấu sự trở lại chính thức đầu tiên của làn gió âm nhạc phương Tây sau nhiều thập niên vắng bóng. Cùng năm đó, bộ phim Em và Michael Jackson của Phước Sang đại thắng với 8 tỷ đồng doanh thu, giới thiệu khán giả gương mặt lần đầu xuất hiện: Trương Ngọc Ánh, Huỳnh Anh Tuấn, Lê Công Tuấn Anh và… Michael Jackson.
Sau Michael Jackson, và còn rất nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ không còn chứng kiến thêm một nhân vật nào khác nhận được sự tiếc nuối tương tự, và khó lòng tương xứng với tầm vóc của họ, kể cả khi đó là một nghệ sĩ Việt như nhạc sĩ Phạm Duy, huống hồ một nghệ sĩ quốc tế dường như luôn “xa lạ” như David Bowie.
Anh hùng vô danh
Truyền thông trong nước đã làm theo cách tốt nhất, ở khâu lặp lại, một cách vô hồn, những từ ngữ trống rỗng về David Bowie, như: huyền thoại, ngôi sao nhạc rock, biểu tượng… bất chấp việc David Bowie chưa bao giờ là cái tên quen thuộc của người Việt hiện tại.
Nhưng David Bowie, nếu quan sát đủ, chưa bao giờ biệt tích trong cái văn hóa thưởng thức ít ỏi trong 2 thập kỷ qua tại Việt Nam. Không tính đến những kinh nghiệm tiếp xúc đậm cá nhân vốn thường thấy không thể nào ghi chép trọn vẹn, Bowie đã hòa vào dòng văn hóa đại chúng có thể khả dĩ thưởng thức ở những góc thực ra rất quen thuộc.
Với những rock fan thời thập niên 1990, thời của thiếu thốn bộn bề những tư liệu âm nhạc quốc tế, thì một VCD buổi diễn tưởng niệm 1 năm ngày mất Freddie Mercury nhóm Queen trước 72.000 khán giả tại sân Wembley, đã là một niềm vui tận cùng. Rất nhiều người không thể nào quên buổi biểu diễn ấy, không thể quên khoảnh khắc David Bowie xuất hiện trong bộ cánh xanh lá, tóc vàng đã hát Under Pressure xuất thần như thế nào. Ai cũng nghĩ bài hát này là sáng tác của một mình Queen nhưng phải đến lúc ấy mới biết đồng tác giả của nó còn có thêm David Bowie.
Trong chuỗi chương trình Giai điệu bốn phương của gần 2 thập niên trước, với lượng video clip eo hẹp của Đài truyền hình TP.HCM được lặp đi lặp lại thì cứ đến dịp Giáng sinh là công chúng lại tiếp tục được thưởng thức lại bài hát bất hủ, A Little Drummer Boy, bản thu năm 1977 với phần trình diễn của giọng ca vàng Bing Crosby và… David Bowie.
Trước khi nhóm Helloween rần rần tại Việt Nam với bài hát Forever And One, thì trước đó giới nghe rock Việt đã biết tới nhóm này từ lâu, đặc biệt là album Metal Jukebox, trong đó họ hát bài Space Oddity không thể thuyết phục hơn. Space Oddity chính là sáng tác của David Bowie từ năm 1969, trước cả khi tàu Apollo 11 đổ bộ lên mặt trăng.
Heroes, một sáng tác đình đám khác đồng sáng tác giữa David Bowie với những bậc kỳ tài như Brian Eno và Robert Fripp (nhóm King Crimson) cũng nằm trong danh mục các sáng tác được cover bởi Hồ Quang Hưng và nhóm nhạc Little Wings của anh tại hầu hết các quán bar nhạc sống tại TP.HCM.
Những fan cuồng của nhóm Nirvana tại Việt Nam từng mê đắm The Man Who Sold The World do Kurt Cobain thể hiện, đến một ngày cũng phát hiện ra, bài hát này là của David Bowie sáng tác từ năm 1970.
Năm 2014 tại Hội An, đoàn Hợp xướng nam Thái Bình Dương, từng đoạt giải Grammy năm 2004, trong lần công diễn tại Việt Nam cũng trình diễn lại The Man Who Sold The World.
Rải rác ở các chương trình phát thanh ở vào thời điểm trước Internet, các giai điệu của Starman, Changes… đôi khi cũng vang lên, từ sự tri nhận quý giá ít ỏi của một thiểu số người dẫn chương trình.
Và như thế, David Bowie không đến nỗi quá hiếm hoi tại Việt Nam nhưng một tượng đài như ông, tại Việt Nam, cũng chỉ là một anh hùng vô danh mà thôi.
Tát nước hay dẫn nước văn hóa âm nhạc?
Vì sao những tượng đài như David Bowie vẫn nằm “ở dưới” trong việc thưởng thức và quan tâm của công chúng Việt thì chắc chắn đó không phải là lỗi của ông, hoặc ông không thể nổi như Michael Jackson tại Việt Nam.
Người Việt chỉ nhắc đồng loạt đến David Bowie sau khi ông qua đời. Những cái tên từ “bên dưới” khối văn hóa âm nhạc nói riêng được truyền thông Việt “tát” lên một cách thụ động, là khi một nghệ sĩ gạo cội nào đó qua đời và được quốc tế nhất loạt thông tin. Có nhiều cách để lý giải điều này.
Khác với điện ảnh, ở đó thị phần và doanh thu đã có, hệ thống xuất bản lẫn mạng lưới truyền thông phục vụ hoạt động tích cực cho các tác phẩm trong lẫn ngoài nước được xuất bản, xuất hiện trên mặt báo đều đặn thì những gì xảy ra với âm nhạc tại Việt Nam hầu như không có gì thay đổi.
Người Việt có đóng góp cực kỳ khiêm tốn vào doanh số đĩa bán ra của một nghệ sĩ trong và ngoài nước, vào vé thưởng thức các liveshow và một lối mòn trong thưởng thức quấn lấy người nghe lẫn người sáng tạo, quấn luôn cả truyền thông.
Khi điện ảnh và truyền hình thực tế tạo chỗ đứng riêng trong bức tranh truyền thông, khi sách vẫn đều đặn mở rộng, thậm chí sang góp vốn cộng đồng thì âm nhạc vẫn vò võ trong cột giải trí, văn hóa của các tờ báo lớn nhỏ, chờ hồi chuông báo tử.
Trong khi đó, và trong giai đoạn địa chính trị và xã hội Internet phân hóa phức tạp, và tự do Internet đang lớn dần, chưa bao giờ các giải thưởng văn hóa nhuốm mùi tiêu thụ nặng nề trở nên phù phiếm như trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
Qua cơn bão EDM, các nhà tổ chức chuyển hướng sang Rock với vô số tín hiệu ngay từ đầu năm, nhưng vẫn bằng một thông điệp và tư duy quá lỗi thời: chương trình theo chủ đề bao quát lỏng lẻo, áp đảo các ban nhạc trong nước khi hầu như không một sáng tác mới trong nhiều năm qua, và nửa vời sáng tạo khi ghép sân và khán giả với các dòng nhạc khác.
Họ, như chính các nghệ sĩ và như chính truyền thông, dường như quên mất sự kết dính hữu cơ của một cộng đồng thưởng thức cần lắm một đầu tàu đủ khác biệt, và bản lĩnh. Hay nôm na hơn, một chiếc tàu ngầm để ngụp lặn trong bầu văn hóa hiện có, để những kẻ sinh ra trên bờ quen thuộc hơn, nhưng cũng đủ to để sự chật hẹp bên trong không khiến thủy thủ đoàn chóng ngợp. Văn hóa tầm gửi thương hiệu, nếu so với nước, không hơn gì một bình nước đóng chai, đắt gấp 20 lần giá thực nhưng lại cực kỳ kém hiệu quả.
Và việc “thương hiệu” lấn át nội dung, quyết định luôn cả sự xuất hiện của những nhân vật của nó sẽ dẫn đến việc đẩy những người David Bowie hay những nghệ sỹ thực tài nhưng kém tiếng, xuống dưới, tại Việt Nam.
David Bowie là một tượng đài không chỉ về âm nhạc, mà là nghệ thuật. Black Star, là album cuối cùng của ông, vẫn cho thấy sự sáng tạo của ông vào lúc cuối đời, một biệt khúc quá thừa mứa nghệ thuật ứa ra từ bộ não ngập tràn những ảnh hưởng từ quá trình tiếp thu văn hóa như thể lẽ sống duy nhất.
Và trong hai tuần qua, những gì về David Bowie mà chúng ta có được, có thể ví như những khai quật ít ỏi của những cá nhân đơn lẻ đang ngụp lặn trong chiếc mặt nạ oxy: đứt quãng và quá ít ỏi. Những cá nhân, quá mê đắm với cái họ tìm ra, ngỡ rằng những gì họ tìm thấy ở Bowie là thứ duy nhất thuộc về bên dưới. Nhưng họ đâu biết rằng, “bên dưới” vẫn còn quá nhiều điều cần phải được trồi lên một cách công bằng.
Dẫu sao, chúng ta còn hy vọng cho sự phát triển và sinh sôi của văn hóa nội tại chừng nào nhiều, rất nhiều những cỗ máy lặn văn hóa khác được sinh ra và được cấp phép hoạt động từ chính những người sống bên trên.
Bất kể là ai, làm gì.
Du Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất