Sách quý nhờ chữ ký...

22/02/2014 11:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Chơi sách cổ/cũ từ lâu đã trở thành thú vui của nhiều người. Rất nhiều cuốn sách cổ có giá trị nhờ lớp bụi thời gian phủ lên nó. Tuy nhiên, những bản sách cũ càng tăng giá nếu có thêm chữ ký, bút tích của tác giả hoặc của những người danh tiếng.

Những cuốn sách có một không hai

Đầu năm ngoái, Công ty sách Nhã Nam có buổi giao lưu và đấu giá sách cũ tại tư quán của đơn vị này tại TP.HCM. Tại buổi đấu giá sách này, tác phẩm bút ký Sông Đà của Nguyễn Tuân được NXB Tác Phẩm Mới (nay là NXB Hội Nhà văn) in năm 1978 được một bạn đọc “đấu” đến 4 triệu đồng trong khi giá khởi điểm chỉ có 150 ngàn đồng. Sông Đà có chữ ký của Nguyễn Tuân trở thành cuốn sách cũ được bán nhiều tiền nhất trong phiên đấu giá hôm đó.


Bút tích của tiến sĩ văn chương Thanh Lãng tặng cụ Á Nam Trần Tuấn Khải

Sông Đà của Nguyễn Tuân được trả giá cao như vậy nhờ vào danh tiếng của tác phẩm kèm với chữ ký của tác giả. Tuy nhiên, một nhà sưu tập sách cho TT&VH biết, ông còn có một bản sách “rất độc” của Nguyễn Tuân với bút tích có một không hai. Cuốn sách mà nhà sưu tập này đề cập chính là cuốn Ký Nguyễn Tuân do NXB Văn học in năm 1986 nằm trong tủ sách “Văn học hiện đại Việt Nam”.

Ký Nguyễn Tuân có bút tích tác giả, như sau: “Tặng anh Hồ Quang Minh. Nguyễn Tuân. Hà Nội, mai là Đại hội Đ VI. 14 XII 1986”. Tìm hiểu chúng tôi biết được, nhân vật Hồ Quang Minh được Nguyễn Tuân tặng sách làm nghề đạo diễn. Hồ Quang Minh là đạo diễn Việt kiều có nhiều phim nổi tiếng, như Con thú tật nguyền, Bụi hồng, Thời xa vắng… Thời gian Nguyễn Tuân tặng Ký Nguyễn Tuân cho vị đạo diễn này trước ngày Đại hội Đảng lần thứ 6 là một ngày. Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy cột mốc ngày Đại hội Đảng để ghi dấu lên cuốn sách mà ông tặng bạn. Với cuốn sách Ký Nguyễn Tuân so với cuốn Sông Đà chỉ trơ trọi một chữ ký tác giả, thử hỏi cuốn nào quý hơn?

Nhà sưu tập sách này sưu tầm rất nhiều cuốn sách có chữ ký, bút tích của tác giả hoặc người nổi tiếng. Trong bộ sưu tập có rất nhiều cuốn sách quý với bút tích của các nhân vật tiếng tăm không dễ gì tìm được bản thứ hai. Chẳng hạn như cuốn Abrégé de Grammaire Annamite của nhà bác học Trương Vĩnh Ký in tại Sài Gòn năm 1867. Cuốn sách này được Trương Vĩnh Ký soạn về cách viết chữ Quốc ngữ với nhiều ví dụ sinh động bằng tục ngữ, ca dao Việt Nam. Giá trị học thuật và giá trị thời gian của Abrégé de Grammaire Annamite bản in năm 1867 là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, Abrégé de Grammaire Annamite còn tăng thêm giá trị khi có bút tích của một luật gia nổi tiếng của miền Nam trước 1975.


Bút tích của nhà văn Nguyễn Tuân tặng đạo diễn Hồ Quang Minh trên cuốn Ký Nguyễn Tuân

Theo những gì thể hiện trên trang lót sau bìa sách Abrégé de Grammaire Annamite, cuốn sách này được người sở hữu tìm thấy ở Paris năm 1967, tức 100 năm sau ngày sách được in. Người sở hữu cuốn sách chính là luật gia Vũ Văn Mẫu (1914 - 1998), ông từng làm Bộ trưởng Ngoại giao thời chính quyền Ngô Đình Diệm và là thủ tướng trong nội các Tổng thống Dương Văn Minh trước khi ra đầu hàng chính quyền cách mạng ngày 30/4/1975. Bút tích trên cuốn Abrégé de Grammaire Annamite được luật gia Vũ Văn Mẫu ghi: “Thân tặng anh Trương Vĩnh Lễ, để lưu niệm công trình một bậc bác học tiền bối trứ danh. Sài Gòn 20-06-1970” kèm chữ ký và con dấu “Luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn – Vũ Văn Mẫu Luật khoa Thạc sĩ”. Từ bút tích của luật gia Vũ Văn Mẫu, có thể hiểu rằng cuốn Abrégé de Grammaire Annamite in tại Sài Gòn năm 1867 được ông tìm thấy ở Paris vào năm 1967 và tặng lại cho ông Trương Vĩnh Lễ - người bà con của Trương Vĩnh Ký vào năm 1970.

Một cuốn sách khác sẽ rất ấn tượng với giới sưu tập sách là Mémoires (hồi ký) của Franz von Papen xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris. Cuốn hồi ký này được Franz von Papen tặng Lam Le - Trinh (Lâm Lệ Trinh) với bút tích và chữ ký của ông. Franz von Papen từng là Thủ tướng nước Đức tiền nhiệm của trùm phát xít Hitler. Giá trị của cuốn sách này sẽ giúp những nhà nghiên cứu sử học biết thêm giai đoạn Hitler lên cầm quyền tại Đức. Tuy nhiên, Lam Le - Trinh là ai thì ngay cả nhà sưu tập được cuốn sách này cũng không rõ, chỉ đoán rằng đây là nhân vật từng làm đại sứ của miền Nam Việt Nam tại Pháp thời chính quyền Bảo Đại.

Những chữ ký bị… thất lạc

Hầu hết các cuốn sách có chữ ký của tác giả được nhà sưu tập này săn tìm đều là những cuốn có chữ ký, bút tích của “văn nhân tặng cho văn nhân”. Việc các nhà văn, nhà thơ tặng sách cho nhau là hết sức bình thường. Và việc những cuốn sách đó bị thất lạc, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, mang theo chữ ký của bạn văn cũng hết sức bình thường. Rất may, các cuốn sách có chữ ký của tác giả đã được sưu tập chứ không trở thành… giấy vụn.


Bút tích của luật gia Vũ Văn Mẫu trên cuốn sách cổ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Trong các cuốn sách bạn văn tặng cho nhau mà nhà sưu tập này tìm được, có thể kể: cuốn Tuổi già (NXB Văn học) của ông già Sơn Nam ký tặng nữ sĩ Hiền Phương tại một trại sáng tác năm 1997; cuốn Hai mươi năm sau (NXB Văn nghệ TP.HCM) của Trần Thế Tuyển tặng Triệu Xuân vào tháng 11/1994; tập thơ Bụi (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Duy tặng họa sĩ Xuân Doãn vào năm 1997; tập thơ Những vầng trăng chỉ mọc một mình (NXB Trẻ) của Phạm Thị Ngọc Liên tặng Trương Huy San (nhà báo Huy Đức) năm 1989; tập truyện Đời có tên tụi mình (NXB Thuận Hóa) của Võ Phi Hùng tặng Phạm Thị Ngọc Liên năm 1992; tập thơ Thời gian huyền thoại (NXB Thanh Niên) của Thái Thăng Long tặng Lê Thị Kim năm 2000… Rất nhiều cuốn sách có chữ ký của các văn nhân bị thất lạc đã được nhà sưu tập này lưu giữ.

Chữ ký, bút tích của tác giả trên cuốn sách không chỉ lưu dấu sự “kỷ niệm” mà còn mang nhiều thông tin bổ ích với người chơi sách. Chẳng hạn, cuốn Văn chương Nam bộ và cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1950 của Nguyễn Văn Sâm do NXB Lửa Thiêng ấn hành năm 1972 tại Sài Gòn được tác giả tặng cho cụ Vương Hồng Sển. Bút tích của Nguyễn Văn Sâm thể hiện sự kính trọng với cụ Vương: “Bản kính tặng thầy Học giả Vương Hồng Sển với lòng mến trọng”. Học giả Vương Hồng Sển tiếp nhận cuốn sách này và đóng dấu hình bầu dục “Vương Hồng Sển Sóc Trăng” đồng thời ký tên mình ngay mộc đỏ để lưu vào tủ sách gia đình. Điều này chứng tỏ người tặng và người được tặng rất trân trọng cuốn sách và trân trọng nhau.

Bút tích, chữ ký của tác giả còn mang thông tin ngắn gọn về đời sống một thời của người cầm bút. Người yêu văn chương Việt đều biết cụ Á Nam Trần Tuấn Khải với các câu trở thành ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương…”. Vậy cụ Á Nam từng sống như thế nào? Thì đây, trong cuốn Khởi thảo Văn học sử Việt Nam Văn chương bình dân in lần thứ hai, tác giả Thanh Lãng viết: “Kính tặng Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Đây cảnh cây nhà lá vườn mà các bậc quân tử Đông Phương cảm mộ. Tại biệt thự tư của cụ tại Bình Thới. Ngày 19/9/58”. Tác giả Thanh Lãng là tiến sĩ văn chương từng giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Căn cứ theo bút tích của Thanh Lãng, có thể đoán biết cụ Á Nam Trần Tuấn Khải từng sống trong “biệt thự tư”.

Đến đây, hẳn nhiều người thắc mắc, những cuốn sách quý có chữ ký, bút tích nêu trên thuộc sở hữu của nhà sưu tập nào? Dù nhà sưu tập không muốn lộ danh tính nhưng chúng tôi nghĩ cần phải ghi ra: các cuốn sách vừa nêu đang thuộc bộ sưu tập của nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa - Chủ biên báo Tuổi trẻ cười.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm