Nhìn lại những bê bối trong lịch sử Eurovision

20/04/2017 07:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 6 thập kỷ tồn tại, cuộc thi Eurovision đã để lại hàng loạt bê bối - mà mới nhất là việc Nga bị “cấm” tham gia Eurovision 2017.

Cụ thể, ngày 4/4, trang web của cuộc thi cho biết: Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko đã ra lệnh cấm ca sĩ Yulia Samoylova, thí sinh của Nga, nhập cảnh vào đất nước này để dự thi.

Bê bối này liên quan tới những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhưng, trường hợp này không phải là ngoại lệ, nếu chúng ta nhìn lại lịch sử 61 năm của cuộc thi này.

Năm 1956: Cuộc thi Eurovision đầu tiên, lúc đó được gọi là “Grand Prix Eurovision de la Chanson”, được tổ chức ở Lugano, Thụy Sĩ. Nước chủ nhà đã giành chiến thắng, với màn thi của ca sĩ Lys Assia.

Tuy nhiên, có thông tin rằng do Luxembourg kẹt tiền nên không thể đưa ban giám khảo tới Lugano và đề nghị ban giám khảo của Thụy Sĩ bỏ phiếu nhân danh đại công quốc này. Thay đổi này gây ra sự thiếu công bằng trong tỷ lệ phiếu.

Năm 1957: Thí sinh Đan Mạch Birthe Wilke và Gustav Winckler đã cho khán giả truyền hình chứng kiến nụ hôn dài 11 giây của họ. Thời điểm đó, chuyện này bị coi là một scandal.


Trường hợp thí sinh Yulia Samoylova là bê bối gần nhất của Eurovision

Năm 1968: Sau cuộc thi, có thông tin rằng nhà độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco đã hối lộ các giám khảo cuộc thi với hy vọng chiến thắng cho Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy hình ảnh quốc gia này. Tin đồn này không bao giờ được kiểm chứng.

Năm 1978: Không chấp nhận Israel tham gia cuộc thi, các hãng truyền thông ở khối A Rập đã chuyển sang quảng cáo ở mỗi thí sinh Israel xuất hiện trên màn hình.

Việc này trở nên phức tạp hơn khi Israel dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu bình chọn. Và khi thí sinh nước này giành chiến thắng, truyền thông Jordan tuyên bố rằng... thí sinh của nước Bỉ mới là người về nhất. Năm 1986: Ca sĩ giành chiến thắng là Sandra Kim. Thí sinh 13 tuổi này là người thắng cuộc trẻ tuổi nhất trong lịch sử Eurovision. Tuy nhiên, nhà quản lý của cô bé đã tuyên bố là Kim 15 tuổi. Sau vụ việc này, mức tuổi tối thiểu của thí sinh tham gia dự thi Eurovision được quy định là 16.

Năm 1998: Mọi con mắt đều hướng tới thí sinh Dana International của Israel. Có điều, cô là một nữ ca sĩ chuyển giới. Đối với người Do Thái chính thống, đây là một sự sỉ nhục. Rốt cuộc, Dana không chỉ dự thi mà cô còn giành chiến thắng.

Năm 2009: BBC đưa tin, ở Azerbaijan công chúng bình chọn cho Armenia (trong bối cảnh đang diễn ra cuộc xung đột giữa Georgia và Nga) đã bị giới chức nước này thẩm vấn. Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động đã tiết lộ sự bình chọn của họ. Sau cuộc điều tra của Liên minh Truyền thông châu Âu (EBU), luật mới đã được ban hành nhằm cấm các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động tiết lộ việc bỏ phiếu hoặc thông tin cá nhân của khách hàng.

Chiến thắng tranh cãi nhất lịch sử Eurovision của ca sĩ Ukraine

Chiến thắng tranh cãi nhất lịch sử Eurovision của ca sĩ Ukraine

Nữ ca sĩ Jamala của Ukraine vừa bất ngờ giành chiến thắng tại Eurovision năm nay với ca khúc 1944. Đây là một trong những chiến thắng gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử giải này.


Năm 2010: Moskva (Nga) là thành phố đăng cai cuộc thi Eurovision. Nhằm làm sạch đẹp thành phố để phục vụ du khách trong thời gian diễn ra cuộc thi, chính quyền thành phố Moskva đã nhốt rất nhiều chó mèo hoang trên các đường phố.

Năm 2014: Khi thí sinh Nga thể hiện phần thi, khán giả đã la ó tới 10 giây. Song đó không phải là sự phản đối màn biểu diễn, mà là thái độ về vấn đề sáp nhập Crimea vào Nga.  

Năm 2016: Ca sĩ Armenia Iveta Mukuchyan đã bị khiển trách khi vẫy cờ Nagorno Karabakh trước camera trong vòng bán kết. Thời điểm đó, Nagorno Karabakh đang là vùng tranh chấp giữa Armenia và Azerbeijan. Hành động này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc của Eurovision, cấm tuyên bố chính trị trong cuộc thi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều khi việc áp dụng quy tắc đó không rõ ràng.

Năm 2017: Thí sinh Nga Yulia Samoylova bị cấm tham gia cuộc thi. Lý do là năm 2015, cô đã trình diễn ở Crimea sau khi tới vùng tranh chấp này qua Nga chứ không phải Ukraine. Do vậy, Ukraine đã ban hành lệnh cấm cô nhập cảnh.

Hôm 23/3, Ingrid Deltenre, Tổng Giám đốc EBU, đã gửi thư phản đối Thủ tướng Ukraine, lên án lệnh cấm này và chính trị hóa cuộc thi Eurovision.Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫn giữ nguyên quyết định. Hiện có nhiều tin đồn rằng nhiều nước sẽ tẩy chay Eurovision lần thứ 62. 

Một trong những sự kiện “hot” nhất thế giới

Eurovision là cuộc thi ca khúc được tổ chức luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên Liên hiệp Truyền thông châu Âu (European Broadcasting Union - EBU). Nước chiến thắng cuộc thi lần trước sẽ giành quyền đăng cai cuộc thi kế tiếp, thường là vào tháng 5.

Đây là một trong những chương trình truyền hình lâu đời và cũng là một trong những sự kiện giải trí được xem nhiều nhất trên thế giới, với số khán giả theo dõi trực tiếp trong những năm gần đây là từ 100 triệu và 600 triệu trên toàn cầu.

Vòng chung kết cuộc thi năm nay sẽ diễn ra vào ngày 13/5 tại Kiev (Ukraine) với sự tham dự của thí sinh đến từ 42 nước. Dự kiến, sẽ có ít nhất 200 triệu khán giả truyền hình theo dõi cuộc thi này.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm