09/04/2015 13:12 GMT+7 | Âm nhạc
Một cuộc điện thoại
... của vụ trưởng phụ trách biểu diễn chấm dứt mọi phỏng đoán lẫn đồn thổi: Drechsel được biệt phái làm phiên dịch, hướng dẫn du lịch và MC cho chuyến biểu diễn đầu tiên và duy nhất của Louis Armstrong và ban nhạc jazz All Star ở Đông Đức. Drechsel ngày ấy được coi là chuyên gia jazz số 1 trong nước, điều đó tuy có lợi cho công tác nhưng cũng đem lại ít nhiều phiền toái trong thời kỳ bài bác văn hóa phương Tây.
Hôm nay nhớ lại, ông chỉ mỉm cười khi ví nghề mình với nghiên cứu thiên văn học: suốt ngày ngắm trăng sao nhưng chẳng bao giờ được chạm tới đối tượng nghiên cứu. Drechsel không có mong muốn gì hơn là được bay sang New Orleans, cái nôi của jazz, hay được nhấm nháp ngụm bia trong một câu lạc bộ jazz giữa New York, song tất cả chỉ là bong bóng xà phòng. Vậy mà bây giờ ông sắp được sống cả một tuần bên cạnh thần tượng vĩ đại nhất của mình?
Quả thật chuyến công vụ mà Drechsel được giao hồi tháng 2/1965 không phải chuyện hão, cho dù khó tin. Ngày ấy không thể mua được đĩa hát nhạc jazz trong cửa hàng, nói gì đến biểu diễn nhạc sống.
Ngôi sao jazz đặt chân xuống phi trường Đông Berlin hôm 19/3/1965 trong vòng vây đông đảo của phóng viên hai phe. Cuộc họp báo sau đó cho thấy một nỗ lực từ cả hai phía: Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các cuộc trao đổi nghệ sĩ nhằm giải tỏa không khí thù nghịch, và phe Đông Âu cũng muốn thể hiện sự cởi mở về văn hóa, đồng thời củng cố hình ảnh chính trị văn hóa của mình.
Trong vòng 8 ngày
... Armstrong và ban nhạc lên sân khấu 17 lần, tại các sân khấu hoành tráng nhất hồi đó, từ Berlin qua Leipzig, Magdeburg, Erfurt đến Schwerin. Một số thành phố không được may mắn vì hợp đồng đòi các rạp với trên 3.000 ghế, do đó đôi khi phải dùng đến các phòng thi đấu thể thao. Con số 60.000 khán giả cho thấy đó là chuyến lưu diễn thành công nhất trong năm, chỉ thua cuộc ra mắt của Nhà hát Bolshoi từ Moskva.
Có lẽ rất thú vị khi ngó vào hậu trường. Ở thời điểm đó, Chính phủ Mỹ đã trả tiền cho Armstrong đến biểu diễn ở Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria, Nam Tư như một đại sứ hòa bình đến từ Mỹ. Riêng Đông Đức không hề muốn nhận tiền tài trợ mà dự định trả tiền công cho các nghệ sĩ Mỹ. Cuộc thương thảo về ngoại lệ này được tiến hành thông qua Công ty Tổ chức biểu diễn Schmid Productions của Thụy Sĩ. Giám đốc Werner Schmid liên lạc với Joe Glaser, người đại diện Armstrong, đồng thời là cựu nhân viên thân tín của trùm mafia Al Capone! Nhân thể kể thêm Al Capone là một nhân vật khét tiếng hồi thập niên 1920-1930, nắm trong tay các sòng bạc và nhà thổ lớn nhất Chicago, cũng là tác giả của khái niệm “rửa tiền“ thông dụng hôm nay, vì hắn hợp pháp hóa các thu nhập bẩn qua mang lưới tiệm giặt hợp pháp - lẽ ra phải gọi là “giặt tiền“ mới chính xác.
Là MC kiêm phiên dịch
... nên Drechsel luôn theo chân Armstrong, cả những dịp ít dễ chịu: ví dụ ở Leipzig đột ngột Armstrong đau răng dữ dội. Nha sĩ nào được gọi tới cũng bị bác sĩ riêng của Armstrong săm soi rồi từ chối. Bác sĩ này có biệt hiệu “bác sĩ đạn“ vì đã từng lôi ra trong người Al Capone nhiều đầu đạn! Thần tượng jazz sau tối biểu diễn phải cấp tốc bay về Berlin điều trị. Ngày ấy không có đường bay Leipzig - Berlin, thế là cả nhóm phải ngồi giữa đám bao tải bưu kiện của máy bay bưu điện. Giữa chừng có bão, và cả ban nhạc nôn mửa gần chết.
Trên các chuyến di chuyển bằng xe bus, Armstrong tâm sự với Drechsel về thời thơ ấu của mình cũng như các ký ức đau xót từ bầu không khí kỳ thị da màu ở Mỹ. “Tôi luôn được coi như một bác Tom phải làm trò tiêu khiển cho các chủ da trắng“, ông nói. Như Drechsel kể lại, Armstrong là người vô tư và có phần ngây thơ, nhưng ông ý thức rõ vị thế nạn nhân của mình. Và thế là Drechsel được chứng kiến một cảnh khó chịu: trên đường đi Magdeburg xe bus chết máy, cả đoàn phải ghé vào một quán cạnh đường. Học sinh một trường gần đó phát hiện ra huyền thoại jazz và nhao nhao vào xin chữ ký. Khi xe sửa xong và Armstrong vẫn kiên nhẫn ký tặng, một nhân viên của ban quản lý tour gào lên: “Bỏ ngay trò ký tá đi, lên xe, đi tiếp không muộn“! Có lẽ gã nhìn trong Armstrong như một cỗ máy in tiền hơn là một nghệ sĩ. Ban quản lý là người chọn bài hát cho từng buổi biểu diễn, thứ tự bài, mua nhà cho Armstrong và quản lý cả các khoản đầu tư - vậy thì cũng có quyền quát tháo!
Hai năm sau
... Drechsel mới ngộ ra rằng chuyến lưu diễn Đông Đức đã để lại cho Armstrong nhiều ký ức sâu nặng, mà đôi khi chỉ là vài chi tiết vụn vặt. Ví dụ như Armstrong không phải trả tiền chữa răng vì bảo hiểm y tế ở Đông Đức miễn phí cho mọi người, kể cả khách du lịch (“Ở Mỹ có lẽ tôi phải trả cả nghìn USD“). Tháng 4/1967 trong thùng thư của Drechsel có một phong thư dày, 8 trang viết tay, của Armstrong. “Chắc chắn ông cho rằng tôi đã quên ông. Không phải đâu". Ngôi sao jazz cảm ơn lần nữa cho sự chu đáo của Drechsel suốt một tuần Đông Đức. Và ông không ngoại giao. “Ông là một trong những MC tốt nhất mà tôi từng có - chưa bao giờ trên sân khấu người ta giới thiệu từng nhạc công như ông, điều đó cho tôi thấy, không có họ thì tôi chẳng làm được trò trống gì". Armstrong hy vọng được gặp lại Drechsel.
Tháng 5/1983 Drechsel mới qua Mỹ lần đầu. 6 năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng lúc đó Armstrong đã qua đời 12 năm...
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất