Cuộc đời bi thảm của Oscar Wilde qua triển lãm lớn đầu tiên ở Paris

30/09/2016 15:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn một thế kỷ, cuối cùng nước Pháp đã thừa nhận tầm quan trọng của Oscar Wilde, nhà văn kiêm nhà soạn kịch Ireland nổi tiếng đã qua đời trong tình trạng không xu dính túi trong một khách sạn cũ nát, bẩn thỉu ở Paris, với triển lãm lớn tôn vinh ông.

Triển lãm lớn đầu tiên tôn vinh Wilde đã khai mạc ở Petit Palais, Paris, hôm 28/9, trong đó trưng bày nhiều kỷ vật chưa hề được trưng bày trước công chúng. Những kỷ vật này được các nhà giám tuyển triển lãm mượn từ bộ sưu tập của Omer Koc, chuyên gia về Oscar Wilde người Thổ Nhĩ Kỳ.

Phải lao động khổ sai vì mối tình đồng giới

Đến với triển lãm, khách tham quan có thể hiểu được thêm về cái chết bi thảm của ông ở Paris, tình trạng bị lưu đày và thất sủng khi mới 46 tuổi.

Wilde chạy trốn tới Paris hồi năm 1897 khi bị truy đuổi ở Anh sau khi đã phải ngồi tù 2 năm và lao động khổ sai vì mối tình đồng giới với nhà thơ, dịch giả Anh Alfred Douglas.

Merlin Holland, cháu trai của Wilde, người đã hỗ trợ tổ chức triển lãm, nói ông vẫn cảm thấy rất khó khăn khi đọc những bức thư được Wilde viết trên những trang giấy màu xanh trong tù, nơi nhà văn đã phải quỳ gối để cầu xin được khoan hồng.

"Phải nói rằng Wilde đã phải chịu đựng một dạng khủng khiếp nhất của chứng cuồng dâm và nó đã khiến ông trở thành con mồi của những đam mê ghê tởm nhất và những bức thư cho thấy ông từng tuyệt vọng như thế nào" - Holland nói với AFP.


Nhà biên kịch, nhà văn Oscar Wilde và người tình đồng giới Alfred Douglas

Năm 1884, Wilde kết hôn với Constance Lloyd và có hai con trai, Cyril và Vyvyan. Năm 1886, ông gặp Robert Ross, người sau này trở thành người tình và thẩm định tác phẩm của ông. Năm 1890, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết duy nhất Of The Picture Of Dorian Gray. Từ năm 1891 đến năm 1895, Wilde đã cho ra đời một loạt vở kịch gặt hái thành công vang dội, gồm Lady Windermere's Fan, A Women of No Importance, An Ideal Husband and The Importance of Being Earnest.

Tuy nhiên, trong thời gian đó Wilde đã gặp nhiều rắc rối khi bắt đầu mối quan hệ đồng giới với Alfred Douglas. Hai người yêu nhau say đắm và sống cuộc đời buông thả, không giấu giếm quan hệ đồng tính của họ. Cha của Alfred là John Sholto Douglas, Hầu tước Queensberry, không chấp nhận mối quan hệ này và nhiều lần gây sự với Wilde. Việc này dẫn đến vụ tai tiếng Queensberry và một vụ kiện.

Triển lãm còn gồm cả tấm danh thiếp viết nguệch ngoạc, sai chính tả mà cha Douglas, nhà quý tộc nóng nảy, Hầu tước Queensberry đã để lại trước cổng câu lạc bộ Arbemerle: "Dành cho kẻ kê gian Oscar Wilde" (kê gian là thuật ngữ trong Kitô giáo chỉ tội lỗi của hành vi tình dục qua đường hậu môn).

Tấm thiệp này đã khiến cho cuộc đời của Wilde điêu đứng. Nhà biên kịch đã kiện hầu tước Queensberry với cáo buộc phỉ báng, song đã thua kiện.

"Một người đàn ông không thể quá cẩn trọng trong việc lựa chọn kẻ thù của mình" - Wilde từng viết.

Và Hầu tước Queensberry là một đối thủ xấu xa. Ông ta đã kiện lại Wilde theo đạo luật chống đồng tính luyến ái năm 1885 và thuê một nhóm thám tử tư rà khắp thế giới ngầm ở London nhằm tìm ra chứng cứ trụy lạc của nhà văn và Edward Carson, bạn học cùng trường với Wilde tại trường Đại học Dublin chính là luật sư đã xét xử ông tại tòa.

Cuộc đời xuống dốc

Wilde ở trên đỉnh cao danh vọng với kiệt tác The Important of Being Earnest. Các màn diễn của vở kịch này ở London luôn chật kín khán giả. Nhưng lập tức sau đó, sự nghiệp và cuộc đời ông xuống dốc bi thảm.

"Thật khó hình dung Wilde đã bị xã hội loại bỏ như thế nào. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã trở thành một tiện dân" - Holland nói.

Ngôi mộ của Oscar Wilde bị...

Ngôi mộ của Oscar Wilde bị... "cưỡng hôn"

Nhiều năm qua, bề mặt ngôi mộ của Oscar Wilde tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris (Pháp) đã bị ăn mòn và xấu đi bởi son môi của người hâm mộ.


Wilde rời tòa án cùng lệnh bắt giữ với cáo buộc kê gian và có hành động không hợp với khuôn phép, bẩn thỉu, kèm theo đó tòa án còn tịch thu tất cả những gì thuộc sở hữu của ông, trong đó có cả tác phẩm Moorish and Oriental curiosities.

Sau khi trốn sang Pháp, Wilde đã viết tác phẩm Ballad of Reading Gaol với bút danh là số hiệu tù nhân của mình, C33.

"Phải đến lần xuất bản thứ 5, các nhà xuất bản mới dám đưa tên của Oscar Wilde lên bìa sách song tên ông phải nằm trong dấu ngoặc đơn" - Holland nói.

Triển lãm còn trưng bày nhiều bức ảnh chụp phòng ngủ của Wilde trong khách sạn  d'Alsace ở Paris, nơi nhà văn tá túc trong những ngày cuối đời nhờ ông chủ tốt bụng cho nợ tiền thuê phòng. Ngày 30/11/1900, Wilde đã qua đời vì bệnh viêm não tại Paris.

Ngôi mộ của Wilde hiện vẫn là một trong những điểm được thăm viếng nhiều nhất tại nghĩa trang Pere Lachaise ở Paris.

Phần thú vị nữa trong triển lãm là hành trình của Wilde từ London tới Paris và chuyến đi lang thang nước Mỹ của ông. Triển lãm còn nêu bật đam mê nghệ thuật của Wilde, những bài viết của ông về các bức tranh thời tiền Raphaelite hồi năm 1877 và 1879 cũng như vở kịch Sarah Bernhardt ông viết bằng tiếng Pháp.

Khi sống cô độc và nghèo khổ ở Paris, Wilde đã nói: "Tôi và giấy dán tường đang đối đầu để đi đến cái chết. Một trong hai chúng tôi sẽ phải ra đi".

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm