21/10/2016 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Các chuyên gia hiến kế bảo vệ cổ vật dưới các góc độ khác nhau, từ cơ chế bảo vệ đặc biệt, đến các giải pháp về công nghệ thông tin.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình: Di tích đơn độc "tự vệ" trước đạo chích
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chuyên viên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, sáng lập nhóm Đình Làng Việt, người dành nhiều thời gian đi điền dã các đình, chùa chia sẻ:
Nhiều nơi, những cụ thủ từ, thủ nhang, sư đang cố hết sức để bảo vệ cẩn mật cổ vật. Nhiều khi, chúng tôi mang theo công văn, mong tiếp cận cổ vật để nghiên cứu mà cũng không được các cụ cho phép. Nhưng việc bảo vệ này chỉ mang tính cố không để lộ hiện trạng nơi bảo quản cổ vật, chứ không thể cản những kẻ trộm cổ vật chuyên nghiệp.
Ngược lại, nhiều nơi lại bảo quản rất hớ hênh. Ví như chùa Sổ, vào thời điểm trùng tu, rất nhiều tượng quý của chùa được đưa vào một căn phòng với lớp cửa mỏng, cùng một chiếc khóa bé xíu. Đợt đó, tôi đi cùng phóng viên, khi nhận được câu hỏi về việc bảo quản tượng cổ, cán bộ địa phương lúc đó còn không biết chùa có cổ vật!
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chuyên viên Cục MT,NA&TL
Tôi thấy, căn cơ của vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quyết liệt. Cổ vật phần lớn là tượng đa số ở chùa hoặc đền. Song, các cơ quan chức năng ủy thác hết cho chùa, đền, nơi có cổ vật.
Trong khi đó, đặc thù chùa có kết cấu mở. Điều này khiến việc bảo vệ cổ vật của các nhà chùa đang rất khó khăn. Cụ thể, trong trường hợp chùa Mễ Sở, chùa đã khóa 2 lần, bức tượng cao và rất khó di chuyển, nhưng nó vẫn bị đưa đi rất gọn ghẽ. Rõ ràng, kẻ trộm không phải người lạ. Đó là những người quen, thông thạo đường đi lối lại, nếp sinh hoạt của chùa. Và điều này, mình nhà chùa không thể "tự vệ" được.
Bên cạnh đó, cổ vật trong di sản chỉ có thể được bảo vệ khi người dân, lãnh đạo địa phương và những người đứng đầu đình, chùa, đền hiểu giá trị của cổ vật, yêu và trân quý nó. Nhưng, quản lý nhà nước đã không thực sự chú tâm đúng mức tới việc này.
Theo tôi, mỗi cổ vật như một nghệ nhân, phải có quy chế đặc biệt. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo hành lang pháp lý đặc biệt để những nhà sư, những thủ từ, thủ nhang... không bị đơn độc trước thực trạng kiến trúc cùng thủ đoạn tinh vi của giới trộm đồ cổ.
Ông Trần Thanh Tùng: Dùng tiêu bản tượng là cần thiết!
Ông Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản và đang thực hiện dự án dài hơi về tượng Phật cổ. Ông Tùng chia sẻ:
- Suốt 20 năm gần đây, chúng ta chứng kiến quá nhiều câu chuyện đau lòng về bảo tồn cổ vật, thậm chí bảo vật. Nhiều hiện vật đã bị đánh cắp, một vài cấu kiện quý bị lửa thiêu trụi,... Song, suốt ngần ấy năm, chúng ta không chứng kiến bất cứ vụ "xử điểm" nào với những kẻ trộm cổ vật dù rất nhiều vụ, cổ vật đã được tìm lại.
Ông Trần Thanh Tùng, sáng lập Hội quán Di sản
Bên cạnh đó, theo Luật Di sản Văn hóa, chúng ta có thể thu hồi cổ vật từ các nhà sưu tầm cá nhân nếu chứng minh được đó là cổ vật ăn cắp. Nhiều trường hợp chúng ta có thể làm được điều này, nhưng, cho tới lúc này, vẫn chưa có trường hợp nào thu hồi cổ vật bị đánh cắp từ các nhà sưu tầm cá nhân.
Việc các chùa xích tượng, đổ khuôn ở chân tượng, đóng khung quanh tượng... theo tôi không thể coi là bảo vệ di sản. Ngược lại, đó là hành động "xâm hại" di sản. Trong luật di sản, một trong những điều kiện cần trong các phương án bảo vệ là phải đảm bảo tính nguyên trạng của hiện vật.
Song, khi bê tông đổ vào chân tượng, xích thắt chặt mình tượng, hiện vật đã bị ảnh hưởng tới tính nguyên trạng. Chưa kể, đây là những biện pháp rất cùng quẫn, bởi đã là trộm chuyên nghiệp thì xích sao nổi lòng tham!
Theo tôi, với những hiện vật quý mang tầm bảo vật quốc gia, nếu không gian không đảm bảo phòng chống trộm cắp và phòng chống cháy nổ, tôi ủng hộ phương án di chuyển hiện vật đến nơi bảo quản an toàn. Vẫn biết điều này sẽ ảnh hưởng phần nào tới di tích có bảo vật, nhưng trước thực trạng như hiện nay, việc dùng tiêu bản để tránh thiên tai và "nhân tai" là cần thiết.
Quan trọng nhất, chúng ta có đánh giá đúng giá trị cổ vật hay không? Tôi nghĩ là không. Kể cả tượng Phật ở Mễ Sở mất, những người nặng lòng với di sản thì xót xa còn phần đông dư luận ơ hờ.
Trong khi đó, nhìn sang ngay Campuchia, những người có trách nhiệm với di sản và người dân nơi đây coi cổ vật là điểm nhấn của di sản, là sức hút của du lịch. Bởi vậy, cổ vật được rất nhiều ê kíp chuyên nghiệp hỗ trợ: từ an ninh, tới bảo quản, thiết kế không gian, quảng bá cổ vật...
Và, chúng ta chỉ có thể bảo quản tốt cổ vật khi và chỉ khi chúng ta nhìn ra được giá trị của cổ vật đó với ngay bản thân mình chứ không phải câu chuyện to tát, xa xôi.
"Hiệp sĩ" Nguyễn Trí Quang: Cài chíp GPS vào cổ vật!
Được coi là "hiệp sĩ di sản" từ năm... 17 tuổi, Nguyễn Trí Quang hiện tại vẫn đang thực hiện số hóa bằng 3D hàng loạt di sản, cổ vật trên cả nước. Là người tìm tòi, nghiên cứu khá kỹ các vấn đề công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Trí Quang cho biết:
- Tôi được biết dự án "Quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa” (Object ID) đang được nghiên cứu triển khai tại một số bảo tàng và di tích lịch sử. Đây là dự án sử dụng phần mềm có vai trò thống kê, phân loại và đánh giá các di vật, cổ vật, đồng thời tạo sự liên kết thống nhất ở các cấp để những người có trách nhiệm mau chóng phát hiện tình trạng thất thoát nếu xảy ra.
Nguyễn Trí Quang, người nhiều năm thực hiện bảo tồn và phát huy di sản bằng công nghệ
Đây à một trong những phương án tốt nhất có thể làm. Tuy nhiên, việc mã hóa cổ vật, xây dựng hệ thống dữ liệu cần nhiều thời gian cũng như công sức. Trong khi đó, vấn nạn mất cắp cổ vật vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Theo tôi, một việc làm đơn giản, nhanh và hiệu quả hơn là đặt chíp GPS (định vị toàn cầu) vào một bộ phận bí mật của tượng. Thiết bị này nhỏ, chi phí không cao, có thể áp dụng ngay với các cổ vật quý.
Nếu gắn GPS cài mã đặc biệt, mỗi khi cổ vật có dấu hiệu di chuyển, lập tức, các số điện thoại được thiết lập từ trước như: sư trụ trì, thủ từ, thủ nhang, người chịu trách nhiệm địa phương, công an sẽ nhận được tin nhắn thông báo. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thể xác định rất dễ dàng vị trí cổ vật trên bản đồ định vị toàn cầu.
Nhiều người cũng thắc mắc phương án tạm thời là làm tiêu bản tượng để cất bảo vật vào những nơi an toàn sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ khi tới thăm di tích. Bởi, tượng mới sẽ không có những trầm tích trăm năm cùng những dấu vết thời gian như tượng cũ. Điều này, theo tôi, công nghệ cũng đã có giải pháp.Cụ thể, trong trường hợp này, mỗi di tích sở hữu bảo vật (đã cất đi) sẽ được trang bị một cặp kính thực tế ảo cùng việc số hóa 3D các phiên bản gốc. Việc này không khó và không đắt để du khách chiêm bái vừa có thể xem tiêu bản tượng hữu hình vừa có thể xem tiêu bản tượng 3D rõ nét từng vết tróc do thời gian.
Kỳ 1: Di tích 'tử thủ' trước... đạo chích: Người ngay 'chạy đua' với kẻ gian xem TẠI ĐÂY
Còn tiếp
Mỹ Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất