Chung kết Bayern - Inter, đêm mai: Chung kết của Inter, không phải của bóng đá Italia?

21/05/2010 12:12 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Không một cầu thủ gốc Ý trong đội hình xuất phát trận CK với Bayern và sự “tuyệt chủng” của người Italia trong một đội hình Inter chiến thắng đang làm rầu lòng người Italia (không phải interisti).

 Không có gì lạ khi Inter dùng "hàng ngoại" - Ảnh Getty
Nếu việc ngoại hóa toàn bộ (kể cả HLV) để làm cái giá cho một chiến thắng được chờ đợi của một đội bóng chỉ còn cái tên là Italia thì cái giá ấy quá lớn, một cái giá kép đắt chưa từng có: trong năm mà ĐT Italia phải bảo vệ Cúp vàng, thì hầu hết các cầu thủ Italia là những người thất bại và một tập hợp ngoại quốc thì lại thành công. Hãy nhìn chất Ý của Juve, Milan và hãy nhìn sân cỏ calcio hầu như không sản sinh ra bất cứ nhân tài Italia nào trong mùa bóng vừa kết thúc. Việc Inter trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử 146 trận chung kết các Cúp châu Âu (nghĩa là 292 lượt các CLB đã dự các trận CK đó) hầu như chắc chắn không có một cầu thủ nội địa nào trong đội hình ra sân với Bayern là một thực tại buồn thảm cho nước Ý, trong cái năm mà ĐTQG của họ bảo vệ danh hiệu VĐTG đã đoạt được năm 2006, chức VĐ được ca ngợi như một công cụ để đoàn kết dân tộc.

Nhưng việc Inter gạt bỏ người Ý để nhờ đó vào CK, và có thể đoạt Cúp cũng không dễ được chấp nhận. Tuyên ngôn ra đời của Inter nói rằng họ đặt tên gốc “Internazionale” (quốc tế) bởi “chúng ta là anh em của thế giới” không đồng nghĩa với việc ngoại hóa toàn bộ. Đưa ra tuyên ngôn ấy lúc này cũng chỉ là sự bao biện cho việc Inter theo đuổi một chính sách mà ngay cả những đội bóng hàng đầu Italia khác như Roma, Milan hay Juve cũng không thực hiện, khi những vị trí then chốt và cả những thần tượng vẫn do người Ý nắm giữ, như sự chống chọi của cái gọi là “truyền thống” trước “hiện đại”. Inter đoạt cúp C1 năm 1964 và 1965 chỉ có lần lượt 2 và 3 cầu thủ ngoại, những đội bóng Ý đoạt Champions gần nhất (Milan và Juve) ở thời hậu phán quyết Bosman khi các biên giới tự nhiên không hiện hữu trong bóng đá cũng luôn có một nòng cốt Italia trong đội hình dù không còn hạn chế số lượng ngoại quốc ra sân như trước mùa 1995/96. Nhưng Inter của triều đại Moratti đã không còn giữ được truyền thống ấy nữa, khi dần dần chia tay Italia. Lần gần nhất họ đăng quang ở châu Âu là Cúp UEFA năm 1998, khi trong đội hình ra sân chỉ còn sót lại đúng 3 người Italia (Pagliuca, Colonnese, Fresi), trong khi một năm trước đó, họ thua Schalke trong trận CK Cúp UEFA năm 1997 khi có 7 cầu thủ gốc Ý ra sân từ đầu (Pagliuca, Bergomi, Paganin, Galante, Pistone, Fresi, Ganz). 10 năm sau, khi những người Ý ít đi tỉ lệ nghịch với sự nhiều lên của những thành công, Inter tự nhiên thấy mình chống lại cả nước Ý vốn từ nay không còn coi họ là một phần gan ruột của mình, mà là một thực thể xa lạ đầy yếu tố nước ngoài (trừ các interisti, yêu thương vô điều kiện).

Thắng lợi của Inter, thất bại của Italia

Với các interisti, chủ đề Inter là của Italia hay không có chất Italia nào không có ý nghĩa gì hết, nhưng với những người Italia khác không phải Inter (chiếm 86% dân số Italia, như thống kê của báo chí Ý), đấy lại là một vấn đề khác, nghiêm trọng hơn nhiều. Dĩ nhiên, người ta không thể đòi hỏi một CLB bóng đá phải thể hiện những điều mà một nền bóng đá không làm được và chính giới lại càng không muốn làm chỉ vì muốn bảo vệ lợi ích cục bộ của mình và các địa phương. ĐTQG cần phải thể hiện chất Ý và sự thống nhất dân tộc, chứ không phải là một CLB, vốn chỉ phục vụ lợi ích của họ và ông chủ sở hữu họ. Nhưng với phần đông người Italia, và không ít trong số những tifosi trung lập không có thái độ quá cực đoan với Inter, nếu đội bóng của Mourinho giành chiếc Cúp Champions League với một đội hình không-Italia, đấy vẫn là một nỗi buồn lớn lao, bởi họ không tìm thấy một phần máu mủ của mình trong đó, một nỗi buồn không phải chỉ vì bóng đá và là một tình cảm hoàn toàn tự nhiên. Với những người Italia tiến bộ, những người đang đau lòng trước cảnh chia rẽ vùng miền của đất nước, thì ngay cả việc thể hiện một chút chất đồng bào Italia trong bóng đá cũng chỉ là một giấc mộng nhỏ nhoi tội nghiệp. Triệt để ngoại hóa như Arsenal khi vào CK Champions League 2006 vẫn còn có 2 người Anh (Campbell, A.Cole), “LHQ” như Chelsea khi thua M.U năm 2008 vẫn có 4 cầu thủ gốc xứ Sương mù (A.Cole, J.Cole, Terry, Lampard). Còn Inter? “Zero” Italia. Thế nên, có người Italia đã mong vài trong số 11 cầu thủ ngoại quốc chắc chắn đá chính của Mourinho bị thương trước trận để những cầu thủ Ý ít ỏi mà Inter sở hữu sẽ ra sân từ đầu, dù chỉ một, trong số những Balotelli và Materazzi.

Tiền vệ 19 tuổi Diego Armando Contento có thể trở thành người Ý duy nhất đá chính trong trận CK có 1 đội bóng Italia tham gia. Mà anh này cũng chỉ là Italia một cách gượng ép, khi ông bà anh là người gốc Napoli. Contento mang quốc tịch Đức. Trả lời phỏng vấn báo chí Italia trước trận đấu, Contento bảo: “Thật ấn tượng nếu tôi là người Italia duy nhất đá chính trong trận chung kết”. Diego, đúng ra cậu chỉ có một nửa Ý thôi. Tội nghiệp biết bao cho calcio…Ai đó sẽ bảo những gì mà Inter đang làm là một xu hướng của toàn cầu hóa đang diễn ra, khi thế giới chỉ là một ngôi làng. Họ cũng sẽ bảo vấn đề quan trọng để chiến thắng không phải là ngoại quốc hay Italia, mà là khả năng dẫn dắt của người đứng đầu (tài năng của Mourinho). Nhưng dường như Inter đã đi quá những giới hạn cuối cùng của toàn cầu hóa, khi lexus thắng tuyệt đối cành ôliu (bạn hãy đọc cuốn “Chiếc xe Lexus và cành ôliu” của Thomas Friedman để hiểu so sánh ấy). Thắng lợi của Inter (nếu có) là thất bại của Italia, theo hầu hết các khía cạnh.
Anh Ngọc (Roma, Italia)
 
 

Italia và không-Italia

Dưới đây là đội hình ra sân của các CLB đã giành chiến thắng ở các Cúp C1/Champions League trong lịch sử, trong đó có Inter (2 lần). Cho đến nay, Inter cũng là CLB duy nhất của Italia giành chức VĐ Cúp C1 với HLV ngoại (Herrera, người Argentina). 11 lần đoạt Cúp của các CLB Italia đã cho đá xuất phát 89 cầu thủ gốc Ý và chỉ có 32 cầu thủ ngoại. 11 cầu thủ ngoại có khả năng đá chính từ đầu của Inter tương đương với 1/3 tổng số cầu thủ ngoại đã đá xuất phát trong 11 trận CK chiến thắng trước đó và gần bằng số cầu thủ nước ngoài đã ra sân trong chiến thắng của Milan và Juve các năm 1996, 2003 và 2007, sau phán quyết Bosman.

Milan 1963: Gốc Italia 9 (Ghezzi, David, Maldini, Trebbi, Trapattoni, Pivatelli, Sani, Rivera, Mora), ngoại quốc 2 (Benitez, Peru và Altafini, Brazil).

Inter 1964: Gốc Italia 9 (Sarti, Burgnich, Guarneri, Facchetti, Tagnin, Picchi, Mazzola, Milani, Corso), ngoại quốc 2 (Jair, Brazil và Suarez, TBN).

Inter 1965: Gốc Italia 8 (Sarti, Burgnich, Guarneri, Facchetti, Bedin, Picchi, Mazzola, Peiro (TBN), Suarez, Corso), ngoại quốc 3 (Jair, Brazil; Suarez và Peiro, đều TBN).

Milan 1969: Gốc Italia 8 (Cudicini, Malatrasi, Anquilletti, Rosato, Trappattoni, Lodetti, Rivera, Prati), ngoại quốc 3 (Hamrin, Thụy Điển; Sormani, Brazil và Schnellinger, Đức).

Juventus 1985: Gốc Italia 9 (Tacconi, Favero, Cabrini, Brio, Scirea, Bonini, Tardelli, Briaschi, Rossi), ngoại quốc 2 (Boniek, Ba Lan và Platini, Pháp).

Milan 1989: Gốc Italia 8 (G.Galli, Tassotti, Costacurta , Baresi, Maldini, Colombo, Ancelotti, Donadoni), ngoại quốc 3 (Gullit, Van Basten và Rijkaard, đều Hà Lan).

Milan 1990: Gốc Italia 8 (G.Galli, Tassotti, Costacurta, Baresi, Maldini, Colombo, Ancelotti Evani), ngoại quốc 3 (Rijkaard, Van Basten, Gullit, đều Hà Lan).

Milan 1994: Gốc Italia (Rossi, Tassotti, Panucci, Albertini, Galli, Maldini, Donadoni, Massaro), ngoại quốc 3 (Desailly, Pháp; Boban, Croatia và Savicevic, Montenegro).

Juventus 1996: Gốc Italia 9 (Peruzzi, Ferrara, Torricelli, Vierchowod, Pessotto, Conte, Del Piero, Vialli, Ravanelli), ngoại quốc 2 (Paulo Sousa, BĐN và Deschamps, Pháp)

Milan 2003: Gốc Italia 6 (Costacurta, Nesta, Maldini, Pirlo, Gattuso, Inzaghi), ngoại quốc 5 (Dida, Brazil; Kaladze, Georgia; Rui Costa, BĐN; Seedorf, Hà Lan và Shevchenko, Ukraina).

Milan 2007: Gốc Italia 7 (Oddo, Nesta, Maldini, Gattuso, Pirlo, Ambrosini, Inzaghi), ngoại quốc 4 (Dida, Brazil; Jankulovski, Czech; Seedorf, Hà Lan và Kaka, Brazil).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm