Thương hiệu trọng tài

01/08/2010 19:01 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - VTV vừa thực hiện một chuyên đề về trọng tài bóng đá Việt Nam với những vấn đề được đặt lên bàn cân rất thẳng thắn. Trong những vấn đề mà VTV đào sâu, tôi chú ý nhất điểm nhấn “Thương hiệu trọng tài” với câu hỏi: “Vì sao trọng tài Việt Nam không chăm chút cho thương hiệu của mình?”.

Thực chất thì làm trọng tài nào mà chẳng muốn chăm chút cho thương hiệu của mình, thế nhưng nếu đi sâu vào lĩnh vực trọng tài bóng đá Việt Nam hiện nay thì sẽ thấy có hai hướng chăm chút cho thương hiệu và hai hướng đó chỏi nhau rất dữ. Một là tập trung vào nghề theo cách các trọng tài giỏi ở nước ngoài vẫn làm và đó là chăm chút cho thương hiệu một cách tích cực; hai là tập trung vào chăm chút cho thương hiệu dưới cái nhìn của một trọng tài phải “hoàn thành nhiệm vụ” dưới con mắt của những người phân công mình, điều hành mình theo kiểu vòng tròn khép kín. Cách này bị xem là tiêu cực nhiều hơn bởi chính cấp điều hành của bóng đá Việt Nam chưa có được sự điều hành lẫn cái nhìn tích cực.


Trọng tài Nguyễn Xuân Hòa tiếc nuối vì chăm chút thương hiệu theo kiểu làm hài lòng cấp trên với suy nghĩ đấy là cách duy nhất để tồn tại. Ảnh: Anh Vũ - Xuân Huy

Có thể thấy rất rõ qua việc trọng tài Nguyễn Xuân Hòa “bẻ còi” ở mùa giải 2007 qua sự cố sân Chi Lăng, trận Đà Nẵng - Đồng Tâm Long An. Trước đó, trọng tài Hòa được nằm trong “tầm ngắm” là trọng tài có năng lực sẽ được đăng ký FIFA và là trọng tài cưng của nhiều quan từ BTC giải đến hội đồng trọng tài. Hòa cũng nổi tiếng là trọng tài biết trên biết dưới, kể cả biết ý lãnh đạo muốn gì qua những trận cầu được “ấn” cho Hòa. Thế nên khi công nhận bàn thắng của Đồng Tâm Long An trước sự phản ứng quyết liệt của các quan chức Đà Nẵng thì trọng tài Hòa gặp hàng loạt những chỉ đạo. Các giám sát trọng tài lẫn giám sát trận đấu hôm đấy liên tục nghe chỉ đạo của cấp cao từ BTC giải (qua điện thoại). Và tất nhiên là trước đó cấp cao của BTC giải đã nhận điện thoại của các quan chức đội Đà Nẵng “méc” với BTC. Thế là liên tiếp ông này, ông nọ tác động vào đã khiến một trọng tài chấp nhận lấy thương hiệu từ những người chỉ đạo mình điều hành mình mà bỏ qua thương hiệu cho riêng mình với người hâm mộ, với các đội bóng về sự công tâm và quyết đoán của một trọng tài. Chính việc “bẻ còi” đấy mà trọng tài Hòa đã mất tất cả. Anh đau đớn sống trong nỗi hổ thẹn và tủi nhục để rồi quyết định từ giã nghiệp cầm còi.

Sau này, trong những lần tiếp xúc thì trọng tài Hòa đã than thở đấy là sai lầm lớn nhất trong đời trọng tài của anh và anh biết rằng để tồn tại với nghề trọng tài, nhiều người vẫn chọn cho mình cách xây thương hiệu bằng việc làm vừa lòng quan chức và những người điều hành mình.

Một cựu trọng tài có con theo nghiệp trọng tài và cứ lận đận ở hạng dưới có lần tâm sự với tôi rằng: “Ở nước ngoài, anh chỉ cần có năng lực là thành trọng tài giỏi nhưng ở Việt Nam thì năng lực là một lẽ vì điều mà các trọng tài cho rằng cần kíp hơn lại chính là làm sao để vừa lòng cấp trên. Chỉ cần không vừa lòng cấp trên, nghiễm nhiên anh bị đẩy xuống các hạng dưới làm và mãi mãi bị nhốt ở đấy mà không ai chịu nhìn ra năng lực của anh”.

Đấy là lý do vì sao mà nhiều trọng tài trẻ đang được đánh giá tốt, khi bắt đầu có tên tuổi và được hứa hẹn lại lụt với nghề hay lại chạy theo vết xe đổ của các trọng tài đàn anh.

Để kết thúc bài này, xin được mượn lời của cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng: “Tôi vẫn khuyên các em rằng chỉ có mình mới bảo vệ được mình nhưng tiếc là nhiều trọng tài vẫn đi theo hướng ngược lại là tìm chỗ dựa ở trên bởi họ nghĩ rằng có thể hàng chục ngàn khán giả hay nhiều đội bóng phản ứng mình nhưng ở trên mà bảo vệ mình thì kiểu nào cũng qua. Đấy là lý do vì sao các trọng tài cứ “ngã” nhưng rồi lại cứ lên từ chỗ có người đỡ…”.

Nguyên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm