U22 Việt Nam vô địch SEA Games: Chỉ số rõ nhất của sự tự tin để đi ra thế giới

12/12/2019 07:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang trải qua những ngày đáng nhớ nhất của năm 2019. Đáng nhớ, bởi để có nó, người Việt đã phải đi hết hành trình suốt 60 năm, nghĩa là bằng chiều dài của cả một đời người.   

Nam vô địch, nữ vô địch, Việt Nam thực sự là 'anh cả' của bóng đá Đông Nam Á

Nam vô địch, nữ vô địch, Việt Nam thực sự là 'anh cả' của bóng đá Đông Nam Á

2019 là một năm hoàn hảo với bóng đá Việt Nam ở cấp độ khu vực khi cả hai đội tuyển bóng đá nam và nữ đều vô địch SEA Games đầy thuyết phục.

Tối 10/12, lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, chiếc huy chương vàng bóng đá nam đã thuộc về đội tuyển của một nước Việt Nam thống nhất. Và, cột mốc ấy lập tức là điểm khởi đầu cho một lễ ăn mừng vô cùng đặc biệt, với sự cuồng nhiệt của hàng triệu người trên khắp mọi miền.   

Lễ ăn mừng ấy không chỉ kéo dài vài giờ. Trong ngày hôm nay 11/12, giữa cái lạnh cuối năm, chúng ta vẫn thấy một biển người cuồng nhiệt đổ tới sân bay Nội Bài để chào đón các cầu thủ trở về.

...Và, dù  là hành trình hướng về Nội Bài, hành trình đổ xuống đường với lá quốc kỳ trên tay, hay hành trình “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” cùng đội tuyển trong từng trận đấu, tất cả đều được chúng ta thực hiện một cách tự nhiên từ vô thức – như nó phải thế và vẫn thế trong 2 năm vừa rồi.   

Chú thích ảnh
Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Việt Nam sau khi giành chiến thắng trước U22 Indonesia môn bóng đá nam SEA Games 30 tại Manila, Philippines, tối 10/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Quả thật, những gì đang diễn ra khiến chúng ta lại nhớ tới “kịch bản” ăn mừng sau giải đấu của U23 Việt Nam ở Thường Châu,sau  ASIAD 2018, AFF cup 2018 và cả giải Vô địch Châu Á đầu năm nay. Hẳn sẽ có người tự hỏi: tại sao, sau mỗi chiến tích, chúng ta luôn hồ hởi đón nhận nó một cách cuồng nhiệt -  như lần đầu tiên hạnh phúc chạm tới mình?   

Câu hỏi  không khó trả lời. Với người Việt, những chiến thắng ấy đã vượt qua khuôn khổ của bóng đá.

Nhìn lại, ở bình diện quốc tế, Việt Nam là đất nước chưa có nhiều thành tích đáng kể về bóng đá. Thực tế này cũng giống với nhiều lĩnh vực khác, khi chúng ta còn khá khiêm tốn so với bè bạn về những thành tựu của khoa học, công nghệ, kinh tế và giáo dục…

Hạn chế ấy đến từ nhiều lý do, trong đó có cả câu chuyện của lịch sử: một thời gian rất dài của quá khứ, chúng ta đã phải dồn hết tâm lực, nhiệt huyết cho việc dựng nước và giữ nước. Để rồi, chỉ gần đây, người Việt mới có điều kiện để từng bước nghĩ tới việc chinh phục thế giới bên ngoài.

Ở hành trình hội nhập ấy, chúng ta rất cần sự khích lệ từ những tín hiệu vui. Bóng đá không thể thay thế khoa học, công nghệ hay giáo dục. Nhưng, niềm hạnh phúc mà bóng đá mang lại chắc chắn cũng không kém những lĩnh vực ấy – khi nó gắn với mồ hôi, khao khát và quyết tâm của một dân tộc đã phải chờ đợi rất lâu trong quá khứ.

***

Và nữa, trong cảm hứng ấy, chiến thắng vào tối 10/12 còn gắn với một câu chuyện riêng của chúng ta, với SEA Games. Đã có nhiều người chỉ ra: so với những giải đấu cấp châu lục mà Việt Nam từng để lại dấu ấn, SEA Games là một sân chơi nhỏ hơn, cả về chuyên môn và tầm kích.

Nhận xét đó không sai. Nhưng nó bỏ qua một thực tế: đó cũng là một trong những sân chơi đầu tiên mà chúng ta tham gia từ 30 năm trước, trong quá trình trở lại hội nhập cùng thế giới và khu vực. Để rồi, trong suốt 30 năm, sự  vô duyên với chiếc Huy chương vàng của bóng đá nam SEA Games đã khiến nó dần được mặc định như một biểu trương cho những thất bại mà chúng ta có dịp trải nghiệm trong hành trình bước ra ngoài.

Như lý thuyết của ngành tâm lý học, khi được lặp lại quá nhiều, những trải nghiệm tiêu cực đủ sức tạo ra ám ảnh tâm lý. Ám ảnh ấy càng kéo dài càng khiến người sở hữu nó sợ hãi và không còn hiểu thấu sự việc, khi thấy mọi thứ luôn không thể nắm bắt, giải quyết và cứ tuột thế khỏi tay mình.

Để vượt qua ám ảnh, câu chuyện chỉ có thể bắt đầu từ một điều đơn giản: chiến thắng được bản thân, để thấy mọi thứ thực tế chẳng tối tăm, u ám như chúng ta vẫn nghĩ. Thiếu vắng chiếc Huy chương vàng bóng đá nam SEA Games, chúng ta vẫn có thể bước ra thế giới (và cũng đã thành công). Nhưng đâu đó, trong vô thức, chúng ta vẫn phải đối diện với dấu hỏi về  một sự tự tin tuyệt đối .

Mà, như nhiều sử học quốc tế từng nhận xét: Năng lực của người Việt là có thật. Cái chúng ta thiếu, chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình.

Hiểu câu chuyện ấy, sẽ không lạ khi thấy người Việt hân hoan đến thế với chiếc Huy chương vàng vừa giành được. Nó là chỉ số rõ nhất của sự tự tin để chúng ta lạc quan và vững bước trong hành trình đi ra thế giới bên ngoài.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm