U17 Việt Nam vs U17 UAE: Thử thách tinh thần và chiến thuật

09/04/2025 18:41 GMT+7 | Bóng đá Việt

Hai trận hòa liên tiếp trước 2 đối thủ được đánh giá cao hơn là Australia và Nhật Bản, cùng trong thế bị dẫn trước, đã đưa U17 Việt Nam đến ngưỡng cửa lịch sử để giành vé dự World Cup. Kết quả ấn tượng ấy không quá bất ngờ nếu xem cách chơi của U17 Việt Nam. Đó là một phiên bản của các kỳ tích trước đây của bóng đá Việt Nam trên mọi lứa tuổi.

HLV Cristiano Roland chia sẻ cũng khá thật lòng, đó là đội bóng của ông kiên nhẫn chờ đội đối thủ sơ hở bằng cách tuân thủ đúng ý đồ chiến thuật suốt cả trận đấu. Chiến thuật ấy, nói một cách ngắn gọn: phòng thủ thật chặt và phản công thật hiệu quả với sơ đồ thi đấu 4-5-1.

Từ cơn địa chấn trước Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup hồi năm 2003 cho đến tấm vé vào tứ kết tại Asian Cup 2007, kỳ tích dự World Cup U20 của đội U19, hay ngôi á quân tại U23 châu Á … tất cả đều được tạo ra trên nền tảng của lối chơi phòng ngự có kỷ luật. Hay nói đúng hơn, đó là một cách tiếp cận trận đấu chủ động, "biết người biết ta", không quan tâm nhiều đến các con số thống kê bóng bẩy mà tập trung vào mức độ hiệu quả ở những cơ hội được tạo ra khi đối thủ sơ hở.

Đó chính là lối chơi có thể xem là sở trường, là bản sắc của bóng đá Việt Nam. Không chỉ vì chúng ta luôn bị đánh giá thấp hơn nên phải chơi phòng ngự, mà thực tế là cầu thủ Việt Nam gần như chỉ quen đá trong trạng thái như vậy từ sân chơi V-League cho đến các trận đấu quốc tế của đội tuyển. Những đội bóng có thể chơi áp đặt chỉ đếm trên đầu bàn tay trong lịch sử V-League. Nói phòng ngự phản công là bản sắc của bóng đá Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Đá như U17  - Ảnh 1.

U17 Việt Nam (trái) chơi phòng ngự phản công rất hiệu quả ở VCK U17 châu Á 2025. Ảnh: VFF

Như HLV Roland chia sẻ, điều quan trọng là các cầu thủ của ông có hiểu biết về chiến thuật. Họ không mất tinh thần dù bị dẫn trước. Họ vẫn duy trì một khối đội hình thấp để tránh phải thua thêm, chờ đến khi có được cơ hội. Nói cách khác, nếu cơ hội ấy không đến, thì cũng không sao. Họ sẽ chấp nhận một trận thua không có gì phải xấu hổ. Ngược lại, họ sẽ tạo ra được sự khác biệt.

Để làm được như U17 Việt Nam không dễ. HLV Park Hang Seo đã phải "đầu hàng" trước áp lực phải làm sao để đội tuyển Việt Nam có thể chơi cởi mở, tấn công nhiều hơn. Người thay thế ông là HLV Philippe Troussier thất bại với tham vọng xây dựng lối chơi "kiểm soát bóng".

Bóng đá Việt Nam không còn con đường nào khác là phải quay về với cách tiếp cận trận đấu thận trọng hơn dưới thời HLV Kim Sang Sik. Và khi trong tay ông Kim có một chân sút với năng lực tác chiến độc lập như Nguyễn Xuân Son, mọi thứ trở nên gọn gàng, trơn tru.

Các đội trẻ của Việt Nam từ trước đến nay, nhất là ở thời gian mà ông Hoàng Anh Tuấn huấn luyện, đều đã quen đá phòng ngự phản công. Những gì ông Roland đang làm, chỉ là sự tiếp nối. Điều đó cho thấy chúng ta không phải lăn tăn quá nhiều đến việc chơi theo phong cách nào, mà nên tập trung vào ý thức chiến thuật của cầu thủ cũng tính hiệu quả trong các cơ hội thường sẽ ít ỏi khi đối đầu với các đối thủ mạnh. Nói cho cùng, nhuần nhuyễn một "ngón đòn" vẫn sẽ đem lại thành công.

Giờ thì chờ U17 Việt Nam thể hiện "ngón đòn" ấy trong trận đấu lịch sử trước UAE, một trận đấu mà chúng ta buộc phải thắng trong khi đối thủ lại có thể chỉ cần một kết quả hòa. Đó là thử thách về tinh thần lẫn chiến thuật cho HLV Roland và các học trò của ông.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm