'Tục' là cấm, không 'tha' cả thần tượng hàng đầu

23/06/2014 08:05 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Hàn Quốc rất khắt khe về ca từ âm nhạc. Năm 2008, “Mirotic” của nhóm nhạc DBSK mới có chút khơi gợi về tình dục đã bị “tuýt còi”. Nhưng không chỉ ở châu Á mới có chuyện cấm ca từ tục.

Tất cả các trang web đăng tải bài hát dung tục, phản cảm mà TT&VH nêu trong loạt bài Sốc vì “rác” ca từ đã bị Bộ VHTTDL xử phạt. Phản ứng kịp thời này của cơ quan quản lý được công luận đồng tình. Nhưng nhìn sang nền showbiz chuyên nghiệp ở Hàn Quốc, quốc gia này dường như đã và sẽ “mạnh tay” hơn với những vi phạm về thuần phong mỹ tục.

Hàn Quốc: 2 năm cấm hơn 2.600 ca khúc

Thống kê năm 2011 ở Hàn Quốc cho thấy trong vòng 2 năm trở lại, có 2.607 ca khúc bị cấm vì ca từ. Tháng 10/2011 có vụ cấm 250 bài hát cùng lúc, trong đó có nhạc của rapper Psy dù chỉ ví von “Cuộc đời như ly rượu mạnh”.

Ngay từ năm 2008, DBSK (nhóm nhạc nam hàng đầu Kpop thời điểm đó) có bài hát hit Mirotic bị cấm. Ủy ban Bảo vệ thanh niên Hàn Quốc đã ra lệnh cấm này vì cho rằng lời bài hát “khiêu khích và đậm chất nhục dục”. Mirotic nói về sự say mê và muốn dâng hiến của một cô gái đối với một người đàn ông. Câu hát gây tranh cãi nhất là “I got you under my skin” (tạm dịch: Tôi đã khiến em say đắm tôi”, cũng chỉ bóng gió, nhưng vẫn bị dán nhãn 19+ và chỉ được chiếu trên truyền hình sau 22h.


Mirotic của DBSK từng bị cấm vì bị cho là tục tĩu

Công ty chủ quản của DBSK, SM Entertainment đã kêu lên tòa án Seoul, đến tháng 3/2009 tòa gỡ bỏ lệnh cấm. Nhưng Ủy ban Bảo vệ thanh niên Hàn Quốc vẫn ra sức phản đối ca khúc này.

Năm 2011, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình của Hàn Quốc khiến dư luận xôn xao khi cấm một loạt ca khúc Kpop, trong đó nổi bật là On Rainy Days của nhóm nhạc nam Beast vì ca từ đề cập đến uống rượu. “Anh nghĩ anh say rồi, anh nên ngừng uống” là câu hát có vấn đề. Cùng đợt cấm này là Funky Man của nhóm nhạc nữ After School, vì ca từ như một cô gái đang mời gọi chàng trai nhút nhát hãy mạnh bạo lên, sôi động lên. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho rằng như vậy là khơi gợi về tình dục.

Tương tự Mirotic, các bài hát này bị dán nhãn 19+ và chỉ được phát sau 22h, dù về ca từ thì chúng còn quá hiền lành so với Phiếu bé ngoan hay Tan Ka Ka của Việt Nam gần đây.

Cũng năm 2011, ca khúc Knock Out của 2 ca sĩ – rapper G-Dragon và TOP (cùng thuộc ban nhạc Big Bang) bị đài truyền hình quốc gia là KBS, MBC và SBS cùng cấm. Nguyên nhân là cả tiêu đề và ca từ đều chứa quá nhiều tiếng lóng (thứ mà giới rapper rất chuộng), và các đài truyền hình cho rằng điều này sẽ gây ra một tác hại khá hoang đường là “làm tổn hại đến tâm lý quốc dân”.

Về sau, Hàn Quốc còn hàng loạt đợt cấm ca khúc nữa nhưng không còn gây chú ý như trước vì quá nhiều. Công chúng, người hâm mộ và các công ty quản lý ca sĩ cũng không buồn tranh cãi, vì tự tin rằng ca khúc vẫn được phát hành qua YouTube và nhiều trang mạng khác.

Giống phương Tây, thì sao?

Khi một sản phẩm âm nhạc bị cấm ở Hàn Quốc, nguyên nhân đưa ra nhấn mạnh vào “ảnh hưởng của ca khúc đối với công chúng mục tiêu”, chứ không phải ý nghĩa đơn thuần của ca khúc. Công chúng mục tiêu của Kpop là thanh thiếu niên và cả thiếu nhi, bởi thế các nội dung tình dục, ma túy, rượu chè, vũ trường… đều bị liệt vào dạng không phù hợp.

Các ca sĩ dòng underground của Việt Nam gần đây khi bị lên án vì “rác” ca từ cũng tranh cãi rằng âm nhạc của họ chịu ảnh hưởng từ phương Tây, và ở phương Tây ca từ như vậy là bình thường. Vấn đề là, công chúng của họ là giới trẻ Việt Nam, cả thành niên lẫn chưa thành niên, chứ không phải giới trẻ phương Tây. Kpop cũng chịu ảnh hưởng của phương Tây, nhưng vẫn thuộc về Hàn Quốc, một nước Á Đông, nên vẫn bị kiểm soát bởi các ràng buộc của xã hội Hàn Quốc như thường.

Mà không chỉ ở châu Á, ngay cả ở Anh, một nước phương Tây, năm 2013, nhiều trường đại học cũng đồng loạt cấm ca khúc Blurred Lines của ca sĩ Mỹ Robin Thicke. Nguyên nhân các trường đưa ra là, ca khúc này khẳng định nữ giới “rất thích bị cưỡng hiếp”, một kiểu suy nghĩ độc hại đối với thế hệ trẻ của nước Anh.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm