Từ vụ sữa giả: Siết chặt quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm về sức khỏe

20/04/2025 10:19 GMT+7 | Tin tức 24h

Vụ việc kẹo rau củ KERA chưa kịp lắng xuống thì người tiêu dùng lại sửng sốt khi cơ quan chức năng phát hiện tới gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả. 

Các loại sữa này được quảng cáo chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, óc chó, macca... nhưng thực tế không hề có; nhiều sản phẩm chỉ có nguyên liệu thông thường, chất lượng dưới 70% so với mức công bố. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt quy trình kiểm soát chất lượng các nhóm sản phẩm liên quan sức khỏe để bảo vệ cộng đồng.

Từ vụ sữa giả: Siết chặt quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm về sức khỏe - Ảnh 1.

Nhiều tài liệu tại trụ sở Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood được cơ quan công an thu giữ để phục vụ điều tra. (Ảnh: CÔNG AN NHÂN DÂN)

Các sản phẩm liên quan sức khỏe thường nhằm vào nhóm yếu thế như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người bệnh - những người cần được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe với tiêu chuẩn cao hơn bình thường. Người tiêu dùng thường không tiếc tiền, thậm chí sẵn sàng chi trả cao, nhưng lại không thể tự kiểm soát chất lượng sản phẩm nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Đáng lo ngại, theo thông báo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, qua rà soát, phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus thuộc danh mục các sản phẩm sữa được sản xuất bởi một trong các công ty vừa bị cơ quan công an khởi tố từng được sử dụng trong bệnh viện thông qua đấu thầu công khai, đúng quy định của pháp luật. Dù cơ quan chức năng chưa kết luận sản phẩm này là hàng giả, nhưng để bảo vệ quyền lợi người bệnh, bệnh viện đã cho dừng sử dụng và thu hồi sản phẩm để trả lại đơn vị cung ứng.

Từ tháng 8/2021 đến nay, lượng sữa giả được đưa ra thị trường đã mang lại doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều trớ trêu là các sản phẩm sữa giả này lại “đường đường chính chính” xuất hiện trên thị trường thông qua cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm. Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, trong thực tế, công tác hậu kiểm chưa chặt chẽ đã biến cơ chế này thành “chiếc vé thông hành” cho các sản phẩm kém chất lượng dễ dàng len lỏi đến tay người tiêu dùng.

Vụ việc kẹo rau củ KERA đến sữa giả tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng thiếu kiểm soát. Đáng lo ngại hơn, nhiều người nổi tiếng đã tham gia quảng bá cho sản phẩm chưa được kiểm chứng, góp phần tạo ra những hiểu lầm nghiêm trọng trong nhận thức của người tiêu dùng. Dù sau đó, một số cá nhân đã bị xử lý theo quy định pháp luật, nhưng điều đáng tiếc là niềm tin của người tiêu dùng thì khó có thể lấy lại như ban đầu. Theo đánh giá mới nhất của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Như vậy, việc làm nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật.

Để kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm liên quan sức khỏe, trước hết, cần bịt kín các “kẽ hở” trong công tác quản lý, quy trình kiểm soát chất lượng các nhóm sản phẩm như thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng... Song song với đó, cần phạt nặng và thậm chí, xử lý hình sự đối với hành vi cố tình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giả gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn tại Công văn số 2792/ATTP-SP ngày 4/11/2024 của Cục An toàn thực phẩm; Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tăng cường triển khai hậu kiểm theo các hướng dẫn đã được Cục An toàn thực phẩm ban hành. Mặt khác phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn người dân tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng.

Đáng chú ý, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. Tất cả thông tin về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/. Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết sẽ yêu cầu ngay các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả mới bị cơ quan công an phát hiện), thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho người bệnh không đúng chức năng, nhiệm vụ và các quy định hiện hành. Mặt khác rà soát, bảo đảm hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện thực hiện theo đúng quy định tại Điều 67 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Thông tư số 18/2020/TT-BYT ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Việc xử lý phải thật nghiêm, không có vùng cấm và tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin kịp thời để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế và người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh quản lý quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần siết chặt nội dung quảng cáo trên mạng xã hội. Theo đó yêu cầu các nền tảng phải chịu trách nhiệm liên đới khi để quảng cáo sai sự thật tồn tại. Người nổi tiếng khi tham gia quảng bá sản phẩm liên quan sức khỏe cũng cần nâng cao trách nhiệm cá nhân, không tiếp tay cho hành vi gian dối. Còn về phía người tiêu dùng, hơn bao giờ hết, cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo một chiều, và chỉ nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định bởi các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Nhân Dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm