28/07/2021 11:27 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa từng thông tin, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, SEA Games 31 sẽ không diễn ra vào cuối năm 2021 theo kế hoạch mà Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và nước chủ nhà Việt Nam đã xây dựng. Sân chơi lớn nhất của thể thao khu vực sẽ trở lại vào một thời điểm thích hợp hơn khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán dịch bệnh, để Olympic Tokyo đang được tổ chức tại Nhật Bản.
Khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh
SEA Games 31 với chương trình thi đấu gồm 40 môn thể thao, dự kiến thu hút khoảng 10.000 quan chức, trọng tài và thành viên các đoàn thể thao của 11 quốc gia Đông Nam Á tham dự. Tính cả số lượng người phục vụ cho công tác tổ chức của nước chủ nhà, người hâm mộ và du khách, có thể lên đến 25.000 đến 30.000 người trong thời gian SEA Games 31 diễn ra. Con số này chắc chắn gây áp lực rất lớn lên công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường.
Đối với nước chủ nhà Việt Nam, dịch Covid-19 đã xuất hiện 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (tính đến ngày 27/7/2021) và ở 12/12 địa phương dự kiến đăng cai tổ chức SEA Games 31. Số ca nhiễm tăng nhanh ở đợt dịch thứ 4 khiến cho cuộc sống của nhân dân ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền và người dân địa phương trong cả nước đang tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” với mong muốn sớm kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp, cá biệt như Indonesia đã trở thành vùng dịch hết sức nguy hiểm với hơn 3,1 triệu ca nhiễm tính đến ngày 26/7/2021. Các quốc gia như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Campuchia vẫn đang trong tình trạng đáng lo ngại và phải thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt như giãn cách, phong tỏa và hạn chế đi lại. Theo thống kê của trang worldometers.info, khu vực Đông Nam Á trở thành điểm nóng của dịch Covid-19 của châu Á và thế giới với số lượng ca nhiễm gia tăng với tốc độ rất lớn.
Vì thế, nếu SEA Games 31 diễn ra như kế hoạch, không chỉ gây áp lực lớn lên công tác phòng, chống dịch cho quốc gia đăng cai, mà còn kèm theo nguy cơ lây nhiễm, đe dọa tới sự an toàn và sức khỏe của tất cả mọi người tham gia đại hội.
Tìm thời điểm thích hợp để tổ chức SEA Games 31
Với mong muốn tổ chức một kỳ SEA Games thực sự an toàn, đặt mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của mọi người tham dự đại hội nói riêng và người dân cả nước nói chung, các nhà tổ chức đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tình hình dịch bệnh trong nhiều tháng qua. Dự báo, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường tại Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chuẩn bị tổ chức và tham dự của toàn bộ các đoàn thể thao, việc tìm thời điểm thích hợp hơn để tổ chức SEA Games 31 là hết sức cần thiết.
Qua nhiều lần thảo luận và trao đổi với đại diện các đoàn thể thao trong khu vực, trong hội nghị mới đây nhất của Văn phòng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (diễn ra vào ngày 8/7/2021), đề xuất hoãn SEA Games 31 của đại diện Ban tổ chức và Ủy ban Olympic Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn thể thao trong khu vực cũng như SEAGF. Thông tin từ Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, sau quá trình thảo luận, Chủ trì hội nghị, ông Dato Seri Chaiyapak Siriwat đã lấy ý kiến các đại biểu tham dự về việc không tổ chức SEA Games 31 trong năm 2021 và đề xuất này đã được các đại biểu tham dự họp nhất trí cao.
SEA Games 31 sẽ được tổ chức vào một thời điểm thích hợp hơn, khi dịch bệnh được kiểm soát và không làm ảnh hưởng tới quá trình tham dự các đại hội thể thao quốc tế khác của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Ban tổ chức SEA Games 31 cũng đang xây dựng và tham mưu cho Chính phủ về việc lựa chọn phương án tốt và phù hợp nhất để tổ chức thành công SEA Games 31.
Và kinh nghiệm tổ chức từ Olympic Tokyo
Trong những ngày này, Olympic Tokyo đang diễn ra đầy sôi động tại Nhật Bản, bất chấp những sự đe dọa từ dịch Covid-19. Số ca nhiễm hàng ngày tại Tokyo kể từ thời điểm Olympic khởi tranh vẫn rất đáng lo ngại. Thậm chí, trước và trong thời điểm Olympic diễn ra, Ban tổ chức vẫn phải đối phó với tình trạng xuất hiện ca nhiễm ngay trong làng VĐV bao gồm VĐV, thành viên, quan chức các đoàn thể thao tham dự và nhân viên phục vụ.
Dù vậy, với những biện pháp xử lý rất hiệu quả, các môn thi đấu, các cuộc tranh tài của đại hội vẫn diễn ra hết sức hấp dẫn. Cách thức tổ chức theo nguyên tắc “bong bóng” của Olympic Tokyo rất cần được tham khảo khi tổ chức các đại hội thể thao quốc tế lớn trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra. Trong đó, việc thiết lập một hệ thống kiểm tra, xét nghiệm PCR và giám sát (áp dụng những thành tựu mới về công nghệ) đối với các VĐV và mọi người tham gia Olympic được đặt lên hàng đầu, kết hợp cùng với nguyên tắc phòng, chống dịch nghiêm nghiêm ngặt và đầy đủ nhất.
Vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn, Olympic Tokyo dù chưa khép lại song kỳ đại hội này đã trở thành lịch sử, tiêu biểu cho tình đoàn kết bằng nỗ lực và trí tuệ của cả nhân loại. Nó giống như lời khẳng định của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Olympic Tokyo cần được tổ chức, bởi lúc này, thế giới cần Thế vận hội "như một sự kiện của hy vọng". Kinh nghiệm, mô hình và cách thức tổ chức Olympic Tokyo có thể sẽ trở thành bài học quý báu cho việc tổ chức các kỳ đại hội thể thao quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới có thể được kiểm soát hoàn toàn.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vũ Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất