25/09/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Cuối tuần qua, mỹ thuật Việt Nam đã có được hai sự kiện gần như cùng lúc, rất hiếm gặp và nhiều ý nghĩa. Một do nhà đấu giá Lynda Trouvé tổ chức tại Paris ngày 22/9, bán 19 bức tranh của vua Hàm Nghi (1871 - 1944). Một do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn tổ chức tại TP.HCM ngày 23/9, bày 199 tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1919 - 2016). Dư âm đẹp của hai sự kiện này sẽ còn được nhắc lại lâu dài trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
1. Phiên đấu mà nhà Lynda Trouvé tổ chức có tên Indochine - Chapitre 16 (Đông Dương - Chương 16), giới thiệu 255 lô hàng, với gần 300 tác phẩm - vật phẩm, trong đó có 19 tranh của vua Hàm Nghi.
Những tác phẩm này được vẽ vào những năm 1909 - 1911, khi nhà vua đang tuổi trung niên và bị đày ở Algeria. Tất cả là tranh sơn dầu khổ nhỏ, từng thuộc sở hữu của Henri Aubé, một lính Pháp đóng quân ở Hà Nội từ năm 1907 đến năm 1909, sau khi về nước ít lâu thì được tặng.
Nhà Lynda Trouvé từ chối bán trước loạt tranh này, dù đã có vài nhà sưu tập ngỏ ý muốn mua. Lynda Trouvé cho biết muốn tạo ra một cơ hội công bằng cho các nhà sưu tập đến từ Việt Nam, những người vì lòng ngưỡng mộ vị vua yêu nước mà muốn sở hữu tranh. Lynda Trouvé còn "chơi sốc" bằng việc đưa giá khởi điểm không có bức nào vượt quá 5.000 EUR (khoảng 5.330 USD), thậm chí vài bức chỉ có khởi điểm 800 - 1.000 EUR. Rõ ràng mức khởi điểm này là để tạo sự thu hút và kịch tính cho phiên đấu, chứ không phải do lỗi định giá.
Kết quả thì 19/19 bức được đấu thành công, tăng giá bình quân hơn 10 lần mức khởi điểm.
Ví dụ như bức Sous-bois au soleil couchant (Bụi cây lúc mặt trời lặn, sơn dầu trên toan, 39x30 cm) có giá khởi điểm 1.500 - 2.000 EUR, kết quả đấu 38.000 EUR. Hoặc bức Champs de blé (Cánh đồng lúa mì, sơn dầu trên toan, 31x39 cm) khởi điểm 3.000 - 5.000 EUR, kết quả đấu 32.000 EUR. Hoặc bức Lac au crepuscule (Hồ lúc chạng vạng, sơn dầu trên các-tông, 24,5x32,5 cm) khởi điểm 1.500 - 2.000 EUR, kết quả đấu 32.000 EUR.
Giá này là chưa bao gồm thuế và phí khoảng 30%. Tin vui là cả 3 bức này sẽ hồi cố hương về Việt Nam. Theo thông tin chưa chính thức, thì khoảng 12/19 bức sẽ về Việt Nam, 7 bức còn lại đi sang Đức, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc).
Hàm Nghi lên ngôi lúc 14 tuổi. Ông ban Chiếu Cần Vương ngày 13/7/1885, kêu gọi cả nước đánh giặc, chống Pháp. Tháng 11/1888, ông bị giặc Pháp bắt sống tại miền núi tỉnh Quảng Bình, đưa xuống tàu và đày đi biệt xứ.
Khi đi đày, Hàm Nghi bị hạn chế rất nhiều về thư từ với quê nhà. Nên có lẽ vì vậy mà ông chọn vẽ tranh phong cảnh để bày tỏ nỗi lòng mong nhớ cố hương, dù hiếm khi nào ông vẽ (hoặc được phép vẽ?!) phong cảnh cố hương. Trong các phong cảnh ấy, hiếm khi nào thấy ông vẽ người Tây phương/ Bắc Phi, mà chỉ một màu bảng lảng, lam chiều - một thị giác khá quen của xứ Trung bộ, Việt Nam.
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội, trong hồ sơ tập 7, phông Nha kinh lược Bắc kỳ, có lưu hai bài thơ chữ Nôm tựa là Ngự bút tự trào quốc âm nhị thư ban Bắc kỳ chư thứ của Hàm Nghi. Dù thơ viết trong giai đoạn Cần Vương, nghĩa là lúc vua mới 14 - 15 tuổi, nhưng đã rất rõ khí khái. Xin trích lại đây bài 2 để hình dung về cốt cách của ông:
"Nhủ bảo quân dân cập lại quan
Thứ cho tội trẫm đã muôn vàn
Ngôi cao kịp tới liền lo nghĩ,
Tuổi trẻ nhưng nay luôn thở than
Vạch đất ra tay tề xã tắc
Xin trời mở mặt với giang san
Bốn phương đâu để theo dòng cũ
Trung nịnh rồi ra sẽ liệu bàn".
2. Từ ngày 23/9 đến 1/10 tại không gian của Trần Hậu Tuấn (357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình, TP.HCM), giới thưởng lãm được chiêm ngưỡng cuộc trưng bày lớn nhất từ trước đến nay về Nguyễn Tư Nghiêm. Bao gồm 150 tranh bột màu, 38 tranh phác thảo được vẽ pastel, mực và khắc gỗ, 2 tranh sơn dầu, 8 tranh sơn mài và 1 sơn mài vẽ trên thớt gỗ.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân (1934 - 1999) từng viết: "Nguyễn Tư Nghiêm ước định, tổng hợp và tích hợp, tất cả vào trực cảm mạnh mẽ và sâu lắng của cá nhân, không biện luận. Còn có thể nói là phi hệ thống, cũng được. Nó bác bỏ cái bề ngoài nguyên vẹn, nhưng hời hợt, của sự vật mà hướng về cái hỗn độn, phức tạp bên trong. […]. Nếu, Nguyễn Tư Nghiêm là một mệnh để đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của Cái Đẹp lôi cuốn đi".
Vậy thì những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân? Đầu tiên, đó là các đề tài mang màu sắc từ văn hóa dân tộc, từ di sản nghệ thuật dân gian, từ điển tích hoặc văn chương Việt Nam. Tiếp đến là cách ông tiếp nhận kỹ thuật hội họa Tây phương, quan niệm sáng tạo Đông - Tây, để từ đó Việt hóa rốt ráo nhất có thể.
Không phải ngẫu nhiên 3 ba bộ tứ và khoảng 8 tên tuổi lớn khác, làm nên Top 20 danh họa thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, thì đa số đã đi tận cùng, rốt ráo với tinh thần Việt hóa. Nếu chú ý riêng về vật liệu/chất liệu, thì nói như họa sĩ Nguyễn Như Huy: "… nếu Nguyễn Phan Chánh có lụa, Nguyễn Gia Trí có sơn mài, thì Nguyễn Tư Nghiêm có bột màu giấy dó".
Đây cũng là dịp ra mắt cuốn sách Nguyễn Tư Nghiêm (NXB Thông Tấn) do Trần Hậu Tuấn biên soạn, in màu, khá công phu. "Người ta có cảm giác Nguyễn Tư Nghiêm ảnh hưởng nghệ thuật lập thể. Tranh ông cấu trúc luôn được phát triển tự do. Hình thể bóp ngắn, kéo dài, đập vỡ, tổng hợp, bắt đầu và kết thúc đầy ngẫu hứng. Các hình tượng là tinh thần ngôn ngữ của điêu khắc đình và chùa Việt Nam thế kỷ 17. Họa sĩ đã bóc tách các đường nét trên bề mặt những bức phù điêu cổ, sau đó phân tích tính biến đổi trong không gian đa chiều, rồi sắp đặt lại trên mặt phẳng hai chiều. Ông đi lại tự do giữa bút pháp hiện thực và truyền thống rất thoải mái" - Trần Hậu Tuấn chia sẻ.
Anh nói thêm: "Mặc dù ông không có ý định vẽ trừu tượng, nhưng nhiều bức họa do biến đổi nhiều lần trong quá trình sáng tạo đã gần đến trừu tượng. Những ký hiệu, dấu ấn thị giác của hình thể tan biến gần hết trong các tổ hợp nét và màu đầy âm hưởng dân gian nhưng lại mang tính triết lý bác học sâu sắc".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất