14/10/2021 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/10 vừa qua, UBND TP Hà Nội vừa ra văn bản số 3453, với tinh thần giao các đơn vị liên quan cùng phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật Kiến trúc.
Cần nhắc lại, trước văn bản này, dư luận đã phản ứng khá gay gắt với mẫu thiết kế mang tên “Xứ Đông Dương” của cây cầu nói trên. Và, việc nhìn lại nhược điểm của thiết kế cũ - cũng như việc khai thác phong cách kiến trúc Đông Dương trong đời sống hiện đại - là điều cần thiết để rút ra những kinh nghiệm hữu ích.
Về vấn đề này, TT&VH có cuộc trao đổi với KTS Đoàn Thanh Hà - chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc đô thị tại Hà Nội, đồng thời giành được khá nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế.
Tại sao lại là “phong cách Đông Dương”?
* Trước hết, ở góc độ cá nhân, theo anh khái niệm “phong cách (kiến trúc) Đông Dương” nên được hiểu ngắn gọn như thế nào? Và phong cách này có đặc điểm gì nổi bật về tinh thần, cũng như các phương thức thể hiện?
- Từ cuối thế kỷ 19, nền kiến trúc châu Âu đã du nhập vào Việt Nam, lấn át và đẩy nền kiến trúc cổ truyền của chúng ta (điển hình là kiến trúc gỗ định hình từ xa xưa) xuống hàng thứ yếu. Rất may là người Pháp không tìm cách triệt tiêu kiến trúc thuần Việt (như Trung Quốc làm thời Bắc thuộc).
Đầu tiên là những kiến trúc thực dân mang từ Pháp sang, sau đó đã được “nhiệt đới hóa” cho phù hợp với khí hậu. Sau này có 6 - 7 phong cách trong kiến trúc thời Pháp thuộc, và “tiến bộ” hơn cả trong số ấy là phong cách Đông Dương. Tôi nói “tiến bộ” vì thể hiện sự tôn trọng nhất định với văn hóa bản địa. Phong cách này được tạo nên bởi sự kết hợp giữa bố cục mặt bằng - hình khối - kết cấu kiểu Tây với hình thức kiến trúc có các chi tiết khai thác từ kiến trúc bản địa ở các nước thuộc địa Đông Dương (có cả những chi tiết kiến trúc Trung Quốc).
Kiến trúc cổ Việt Nam tuy khác nhau về nội dung (chức năng, con người, quy mô), nhưng lại giống nhau về cấu trúc và biểu hiện (kiến trúc gỗ định hình). Vậy nên, một số chi tiết điển hình được cho là dấu hiệu nhận diện đặc trưng, và “dùng để phối trộn” trong phong cách Đông Dương (mái dốc, đầu đao, cột, công-xôn) một cách riêng rẽ, không gắn với toàn bộ cấu trúc kiến tạo.
Có thể mạnh dạn nhìn nhận: Phong cách Đông Dương chỉ là một cách xử lý hình thức bên ngoài của kiến trúc Pháp thuộc. “Hài hòa/ hòa hợp” là tinh thần của phong cách này, mặc dù hoàn toàn có thể coi kiến trúc Pháp thuộc là sự xâm lăng về văn hóa – có kẻ thắng, có người thua.
* Vậy, từ góc nhìn của một KTS, anh đánh giá cây cầu Trần Hưng Đạo (hiện ở dạng phối cảnh) có hơi hướng gì gợi tới “phong cách Đông Dương không” như phía xây dựng thiết kế này đã diễn giải sau đó? Và trong cách tiếp cận của họ, phong cách Đông Dương có bị hiểu sai không?
- Câu hỏi tôi muốn đặt ngược lại là phong cách Đông Dương có tính thời điểm 1930 -1940 (khi còn là thuộc địa). Bây giờ giai đoạn ấy đã hết và không có sự tiếp nối phát triển nào trong suốt 80 năm qua, vậy sao ta lại cố gắng “gợi tới” làm gì? Chưa kể, không có phong cách Đông Dương cho cầu.
Nhìn phương án thiết kế bạn hỏi, tôi có thể nói ngay: Cách tiếp cận ở đây mang nặng chủ nghĩa hình thức. Chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc có biểu hiện điển hình là phô trương, phù phiếm, lai căng, nhái, nhại, giả cổ,... Đây cũng vẫn đang là thực trạng nhức nhối lâu nay trong quá trình phát triển kiến trúc đương đại ở Việt Nam. Và cách đây 20 năm, một giáo sư có tiếng trong lĩnh vực này từng phải thốt lên: “Không nơi nào trên thế giới lại có trào lưu xây dựng theo kiểu giả cổ và nhại cổ tới mức ồ ạt và đồ sộ như ở ta – nhất là cái cổ đó lại không phải của dân tộc mình”.
Phong cách “nhại cổ” vẫn đang thịnh hành
* Bỏ qua vấn đề phong cách, anh thấy phương án “Xứ Đông Dương” của cây cầu Trần Hưng Đạo còn những điểm gì chưa hoàn thiện?
- Bản chất của kiến tạo là hình thức cần phản ánh công năng. Biểu cảm (thẩm mỹ) phải trên cơ sở đúng với Kết cấu (chịu lực) & Sử dụng (không gian hoạt động), ba khía cạnh này phải thống nhất với nhau nếu không chỉ là giả tạo. Kiến tạo xuất phát từ tính chất cơ lý của vật liệu để ra được hình thức chịu lực tương ứng, khi ấy biểu hiện hình thức bên ngoài sẽ phản ánh cấu trúc không gian bên trong .
Phương án “Xứ Đông Dương” có hình thức không phản ánh trung thực kết cấu của cầu thì đương nhiên là không đẹp. Chúng ta đang kiến tạo ở một thời đại mới, thì sao lại phải nhồi nhét cái nội dung mới vào những cái vỏ “cũ” đã không còn phù hợp?
Kiến trúc cầu xuất phát từ nhu cầu của con người (kết nối giao thông, không gian cảnh quan, biểu tượng văn hóa,..) và được xem xét trong bối cảnh nơi mà nó sẽ hiện hữu (các quy định độ cao, tĩnh không, văn hóa,..), từ đó mới đề xuất giải pháp. Trường hợp này nên quan niệm cây cầu như là một phần của cảnh quan khu vực với hai bên viền cầu có nhiều cây xanh và đường dạo. Do cầu dài mà lại ở vị trí giới hạn chiều cao và phải đảm bảo tĩnh không bên dưới thì có thể ứng dụng các giải pháp xoay/ nâng/ nhấc mặt cầu ở vị trí phù hợp để đảm bảo lưu thông đường thủy.
Những tín hiệu trên hoàn toàn có cơ hội trở thành cây cầu biểu tượng nếu khai thác đúng. Có thể kể đến những cây cầu “cử động được” dạng này: Cầu quay Sông Hàn (Việt Nam, 2000, xoay), cầu Pont Gustave-Flaubert (Pháp, 2008, nâng), cầu Twin Sails (Anh, 2011, nhấc),...
* Từ góc nhìn của anh, trong giai đoạn sau 1945, chúng ta còn bắt gặp nhiều “dư âm” hoặc sự “chịu ảnh hưởng” của phong cách Đông Dương trên các công trình xây dựng không? Và những công trình này có thành công phần nào với cách tiếp cận ấy?
- Phong cách Đông Dương được đánh giá cao ở thời điểm những năm 30 - 40 của thế kỷ 20 so với các phong cách khác, do nó đem lại sự quen thuộc về hình thức và dễ dùng trong nhiều hoàn cảnh. Còn ở hiện tại thì tôi cũng không biết rõ những ai đang “đánh giá cao” phong cách này (là giới chuyên môn/ nhà quản lý/ nhà đầu tư hay người dân?). Nhưng có sự thật là vẫn đang thịnh hành một “phong cách” kiến trúc nhại cổ, giả kiến trúc Pháp thời thực dân trong thực tế hiện nay.
Có thể, tiêu chuẩn về cái Đẹp, được kế thừa từ nguồn của văn minh loài người đang dao động với biên độ lớn trong tâm thức người Việt. Ở nhiều thời điểm, nó hoặc chưa được trang bị đầy đủ, thiếu tính phổ thông; hoặc bị hiểu sai lệch, chưa thấu đáo, giáo điều; hoặc bị lạm dụng như một phương tiện để đạt được những mục đích phi nghệ thuật;... để rồi tâm thức sùng ngoại vẫn đang tồn tại như một thứ mốt thời thượng.
Hiện tượng này hàm chứa một thái độ nhiều cảm tính thì đúng hơn là một cách đánh giá khoa học về phong cách kiến trúc. Hình ảnh phản cảm của nhiều công trình khiến chúng ta không thể không băn khoăn, không thể không nói không với mọi biểu hiện của chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc đương đại.
* Trong quá trình làm nghề, anh có gặp nhiều khách hàng ưa chuộng và có nhu cầu muốn xây dựng các công trình mang hơi hướng kiến trúc Đông Dương (hoặc vẫn quen gọi bằng cái tên kiến trúc Pháp cổ)? Thông thường, anh sẽ tư vấn và chia sẻ gì với những trường hợp ấy?
- Cũng không nhiều khách hàng có quan điểm như vậy tìm đến chúng tôi, có thể họ cũng đã tìm hiểu trước những công việc tôi đã làm rồi mới quyết định đồng hành. Tôi tôn trọng quan điểm cá nhân của mỗi người, đồng thời cũng chia sẻ rõ những suy nghĩ của mình để mọi hướng đi trở nên sáng tỏ trước khi bắt đầu.
Tôi vẫn luôn đánh giá cao sự tiếp nối của các giải pháp “nhiệt đới hóa” lan tỏa sang những năm 50 - 70 của thế kỷ trước trong các công trình kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn.
* Cuối cùng, theo anh, trong trào lưu xây dựng hiện nay, xu thế ưa chuộng và xây dựng các công trình mang âm hưởng kiến trúc Đông Dương nên được nhìn nhận thế nào? Tâm lý hoài cổ ấy nên dừng ở đâu là hợp lý và cần đảm bảo những yêu cầu nào?
- Gốc của kiến trúc phong cách Đông Dương là xuất phát từ người Pháp, nếu vẫn “chuộng” Pháp thì nên hiểu rõ hiện nay họ đang làm gì? Chúng ta hãy xem ba kiến trúc sư đương đại của nước Pháp được trao giải Pritzker (Christian de Portzamparc, Jean Nouvel, Anne Lacaton & Jean-Philippe Vassal) để thấy rằng: Kiến trúc Việt hôm nay cần phải phản ánh thực tiễn xã hội Việt Nam hôm nay, thậm chí kiến trúc cần đi trước một bước để dự báo những biến động của xã hội trong tương lai!
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tranh cãi quanh “Xứ Đông Dương” Có chiều dài 800 mét (5,5 km nếu tính cả đường dẫn), cây cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu theo hình thức BOT với tổng kinh phí 8.900 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, các bên liên quan là Ban Giao thông, Tư vấn thiết kế và nhà đầu tư đã thống nhất có tờ trình báo cáo UBND thành phố Hà Nội 3 phương án thiết kế kiến trúc xây dựng cầu, trong đó phương án 3 mang tên “Xứ Đông Dương” được hội đồng tư vấn cho số điểm cao nhất. Tuy nhiên, sau khi được công bố, nhiều ý kiến cho rằng phương án này không hợp lý, thiếu thẩm mỹ và không đồng bộ với cảnh quan Hà Nội. Sau kiến nghị từ dư luận – đặc biệt là của giới chuyên môn và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, UBND Hà Nội đã có văn bản với tinh thần giao các đơn vị liên quan cùng phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cho cây cầu này. |
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất