17/02/2022 07:13 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chục ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết đã qua. Học sinh tại nhiều địa phương đã quay trở lại trường. Công nhân cũng đổ về các khu công nghiệp trên cả nước. Rạp chiếu phim tại Hà Nội đã được phép mở cửa…
Đầu năm mới, ta thường nhìn lại các việc đã làm trong một năm, đặt ra các kế hoạch hoặc là mục tiêu cho năm mới kèm theo những quyết tâm thay đổi các thói quen có hại. Nhưng thay đổi một thói quen cũng thật sự khó khăn.
Bởi vì “Khi ta muốn thay đổi, bộ não đương nhiên là không hài lòng. Vì chúng ta có một bộ não rất thông minh, nhưng cũng vô cùng lười nhác. Nhưng cũng chính vì bộ não lười, nên việc hình thành một thói quen mới là vô cùng khó khăn... Trung bình để xây dựng một thói quen đơn giản nhất ta cũng phải mất tới 66 ngày”. Một bài viết cách đây 4 năm của một PGS-TS trường Đại học khoa học ứng dụng Amsterdam - Hà Lan chỉ ra như vậy.
Với cá nhân thì như vậy, còn với cả một cộng đồng thì thế nào? Người Việt chúng ta nhiều đời nay vẫn bị ảnh hưởng bởi quan điểm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Đó là giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với những hội hè diễn ra liên miên, kéo dài liên tục nhiều tháng tại nhiều địa phương, rất nhiều người đã lạm dụng, bỏ bê công việc để lễ lạt, du Xuân.
Cũng vì lý do này, nhiều năm gần đây, khi bắt đầu quay trở lại làm việc sau những kỳ nghỉ lễ Tết, người đứng đầu Chính phủ luôn phải ra những văn bản, chỉ thị nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của các cán bộ, công chức ngay trong những ngày làm việc đầu năm. Riêng năm nay, ngay từ ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị 01/CT-Ttg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
Sau 2 năm liên tiếp khó khăn do đại dịch Covid, năm nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng đã cho xuất quân đầu năm sớm rồi bắt ngay vào guồng quay mới. Đấy là những tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” giờ đã không còn nữa.
Tôi nhớ, cách đây nhiều năm, khi còn sống, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã cho rằng: “Tháng Giêng - tháng ăn chơi là cả một chìa khóa, một mật mã để cải thiện đời sống tâm lý của người lao động nông nghiệp. Người lao động nông nghiệp không phải là người lao động công nghiệp, cũng không phải người lao động hành chính, do đó tháng Giêng - tháng ăn chơi ấy không thuận tự nhiên với lao động hành chính, lao động công nghiệp”. Và ông kết luận rằng: Gọi tháng Giêng - tháng ăn chơi là một biện hộ, nó lạc hậu bởi vì ta lợi dụng nó.
Cho nên, chúng ta hết sức vui mừng từ thực tế đã diễn ra đầu năm nay. Trên đà xuất phát thuận lợi, với tinh thần khởi sắc đầu Xuân, hy vọng rằng chúng ta từ bỏ hẳn được thói quen “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tập trung vào công việc, nhưng cũng cần phải “thích ứng, linh hoạt”, cho nên mọi người vẫn cần phải chú ý làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc.
Làm được tốt những điều này, chúng ta mới giữ được những thành quả phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua, đồng thời đảm bảo được tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra trong năm mới.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất