Chữ và nghĩa: Tháng Giêng bếp chủ nhà, tháng 3 bếp con ở

17/03/2021 07:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hai tháng (tháng Giêng, tháng 3) được nhắc đến trong câu tục ngữ này dĩ nhiên tính theo Âm lịch.

Chữ và nghĩa: Tại sao 'Có cá đổ vạ cho cơm'?

Chữ và nghĩa: Tại sao 'Có cá đổ vạ cho cơm'?

"Có cá đổ vạ cho cơm", đây là câu tục ngữ đáng bàn từ góc độ ẩm thực và ngôn ngữ.

Tháng Giêng là tháng đầu năm. Đây là tháng có Tết Nguyên đán (cái Tết lớn nhất, thiêng liêng nhất) và còn thêm Tết Nguyên tiêu và nhiều lễ hội khắp nơi kéo dài tới nhiều ngày sau đó.

Vì đang thời kỳ nông nhàn. Mùa màng rau cỏ đã thu hoạch xong. Cấy hái cho vụ mới hoặc đã khá ổn (hoặc lui lại một chút không sao). Thời tiết đang rét lạnh cũng là lý do người ta tạm ngừng các hoạt động lao động sản xuất. Cả năm vất vả, cũng nên dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ khi Tết đến Xuân về.

Và quan trọng, vào tháng Giêng, hầu hết các gia đình Việt Nam đã chuẩn bị, dự trữ một khối lượng lương thực, thực phẩm dư dật. Ở nông thôn, nhà nào cũng xay giã cho đầy vại gạo, rán cho đầy âu mỡ, gà vịt nuôi trữ trong chuồng, su hào, bắp cải, rau xanh đầy vườn, rơm rạ chất đốt cũng ổn. Thế là yên tâm tập trung cho “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Còn tháng 3, là tháng vào kỳ giáp hạt. Tháng Giêng đã “ăn nghiêng bồ thóc” rồi. Tháng 2 ăn tiếp cho bồ thóc cạn hẳn. Mọi người đối mặt với tháng 3 mới thật đáng sợ. Trong nhà gạo hết, cái đun không còn. Ngoài vườn rau cũng hết. Nhìn ra ngoài kia, đồng không mông quạnh lại mưa phùn gió bấc lạnh tê người. Ai đã từng sống trong cảnh nông thôn (nhất là nông thôn miền Bắc) vào những dịp tháng 3 vào những năm xưa mới thấm thía hết ý nghĩa của câu “Tháng 8 đói qua, tháng 3 đói chết”.

Đây chính là cơ sở làm nên ngữ nghĩa câu tục ngữ vừa dẫn (trong tít bài) “Tháng Giêng bếp chủ nhà, tháng 3 bếp con ở”.

Câu này được Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển Tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) chuyển chú (sang câu “Bếp tháng Giêng bếp chủ nhà, bếp tháng 3 bếp con ở”) và giải nghĩa là: “Bếp núc trong tháng Giêng là của chủ nhà (vì đây là tháng ăn chơi nên khách khứa rất hay ghé thăm); bếp núc trong tháng 3 là bếp của đầy tớ (vì đây là dịp ít ai ghé thăm để tránh gây khó khăn cho chủ nhà đang túng bấn trong kỳ giáp hạt)”.

Nhưng, giải thích như thế cũng chưa hết lẽ. “Bếp chủ nhà” được hiểu là cái bếp thể hiện đầy đủ nhất những gì cần có trong một gia đình trọn vẹn, đủ đầy. Trong cái “trọn vẹn” đó thì việc có mặt gia chủ trong những ngày đầu năm (do nghỉ việc, do lo cho chuyện chuẩn bị nấu nướng, bày biện, đón khách khứa) là cần thiết. Còn tháng 3 thì chủ nhà, hoặc “nằm co”, hoặc phải đi lo mọi việc cần thiết (đồng áng, chợ búa, công nợ…) nên lúc đó thì bếp núc vắng vẻ, lạnh tanh (vì ít có cơ hội nhóm lửa). Có chăng chỉ có đầy tớ, con ở ở đây thu vén việc nhà cho gia chủ. Nói “bếp con ở” cũng nhằm hàm ý, chỉ sự “nghèo nàn, đói khổ, tẻ nhạt, ít sức sống”.

Tất nhiên, đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ thì ai cũng biết rằng, cuộc sống đã khác. Cảnh đói kém (đến mức phải chạy ăn từng bữa) cơ bản đã chấm dứt. Người ta chỉ còn lo “ăn sao cho ngon, mặc sao cho đẹp”. Và cái bếp hiện đại bây giờ cũng hoàn toàn khác hẳn, với những vật dụng vừa hiện đại, vừa đẹp, vừa tiện lợi. Chả cần “vào bếp với những người nổi tiếng”, ta vẫn có thể ung dung chế biến những món cao lương mỹ vị thết đãi mọi người.

Tháng 3 ngày 8 qua rồi

Bếp nhà em vẫn bao người viếng thăm.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm