TTK UB Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang: 83 HCV và tốp 2 chỉ là trong tầm kế hoạch

19/12/2009 12:30 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Đoàn TTVN đã giành được vị trí thứ hai với 83 HCV, 75 HCB và 57 HCĐ- một thành công. Nhưng đó có phải là bất ngờ, và đằng sau những thành tích ấy là gì? TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó CT kiêm Tổng thư ký UB Olympic Việt Nam, ngay tại Vientiane.

* Thưa ông, với tư cách là một nhà quản lí thể thao, ông đánh giá như thế nào về thành tích 83 HCV và vị trí thứ nhì chung cuộc của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 25? Con số này có nằm trong dự kiến của ông?

- Hoàn toàn nằm trong thiết kế của chúng ta. Trước ngày lên đường chúng ta đặt mục tiêu giành từ 75 tới 89 HCV tại SEA Games 25, và cuối cùng là 83 HCV, con số nằm ở khoảng giữa. Thái Lan dù đoạt ngôi nhất toàn đoàn nhưng thực ra họ không đạt HCV như dự kiến đâu, vì do thi đấu không tốt ở một số môn nên Thái Lan đã để tuột mất không ít HCV. Còn thành tích 43 HCV của Indonesia hay 33 HCV của Lào đều nằm trong dự kiến.

* Con số 83 HCV nói lên điều gì, nhất là nếu đặt trong bối cảnh từ SEA Games 22 tới nay, thưa ông?

- Nếu tính từ cột mốc SEA Games 22, kỳ Đại hội đầu tiên mà chúng ta đoạt vị trí nhất toàn đoàn, tức là bắt đầu vào tốp 3, thì SEA Games này chúng ta cũng vẫn duy trì được vị trí của mình trong tốp 3. Thực ra thể thao Việt Nam không phải cạnh tranh một vị trí trong tốp 3 mà là tốp 2 kia, và thậm chí chúng ta hoàn toàn có thể lấy được ngôi nhất toàn đoàn nếu như cố gắng thêm một chút, nhưng thôi… Điều trùng hợp là ở SEA Games 25 này Lào đã đưa vào một số môn là thế mạnh của cả ta lẫn bạn, và tới SEA Games 26, chắc chắn chủ nhà Indonesia cũng sẽ làm việc tương tự, nhưng dù gì thì cơ bản vẫn phải là các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Với tầm cỡ của Indonesia thì ngôi nhất toàn đoàn SEA Games 26 gần như chắc chắn sẽ thuộc về Indonesia, và chúng ta sẽ cạnh tranh vị trí thứ nhì cùng Thái Lan.

* Thành tích mà thể thao Việt Nam có được ở SEA Games có ý nghĩa như thế nào với con đường phát triển của chúng ta trong thời gian sắp tới?

- Rất có ý nghĩa. Ở SEA Games 25, chúng ta đã thi đấu rất thành công ở nhiều môn thể thao thuộc hệ thống Olympic, chứ không chỉ những môn là sở trường của Việt Nam như lặn hay đá cầu. Mà thực ra những môn như thế này thì chúng ta cũng chỉ được tham gia 60% nội dung mà thôi, ví dụ như môn lặn, có tổng cộng 7 bộ huy chương thì chúng ta chỉ lấy được có 4 bộ.


TTVN lần đầu tiên giành được vị trí thứ 2 khu vực (nếu không kể lần chúng ta tổ chức SEA Games 2003)

Những môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi lội hay bóng bàn đã gặt hái kết quả hết sức ấn tượng. Điền kinh lấy được 7 HCV, còn bơi lội cũng có 2 (1 HCV 100m ếch của Hữu Việt và 1 HCV nhảy cầu của Thanh Trà).

Ở nội dung bơi 200m ếch Hữu Việt cũng bơi rất tốt, nhưng các bạn Đông Nam Á cũng có thành tích tốt chẳng kém nên chúng ta phải chấp nhận về nhì. Còn bóng bàn thì thực sự đã làm nên lịch sử, vì đây là lần đầu tiên trong vài kỳ SEA Games lại đây, chúng ta đã ngăn cản không cho Singapore thâu tóm toàn bộ số HCV bằng chiếc HCV đôi nam của Kiến Quốc/Quang Linh.

Cử tạ dù Hoàng Anh Tuấn không thành công, nhưng nếu có chiến thuật thi đấu phù hợp hơn thì chắc chắn Anh Tuấn đã không để rơi vàng như vậy. Tuy nhiên, tôi đánh giá rất cao chiếc HCV cử tạ nữ hạng cân 69kg của Nguyễn Thị Phương Loan, và trong thời gian sắp tới ở Đông Nam Á ít có đối thủ nào cạnh tranh được với Phương Loan ở nội dung này.

* Vậy còn cái chưa được của thể thao Việt Nam ở SEA Games 25 là gì, thưa ông? Phải chăng là thất bại của bóng đá nam ở trận chung kết hay việc Tiến Minh, cây vợt có thứ hạng thế giới cao nhất ở SEA Games 25, bị loại sớm?

- Bóng đá nam thì quả thực là không ai có thể ngờ được. Không thể tin rằng một đội bóng ấn tượng như vậy ở bán kết lại nhanh chóng lột xác trở thành một đội bóng bình thường đến thế trong trận chung kết. Sau trận, tôi đã gặp rất nhiều CĐV lặn lội từ Việt Nam sang Vientiane theo dõi trận chung kết và tất cả đều nói rằng rất buồn, rất chán, và không hiểu tại sao lại như vậy.

Còn Tiến Minh, với vị trí thứ 7 thế giới, đúng là Tiến Minh sở hữu thứ hạng cao nhất trong số các cây vợt nam tham dự SEA Games 25 (cây vợt số một thế giới Lee Chong Wei người Malaysia không dự SEA Games 25-PV), nhưng tôi nghĩ thất bại của Tiến Minh cũng chẳng có gì đáng gọi là bất ngờ. Một VĐV đã thi đấu liên tục hết giải này tới giải khác để tích lũy điểm số và cải thiện thứ hạng của mình như Tiến Minh thì việc thua ở một giải đấu nào đó cũng là chuyện bình thường. Cho dù thế nào đi nữa thì những VĐV như Tiến Minh hay Hoàng Anh Tuấn vẫn là “hàng hiếm” của thể thao Việt Nam và ở những giải đấu lớn hơn trong thời gian tới như Asian Games Quảng Châu 2010 hay Olympic 2012 thì chúng ta rất cần tới những “gà nòi” như vậy.

* Nhân tiện nói tới Asian Games 2010, theo ông, thành tích tại SEA Games 25 có giúp ích được nhiều cho chúng ta trong quá trình chuẩn bị cho Asian Games 2010?

- Theo tôi thì cả Asian Indoor Games hay SEA Games đều là bước khởi động và tập dượt cho Asian Games 2010. Đại hội thể thao châu Á năm sau sẽ có 46 môn và chúng ta dự kiến tham gia khoảng 25 tới 26 môn, trong đó 5, 6 môn được kỳ vọng là sẽ giành HCV, và thậm chí Asian Games sẽ có thể là kỳ Đại hội thể thao châu Á mà thể thao Việt Nam giành được thành tích tốt nhất từ trước tới nay.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

P.V (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm