Một năm thành công và thêm mục tiêu mới
* Năm 2008 đã qua, điều đọng lại trong ông, với tư cách là một trong những người tham gia chèo lái nền thể thao Việt Nam, là gì?
- Năm 2008 thể thao VN đạt được rất nhiều thành công, nhưng cũng có không ít việc chưa làm được như ý, một phần do nguyên nhân khách quan là cải cách hành chính ngành thể thao, ghép chung với văn hoá và du lịch. Đây là 1 việc làm do Đảng và Nhà nước quyết định, không bàn tới chuyện thuận lợi hay khó khăn, nhưng có 1 giai đoạn quá độ nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng… Năm 2008 còn có một số kết quả thuận lợi khác như HCV khu vực đầu tiên của bóng đá nam, còn bóng đá nữ cũng chỉ chịu thua Australia ở trận chung kết. Ngoài ra phải kể tới những môn đạt được sự tiến bộ lớn như cầu lông với Tiến Minh và Nguyên Nhung, karate với Hoàng Ngân, cờ vua với kỳ thủ nhí 8 tuổi Trần Minh Thắng. Nói chung năm 2008 thể thao VN đạt được rất nhiều thành công đáng ghi nhận.
* Trên cơ sở như thế, ông đưa ra dự báo gì về năm 2009? Theo ông liệu chúng ta sẽ gặp thuận lợi hay khó khăn nhiều hơn?
- TTVN có nhiều thử thách trong năm 2009 nhưng chủ yếu là ở Asian Indoor Games, làm sao để lọt vào top 8, thậm chí có thể là top 7, top 6, hay top 5, nhưng tóm lại không thể ngoài top 8. Còn SEA Games phải là top 3 hoặc thậm chí có thể là hơn.
* Thưa ông, trong năm 2009, thể thao VN sẽ tranh tài tại 2 sân chơi rất quan trọng là Asian Indoor Games 3 mà chúng ta là chủ nhà và SEA Games 25. Vậy đâu là mục tiêu của thể thao VN ở 2 đấu trường này?
- Asian Indoor Games là Đại hội thể thao đẳng cấp châu lục. Rất là may mắn do SEA Games 22 thắng lợi, VN giành được vị trí nhất toàn đoàn, nên đã được chấp nhận đăng cai Asian Indoor Games 3. Đây là ĐH thể thao cấp châu lục nhưng lại có một số môn Olympic, dù là ở hình thức khác, chẳng hạn như điền kinh là điền kinh trong nhà, bơi lội nhưng chỉ 25m. Đây là Đại hội đã được Chính phủ đầu tư rất nhiều để sửa chữa và xây mới cơ sở vật chất phục vụ Asian Indoor Games. Tôi cho rằng với tư cách là chủ nhà, VN đã chuẩn bị rất tốt cho Asian Indoor Games, và mục tiêu tối thiểu của chúng ta là một vị trí trong top 8. Còn ở SEA Games 25 được tổ chức tại Lào, có 25 môn thể thao thì VN tham gia hầu hết và mục tiêu là không ngoài top 3.
PCT kiêm TTK UB Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang
* Từ góc nhìn của mình, ông cho rằng cần phải làm gì để thể thao VN có thể hoàn thành những mục tiêu này?
- Thể thao VN có rất nhiều môn liên thông với nhau, chuẩn bị cho cái hiện tại thì cũng là chuẩn bị cho cái sắp tới. Chẳng hạn SEA Games liên quan cả Asian Indoor Games với những môn như lặn hay đá cầu. Ngoài ra, sau này chúng ta còn phải tham dự nhiều Đại hội thể thao khác, như năm 2010 có nhiều nội dung mới ở Asian Games tại Quảng Châu. Ngay trong năm 2009 còn có ĐH thể thao võ thuật toàn châu Á tại Bangkok, chúng ta sẽ phải cử đoàn lớn khoảng trên dưới 100 người đi. Bên cạnh đó, có rất nhiều môn thế mạnh của VN xuất hiện tại các sự kiện thể thao lớn như ĐH thể thao trẻ châu Á tại Singapore vào tháng 7, hay World Games, là 1 Đại hội thể thao do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tổ chức dành cho những môn thể thao không xuất hiện tại Olympic.
* Nhân nói tới chuyện thứ hạng ở SEA Games. Lâu nay tại SEA Games thường có chuyện ngôi nhất toàn đoàn thay đổi theo từng kỳ Đại hội, nhưng nếu lấy Olympic làm quy chuẩn thì chỉ duy nhất Thái Lan xứng tầm số 1 khu vực. Ngay ở Olympic Bắc Kinh 2008, Thái Lan cũng là quốc gia Đông Nam Á thành công nhất với vị trí 31 chung cuộc nhờ 2 HCV, 2 HCB. Xếp dưới Thái Lan một chút là Indonesia (thứ hạng 42 với 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ). Trong khi đó, VN chúng ta đứng ở khoảng cách khá xa (vị trí 71 với 1 HCB). Vậy theo ông, thể thao VN cần phải làm những gì để có thể đuổi kịp Thái Lan hay Indonesia ở đấu trường Olympic?
- Ở Olympic Thái Lan có những môn tủ như boxing và thực tế là lâu nay họ tập trung vào boxing rất nhiều. Thái Lan còn rất mạnh ở cử tạ và bằng chứng là họ đã có 2 HCV cử tạ liên tiếp ở Olympic Athens 2004 và Olympic Bắc Kinh 2008. Còn Indonesia thì có cầu lông. Xét trên bình diện Olympic thì ở ĐNA VN thua rõ Thái Lan và Indonesia.
Nhưng phải thực tế thế này, trong lịch sử các kỳ Olympic, dù khu vực Đông Nam Á có tới 11 đại diện nhưng tính từ trước tới nay cũng chỉ có mười mấy HCV mà thôi, trong đó chỉ có Thái Lan và Indonesia là có số lần giành HCV nhiều nhất, còn VN chỉ có 2 lần đoạt HCB.
Tôi cho rằng chiến lược của thể thao VN hiện nay là đúng, tập trung vào đấu trường chính nhưng cũng tranh thủ nhiều môn tham dự Olympic, vì có tham dự mới có cơ hội tranh huy chương. Chúng ta cũng phải lựa chọn những môn phù hợp với tố chất cũng như đặc điểm của con người VN, chẳng hạn nếu cử tạ thi đấu đúng hạng cân (hạng cân nhẹ) thì VN không phải thua kém ai cả. Tuy nhiên, tôi nghĩ thể thao VN phải chờ đợi qua nhiều kỳ Olympic mới làm được như Thái Lan hay Indonesia.
Những trăn trở
* Một câu hỏi ngoài lề một chút, từ nay về hưu ở Sở TDTT Hà Nội (cũ) để chuyển sang làm việc chuyên trách ở UB Olympic VN như hiện nay, ông thấy công việc cùa mình có gì khác nhau nhiều không?
- Khác lắm chứ, trước đây khi làm GĐ Sở TDTT Hà Nội thì sự vụ sự việc nhiều, giờ tôi phải làm đối ngoại nhiều hơn, vì tôi là người chịu trách nhiệm đối ngoại chính của thể thao VN. Nói chung là ở cương vị nào thì cũng vẫn rất bận rộn.
* Sau ngần ấy năm làm thể thao như vậy thì điều khiến ông cảm thấy trăn trở nhất là gì?
- Điều khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất là làm sao để giữ vững và đẩy mạnh sự phát triển bóng đá, môn thể thao được cả 80 triệu dân quan tâm. Tôi tin tưởng rằng với đội hình như thế này mà điều hành cho thật tốt thì sẽ có những bước tiến mới. Việc đó đã có VFF lo, và VFF sẽ được ngành thể thao và Nhà nước quan tâm đầu tư.
Còn những môn thể thao khác thì phải có chiến lược thật đúng. Olympic không phải chỉ 1 môn, mà phải có nhiều môn mới có cơ hội tranh giành HC, dù đây không phải là điều đơn giản. Phải có mặt thi đấu mới có cơ hội có huy chương, nên chủ trương chỉ tập trung vào 1, 2 môn thì không thể làm được điều đó. Vì thế, tôi cho rằng chúng ta phải đạt được sự thống nhất về tư tưởng.
Bên cạnh đó, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp, dù câu này đã quá quen thuộc. Sức mạnh từ kinh phí của thể thao trung ương phải được kết nối hợp lý và khoa học với thể thao các tỉnh ngành để tạo nên sức mạnh cần thiết. Như thế mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thể thao chuyên nghiệp. Chúng ta đã thi đấu ở những sân chơi như Olympic hay Asian Games thì phải tập luyện và thi đấu một cách chuyên nghiệp. Mà muốn có thể thao chuyên nghiệp phải có đủ kinh phí cho HLV, chuyên gia, VĐV phải được cọ xát quốc tế liên tục, phải được bảo đảm đầy đủ trang thiết bị…
Để làm được điều đó thì cần phải có kinh phí, nhưng nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước thì không thể đáp ứng đầy đủ. Chẳng hạn, Hà Nội và TP.HCM có hơn 100 tỷ đồng kinh phí cho thể thao thành tích cao mỗi năm, không kém gì trung ương, nên nếu bộ môn nào tận dụng thành công mới đi đến nơi đến chốn.
* Xin cảm ơn ông và chúc ông Xuân Kỷ Sửu nhiều niềm vui!
Hoàng Anh