TTK UB Olympic VN, Hoàng Vĩnh Giang: “Tôi may mắn vì là người Hà Nội!”

24/04/2010 14:19 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cái tên gần như ngay lập tức hiện lên trong đầu tôi khi muốn viết về một nhà lãnh đạo thể thao tiêu biểu của Hà Nội là “Hoàng Vĩnh Giang”. Ở ông quản lý lừng danh này của TTVN ẩn chứa điều gì đó luôn buộc người đối diện phải nhớ tới cụm từ “chí sĩ Bắc Hà”.

“Võ” cũng là “văn”


 Ông Hoàng Vĩnh Giang, TTK
 Ủy ban Olympic Việt Nam.

Ông Giang hoàn toàn có thể tự hào về nguồn gốc của mình. Bố ông là cố giáo sư Hoàng Minh Giám, một trí thức tiêu biểu từng giữ những cương vị quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hay Bộ trưởng Bộ Văn Hóa. Gia tộc của ông có truyền thống nhiều đời đỗ khoa bảng, giữ chức vụ cao và đã có đến hai Quan Thượng thư Bộ lễ.


Ở một môi trường học vấn như thế, không ít người thắc mắc tại sao ông Hoàng Vĩnh Giang lại chọn nghiệp võ chứ không phải làm một “quan văn” kế nghiệp cha ông? “Thể thao cũng là văn hóa, văn hóa thể chất. Ai bảo thể thao không đẹp, không uyển chuyển? Cứ nhìn một VĐV trượt băng nghệ thuật chẳng hạn thì đố diễn viên múa nào có thể làm được tương tự. Tôi chọn nghiệp thể thao vì tôi thấy được cái đẹp trong sự mạnh mẽ và tôi biết nếu không giỏi thì cũng chẳng chơi nổi thể thao”, ông Giang nhẹ nhàng lý giải.

Thực tế, nhiều người đã phải công nhận ông Hoàng Vĩnh Giang giỏi. Chưa cần nói đến tầm nhìn vĩ mô trong quản lý mà chỉ nhìn cách ông có thể sử dụng nhuần nhuyễn 3 ngôn ngữ Anh, Nga, Trung trong mọi giao tiếp là đủ thấy nể. Nhưng đằng sau khả năng ấy là quyết tâm phải học bằng được của anh chàng Hoàng Vĩnh Giang chỉ vì muốn chứng minh cho mọi người thấy dân thể thao không phải là “đầu óc ngu si tứ chi phát triển”. Kể về thời trai trẻ ấy, ông Giang lại miên man: “Tôi được Nhà nước cho đi học tiếng Anh tại Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Hà Nội ngày nay) để chuẩn bị sang Liên Xô. Trường tận Thanh Xuân, đạp xe đi về thường mất khá nhiều thời gian nên để tranh thủ tôi đã nghĩ ra kế: gắn 1 tấm bảng vào trước ghi đông xe rồi viết vào mỗi mặt khoảng 6 từ Tiếng Anh mới cùng nghĩa. Vừa đi, vừa nhìn, vừa nhẩm. Vậy là cứ qua 1 con phố là thuộc được 1 từ; thuộc hết thì quay mặt bảng lại học tiếp. Bây giờ nghĩ lại cũng liều vì chỉ chăm nhìn bảng không nhìn đường mà đâm vào đâu thì làm gì còn ông Hoàng Vĩnh Giang bây giờ”.

“Cú nhảy” bất ngờ

Nơi đã nhen lên niềm đam mê thể thao cho ông Giang là SVĐ Pasteur gần nhà. Thời thơ ấu, cùng chúng bạn ông đã chơi biết bao môn thể thao ở đó. Ông Giang yêu thích và cũng chơi tốt nhất là bóng đá và bóng rổ. Cũng chính ở khoảng sân nhỏ này, sau một lần bị ăn đòn khi đứng ra bênh bạn bị bắt nạt, ông Giang đã quyết chí học võ. Môn võ đầu tiên ông theo học là quyền Anh.

Tuy nhiên, lúc đó ngay cả ông Giang cũng không thể ngờ được chính nhảy cao mới là bộ môn đưa ông đến với thể thao chuyên nghiệp. Chuyện là trong một lần chàng trai Hoàng Vĩnh Giang đang tập nhảy để luyện bóng rổ thì HLV Trần Văn Hiên khi đó phụ trách bộ môn điền kinh của Hà Nội đi qua trông thấy. Thế là ông Giang được đưa vào đội tuyển để tập luyện chuyên nghiệp. Rồi ông đoạt giải vô địch học sinh Hà Nội, vô địch miền Bắc rồi vô địch toàn quốc... Cứ thế cái nghiệp thể thao đã theo ông suốt cả đời.

“May mắn là bố tôi hoàn toàn ủng hộ khi tôi quyết định đi theo con đường này. Tôi cũng may mắn vì đã ở Hà Nội chứ không phải ở đâu khác. Vì khi ấy đang tập luyện bỗng dưng trường huấn luyện thể thao (TTHLTT-I Nhổn bây giờ - PV) bị giải thể theo chủ trương của Nhà nước. Nhưng Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Đắc Thọ khi ấy vẫn cố gắng vượt khó để duy trì các đội tuyển thể thao bằng cách lập nên Trường thể thao Hà Nội. Nhờ đó lứa VĐV chúng tôi không bị bơ vơ và có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình”, ông Giang bồi hồi nhớ lại chặng đường đã qua.


Ông Hoàng Vĩnh Giang (phải) biểu diễn võ thuật tại SEA Games 24
Cái tâm với thể thao Hà Nội

Cũng từ bài học nhiệt tâm của người tiền nhiệm ấy mà sau này khi đã giữ cương vị lãnh đạo, ông Giang luôn giành trọn tâm huyết cho giấc mơ đưa thể thao Việt Nam đi lên. Năm 2003, SEA Games 22 thành công rực rỡ không chỉ ở khâu đăng cai của Việt Nam mà còn vì thành tích ấn tượng của đoàn thể thao nước nhà với công đầu chính là các VĐV Hà Nội.

Kể từ dấu mốc ấy, TTVN từ nhóm dưới đã vươn lên và chưa bao giờ rớt khỏi tốp 3 của thể thao khu vực. Ai cũng hiểu công lớn nhờ những tính toán và công tác chuẩn bị hàng năm trời trước đó của ông Hoàng Vĩnh Giang. Đến bây giờ khi đã xây được xong cái “nền” thì nỗi lo của ông Giang lại là làm sao để đào tạo được lớp VĐV kế thừa. Nhưng như mọi đô thị lớn khác ở Việt Nam, Hà Nội đang phải đau đầu với bài toán khó là các phụ huynh luôn muốn con làm kỹ sư, bác sĩ hơn là theo nghiệp thể thao. Vì thế không ít lần đích thân ông Giang đã phải lấy cái danh của mình đi thuyết phục gia đình các VĐV có tiềm năng chỉ để giữ nhân tài sau này cho đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, theo quy định của Nhà nước ông Hoàng Vĩnh Giang không còn giữ chức Giám đốc Sở TDTT Hà Nội nữa. Nhưng thực tế ông vẫn giữ vai trò quân sư, thậm chí cả điều hành “con tàu” thể thao thủ đô với chức danh Chủ tịch Liên đoàn các môn thể thao Hà Nội. Một mô hình tổ chức chưa thấy ở bất cứ địa phương nào, nhưng riêng người Hà Nội đã lập nên để tận dụng “chất xám” và cả tâm huyết của Hoàng Vĩnh Giang. Bởi vì thể thao Hà Nội cần ông Giang cũng như ông Giang còn muốn tận tâm giúp thể thao Hà Nội.

(Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại Nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)


Thu Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm